Nỗ lực bứt phá của ngành Công Thương 5 đô thị lớn

Thứ sáu, 18/07/2014 09:55

(Cadn.com.vn) - Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố Hải Phòng-Hà Nội-Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ vừa diễn ra tại Đà Nẵng đã tập trung vào chủ đề “Không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trong thời gian diễn ra hội nghị P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có dịp trao đổi với lãnh đạo ngành Công Thương của các địa phương và ghi nhận nhiều ý kiến từ thực tế, chủ yếu là những khó khăn, hạn chế và cả những giải pháp để thúc đẩy quá trình hội nhập.

Từ trái sang phải: Ông Nguyễn Minh Toại, ông Phạm Văn Phương, bà Trần Thị Phương Lan, ông Lê Văn Khoa, ông Phan Văn Kha.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:

Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, phấn đấu tăng trưởng năm 2014 cao hơn năm 2013, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho (dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các DN tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện thúc đẩy SXKD).Thực hiện các chính sách tài khóa, tháo gỡ thị trường bất động sản, cải thiện môi trường đầu tư, SXKD và nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI) của TP.

Ngoài ra, TP cũng sẽ chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để trên cơ sở đó cân đối cung cầu hàng hóa; chủ động duy trì nguồn hàng, có biện pháp khai thác, dự trữ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

UBND TP Hà Nội cũng sẽ tạo điều kiện cho DN tham gia kế hoạch cân đối cung cầu, bình ổn giá cả, chủ động về nguồn vốn cũng như đầu ra, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thúc đẩy SXKD, tăng cường mối liên kết giữa các DN sản xuất và giữa sản xuất với phân phối; phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác như sàn giao dịch hàng hóa, thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại...

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM:

Nhằm tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường năm 2014, TP sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm. Đó là, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường để nâng cao năng lực của các DN tham gia chương trình, hỗ trợ nâng cao năng lực của các HTX sản xuất nông sản thực phẩm, hướng mục tiêu sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, Haccp, sản phẩm sạch đáp ứng chất lượng sản phẩm hàng hóa tham gia chương trình.

Đẩy mạnh việc kết nối giữa các tổ chức tín dụng với DN, HTX tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho DN đầu tư-liên kết-phát triển SXKD. Tập trung phát triển hệ thống phân phối Siêu thị-Trung tâm thương mại, Cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng bình ổn.

Tăng cường sự liên kết thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả các đề án Chương trình mang tính chiến lược dài hạn tạo nguồn hàng cho TP, khuyến khích DN tham gia Chương trình đầu tư-liên kết SXKD, phát triển mạnh hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc sản vùng miền...

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng:

Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu cải tạo và đầu tư xây dựng mới lưới điện tương đối lớn. Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành cũng như của ngành Điện nên nhiều công trình lưới điện 220kV, 110kV đã được triển khai đầu tư xây dựng.

Toàn bộ lưới điện trung thế đã được cải tạo và xây dựng mới vận hành ở cấp điện áp 22kV, sử dụng dây bọc, cách điện bán phần; lưới điện hạ thế được cải tạo và xây dựng mới sử dụng cáp vặn xoắn, nhờ đó đã giảm được diện tích hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Với định hướng trở thành một địa điểm du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng đề án ngầm hóa lưới điện TP nhằm tạo cảnh quan của một TP du lịch văn minh, hiện đại.

Trong cơ cấu tiêu thụ điện của TP Đà Nẵng, điện năng tiêu thụ cho ngành Công nghiệp-Xây dựng chiếm tỷ trọng 50,1%, ngành Thương mại-Dịch vụ chiếm tỷ trọng 10,78%; ngành quản lý tiêu dùng dân cư chiếm tỷ trọng 33,98%; ngành Nông nghiệp và các hoạt động khác 5,14%. Điều này cơ bản phù hợp với định hướng của TP về chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP Đà Nẵng theo hướng “Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp”.

Ông Phạm Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng:

Những năm gần đây do điều kiện kinh tế gặp khó khăn, nhiều DN phải ngừng hoạt động, dẫn đến một số lượng không nhỏ người lao động không có việc làm nên đã chuyển sang SX hoặc KD thực phẩm để mưu sinh. Vì vậy mà những hộ SXKD thực phẩm đã nhiều nay lại càng nhiều hơn.

Các cơ sở SXKD thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn TP Hải Phòng phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, mùa vụ, xuất hiện rải rác ở vùng dân cư, lực lượng lao động biến đổi thường xuyên nên rất khó khăn cho công tác quản lý như: thống kê nắm bắt đối tượng, hướng dẫn và phổ biến pháp luật về ATTP, kiểm tra giám sát...

Các cơ sở ở quy mô hộ gia đình chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATTP, chưa quan tâm thực sự đến công tác đảm bảo ATTP trong SXKD, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng là rất lớn. Từ thực tế trên, Sở Công Thương TP Hải Phòng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan về công tác quản lý Nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm quản lý cần rà soát, đánh giá để có những chính sách phù hợp và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ:

Mặc dù công tác quản lý ATTP thời gian qua gặp khá nhiều thuận lợi nhưng trong quá trình triển khai, Sở Công Thương TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là theo Thông tư 29 thì Sở Công Thương không thể thực hiện xử phạt vi phạm giấy chứng nhận đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn, trong khi các cơ sở này hoạt động rất nhiều và có quy mô rất lớn. Từ khó khăn nêu trên để tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP, đề nghị Bộ Công Thương cần chỉnh sửa, bổ sung và làm rõ hơn các quy định tại Thông tư số 29, nhất là nội dung “Điều 2: Đối tượng áp dụng”.

Về quy định điều kiện cơ sở vật chất nên phân biệt quy mô sản xuất, kinh doanh. Và đối với việc xác nhận kiến thức về ATTP đề nghị sớm chỉ định cơ quan thẩm quyền thực hiện. Đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ cho Sở Công thương và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý có đủ chức năng bốc mẫu, kiểm tra.

Phương Kiếm 
(thực hiện)