Nỗ lực chỉnh trị sông Quảng Huế

Thứ tư, 21/11/2018 11:21

Trong khi TP Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì hạn hán và lượng nước từ thượng nguồn Vu Gia không đủ đẩy mặn thì việc tính toán để quản lý tốt nguồn nước về hạ du đang là vấn đề hàng đầu. UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam trước mắt trong năm 2018 cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế để giảm lượng nước về sông Quảng Huế, tăng lượng nước về sông Vu Gia cấp nước cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. Trận lũ lịch sử năm 1999 đã tạo nên hiện tượng cắt dòng trên bãi sông tạo thành lạch sông Quảng Huế mới (đoạn qua xã Đại Cường, H. Đại Lộc) nằm tại vị trí cách ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế cũ khoảng 1,7km về phía thượng lưu. Nếu "chỉnh trị" được lạch sông này  sẽ có thêm một lượng nước đáng kể giúp "giải cơn khát" cho TP Đà Nẵng và nhiều địa phương khu vực bắc Quảng Nam.

Ngã ba chia nước Vu Gia - Áí Nghĩa - Quảng Huế. 

Sau khi xuất hiện lạch sông Quảng Huế mới từ năm 1999 thì cửa vào sông Quảng Huế cũ bị bồi lấp gần như hoàn toàn vào mùa kiệt. Nguồn nước cung cấp cho hầu hết hệ thống thủy nông, trạm bơm điện của các huyện phía bắc Quảng Nam gồm 4 đập dâng mới được nâng cấp của hệ thống An Trạch bị cạn kiệt. Trên 40 trạm bơm điện với hơn 150 máy bơm bảo đảm nước tưới cho 10.000ha đất nông nghiệp (Quảng Nam 8.000ha, Đà Nẵng 2.000ha) và cấp nước sinh hoạt TP Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành, hoạt động. Số liệu thống kê, từ năm 2000 đến 2007 chỉ có 26 ngày Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng bị nhiễm mặn; nhưng 9 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có tới 80 ngày bị nhiễm mặn và có chiều hướng ngày càng tăng cao qua thời gian đều có liên quan đến việc hình thành khúc sông này. Không chỉ vậy, khúc sông mới được hình thành này ngày càng mở rộng gây xói lở, bồi lấp hàng chục héc-ta đất canh tác xã Đại Cường. Ông Trần Rê - Phó Ban Nông nghiệp xã Đại Cường cho biết  địa phương chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lạch sông này cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Mùa mưa nước đổ về quá nhiều gây xói lở còn mùa nắng thì gây cạn, khó khăn cho ngành nông nghiệp. "Năm 2002, Bộ NN&PTNT đã thực hiện dự án "Chỉnh trị sông Quảng Huế" với 2 mục tiêu: đảm bảo cân bằng nước mùa kiệt giữa sông Vu Gia và Thu Bồn, cấp đủ nước tưới nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông Vu Gia thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng và bảo đảm lưu lượng sinh thái cần thiết tạo lòng cho sông Vu Gia, hạn chế suy thoái lòng sông đang diễn ra ở hạ du Vu Gia.

 Tỉnh Quảng Nam cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập  Quảng Huế để tăng lượng nước về hạ du.

Trong giai đoạn từ 2007 - 2011, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao các đơn vị thực hiện dự án "Khắc phục chỉnh trị sông Quảng Huế sau lũ năm 2007". Tuy nhiên thực tế lũ lụt qua các năm vẫn khiến con sông này trở nên bất trị", ông Rê cho biết. Thông tin từ Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Quảng Nam, từ sau năm 2010 hạ lưu sông Vu Gia luôn bị thiếu nước trong tất cả các mùa cạn, nhất là tại khu vực TP Đà Nẵng. Đặc biệt, có năm bị thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa (tháng 11, tháng 12-2012). Sự thay đổi tỷ lệ phân lưu tại ngã ba chia nước về sông Ái Nghĩa và sông Quảng Huế theo hướng bất lợi cho hạ du, tăng thêm nước về sông Thu Bồn và tiếp tục giảm nước sông Vu Gia - Ái Nghĩa khiến nhiều địa phương bị ảnh hưởng và trực tiếp chịu hệ quả là TP Đà Nẵng. Vì vậy việc sớm tìm ra giải pháp chỉnh trị khúc sông này là vấn đề cấp bách của hai địa phương nhất là trong tình trạng thời tiết cực đoan hiện nay. Song song với việc đắp đập, UBND TP Đà Nẵng cũng đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn tỉnh phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn TP Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia, khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển KT-XH của Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Hà Dung