Nỗ lực cứu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen

Thứ tư, 02/11/2022 10:37
LHQ và các nước hiện cố gắng tìm giải pháp thương lượng để thỏa thuận được nối lại trước nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng xuất hiện trở lại và giá thực phẩm sẽ tăng cao.
Các tàu thương mại trong thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chờ đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ sáng sớm ngày 31-10. Ảnh: Reuters
Các tàu thương mại trong thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chờ đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ sáng sớm ngày 31-10. Ảnh: Reuters

Phong tỏa "hành lang ngũ cốc"

Hãng tin RT ngày 31-10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã phong tỏa tuyến hành hải được gọi "hành lang nhân đạo" được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine qua biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga cho hay Moscow đưa ra quyết định như vậy là do Ukraine đã sử dụng tuyến đường này để tiến hành các cuộc tấn công.

Thông báo được đưa ra sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine gần Sevastopol hôm 29-10 làm hư hại một số tàu mà Nga sử dụng để tuần tra Biển Đen. Moscow cáo buộc Anh đứng đằng sau vụ việc và cho biết một đơn vị Hải quân Anh đã vạch kế hoạch cho các hoạt động từ cảng Ochakov. London đã bác bỏ cáo buộc này. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Mọi hoạt động hàng hải qua hành lang an ninh được thiết lập theo sáng kiến vận chuyển ngũ cốc trên Biển Đen sẽ bị dừng lại cho đến khi tình hình xung quanh cuộc tấn công khủng bố của Ukraine nhằm vào các tàu quân sự và dân sự ở Sevastopol được làm rõ".

Cũng trong ngày 31-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thỏa thuận ngũ cốc giữa Moscow và Kiev đã không đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ông cho rằng hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận đã không đến được các quốc gia thiếu lương thực mà sẽ đến châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin cho biết Moscow đang tạm ngừng tham gia vào thỏa thuận, nhưng không hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này.

Nga nêu điều kiện đàm phán

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 31-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu điều kiện tiến hành thảo luận việc nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh, được thiết lập theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, sau khi Moscow đình chỉ tham gia sáng kiến này hôm 29-10.

Hãng tin TASS dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga sau cuộc điện đàm nêu rõ Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải có các đảm bảo của Ukraine rằng hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine liên quan đến nỗ lực vận chuyển ngũ cốc không bị sử dụng cho các hành động chống Nga. Chỉ trong trường hợp này, những cuộc thảo luận về nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh được thiết lập theo Sáng kiến Biển Đen mới có thể thực hiện được".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cũng khẳng định Moscow sẽ phải thực hiện các biện pháp của riêng mình để kiểm tra các tàu đi qua Biển Đen khi thực tế cho thấy có "việc lợi dụng hành lang nhân đạo và nhìn chung, Biển Đen vẫn là khu vực xung đột".

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ Ukraine phải đảm bảo rằng không có mối đe dọa nào nhằm vào các tàu trong hành lang ngũ cốc. Ông nói: "Ukraine phải đảm bảo rằng sẽ không có mối đe dọa nào đối với các tàu dân sự và tàu tiếp tế của Nga". Nhà lãnh đạo Nga khẳng định quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc của Moscow có liên quan đến các mối đe dọa đối với hành lang nhân đạo.

Nỗ lực cứu thỏa thuận

Thỏa thuận, có tên gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7, dưới sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine, cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế. Từ khi thỏa thuận được triển khai, hơn 9 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu. Dự kiến, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vào ngày 19-11 tới nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, ngày 29-10, Nga thông báo đình chỉ tham gia sáng kiến trên do nước này không thể "đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự" sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho rằng Nga muốn rút khỏi thỏa thuận này.

Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu lại đứng trước nguy cơ đứt gãy khi Nga rút khỏi vô thời hạn thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen với Ukraine, buộc LHQ và các nước liên quan gấp rút tìm cách cứu vãn. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hoãn chuyến công tác nước ngoài để tìm cách khôi phục thỏa thuận. Thổ Nhĩ Kỳ đang liên lạc như con thoi giữa Moscow và Kiev. NATO và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Nga xem xét lại quyết định. "Ngay cả khi Nga hành xử do dự..., chúng tôi sẽ kiên quyết tiếp tục nỗ lực để phục vụ nhân loại", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói ngày 31-10.

Hôm 31-10, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, kiêm điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths, cho biết LHQ mong muốn Nga tham gia trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông khẳng định LHQ sẵn sàng giải quyết những lo ngại và lắng nghe đề xuất của tất cả các bên khi hiệu lực của thỏa thuận dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 19-11 tới. Phó Tổng Thư ký LHQ Griffiths nhấn mạnh: "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen rất quan trọng và không thể đổ vỡ".

Trong khi đó, biến động trên Biển Đen lập tức lan ra thị trường thực phẩm trong ngày đầu tuần. Theo Reuters, tại sàn Chicago (Mỹ), giá lúa mì giao theo kỳ hạn đã tăng hơn 5,5%, giá ngô tăng hơn 2%.

AN BÌNH