Nỗ lực cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng

Thứ bảy, 02/03/2019 12:26

Ngày 1-3, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra không ít thách thức trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và yêu cầu các cấp, các ngành có biện pháp giải quyết, khắc phục trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019.

Tập trung thúc đẩy tăng trưởng

Về nhiệm vụ tháng 3 và thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tổ chức uy tín đánh giá, kiểm định, công bố quy mô GDP của khu vực kinh tế phi chính thức nước ta với số liệu phải đảm bảo khách quan, có tính khoa học và cơ sở pháp lý.

Cùng với đó là tập trung cho nhiệm vụ cấp bách là tăng trưởng. Thủ tướng nhấn mạnh đến chủ trương tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. "Phải huy động sử dụng mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất theo kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước", Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành có biện pháp khắc phục các khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt bằng những hành động và giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm, nỗ lực cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ngay trong tháng 3, có giải pháp để mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho những lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực cho tăng trưởng. Các bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Nhân Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa kết thúc, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên chương trình, kế hoạch để thu hút FDI, nhất là những tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đặt camera giám sát cao tốc và Quốc lộ 1

Tại họp báo phóng viên đặt câu hỏi về việc Chính phủ yêu cầu Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc; lộ trình triển khai dự án của Bộ Công an và nguồn lực cũng như nguồn kinh phí để thực hiện việc này.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, các đơn vị của Bộ cùng những ngành liên quan xây dựng Đề án lắp đặt hệ thống camera giám sát, kiểm soát và xử lý vấn đề vi phạm giao thông.

"Trước mắt dự kiến sẽ lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc và tuyến Quốc lộ 1. Tổng mức đầu tư cho dự án bước đầu là khoảng 600 tỷ đồng, hiện đang trong thời điểm nghiên cứu để xây dựng dự án. Nhưng thực hiện được hay không có nhiều yếu tố. Trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải cùng các ngành chức năng trong tham mưu để thực hiện theo đúng quy định" - Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vương cho rằng, đây là vấn đề đầu tư, xử lý hành chính nên có liên quan đến các Luật như Luật Đầu tư công, Luật Tài chính ngân sách, Luật Xử lý vi phạm hành chính... "Rất nhiều vấn đề đặt ra và Bộ Công an cũng đang rất quan tâm. Nếu có được dự án này sẽ rất tốt cho công tác kiểm soát an toàn giao thông và các hoạt động của lực lượng trên các tuyến giao thông" - ông Lê Quý Vương nói.

Sớm lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà ga T3

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời câu hỏi về đề xuất xây dựng Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, dự án xây dựng nhà ga T3 trên cơ sở quy hoạch chi tiết của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải. Trước điều kiện đầu tư cấp bách do tình hình ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Trên cơ sở quá trình đó, Bộ đã công khai quy hoạch và hiện tại có Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị được giao quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị được đầu tư Nhà ga T3. Tuy nhiên, hiện Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Đông cho biết Tập đoàn FLC gần đây đã gửi đề xuất tới Bộ xin xây nhà ga T3. “Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Nội dung này chúng tôi đang tập hợp tất cả các đề xuất. Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi còn FLC mới đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể”, ông Đông nói.

Xử phạt doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm niêm yết

Trả lời tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ và các cơ quan liên quan sẽ có giải pháp xử lý các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2018 vẫn còn 667 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó có 295 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành và 372 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Tính đến ngày 12-9-2018, đã có 152 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chỉ đạt 20,3% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

"Với con số này, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo để thúc đẩy. Trong đó, Chỉ thị 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một giải pháp để thúc đẩy quá trình niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó yêu cầu các cơ quan chủ sở hữu doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm và chịu trách nhiệm việc cổ phần hóa" - Thứ trưởng Mai cho biết.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ kiến nghị, chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước hết xử phạt theo quy định của pháp luật những doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý trách nhiệm cá nhân đại diện vốn doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện niêm yết.

T.THỦY – TTXVN

Chi phí cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều “không nhiều”

Chiều 1-3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ nhà trong công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần hai, để lại ấn tượng sâu sắc cho cả thế giới, chứ không chỉ riêng hai nước Hoa Kỳ và Tiều Tiên.

Trả lời câu hỏi của báo giới về số kinh phí mà Việt Nam bỏ ra để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai và kết quả thu lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, có thông tin nói khi Singapore tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, quốc đảo này bỏ ra 20 triệu USD (có thông tin là 17 triệu USD) và thu về 500 triệu USD, có thông tin nói thu được 800 triệu USD.

“Chúng ta thu được rất nhiều, có cái nhìn thấy, có cái không nhìn thấy”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, hiện chưa tổng hợp chi phí tổ chức Hội nghị, nhưng “chúng tôi nghĩ là không nhiều. Văn phòng Chính phủ cũng huy động các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm của chúng ta phục vụ hội nghị thượng đỉnh như nước ép trái cây…”.

 Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, tại phiên họp Chính phủ diễn ra sáng nay, Thủ tướng đã nói, bình thường để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các hãng truyền thông lớn, chúng ta phải bỏ ra hàng triệu USD cũng chỉ được vài giây, vài phút. Lần này có tới 218 hãng thông tấn lớn trên thế giới đến Việt Nam đưa tin, điều này mang lại những lợi ích rất lớn cho chúng ta.

T.T