Nỗ lực đẩy lùi hàng kém chất lượng dịp cuối năm
Cuối năm sức tiêu dùng hàng hóa tăng cao cũng là dịp để hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hết đát được “khoác nhãn mới” tung ra thị trường. Với Đà Nẵng, hơn 90% hàng tiêu dùng phải nhập từ bên ngoài càng khiến tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm về giá, nhãn mác diễn biến phức tạp. Vậy phải làm gì để kiểm soát ổn định thị trường Tết, hạn chế thấp nhất hàng kém chất lượng tới tay người tiêu dùng? Để hiểu rõ vấn đề này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nho Hậu- Chi cục phó Quản lý thị trường TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Nho Hậu |
P.V: Xin ông cho biết thực trạng hàng kém chất lượng dịp cuối năm tại địa bàn Đà Nẵng diễn biến phức tạp thế nào?
Ông Nguyễn Nho Hậu: Hàng kém chất lượng là hàng giả, nhái, hàng “hết đát” nhưng được dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường lưu thông. Vào dịp cuối năm, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao dẫn tới các mặt hàng kém chất lượng cũng được tuồn ra thị trường nhiều hơn. Trong số đó chủ yếu là bánh kẹo mứt, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói... Nắm bắt thực trạng đó, chúng tôi đã tập trung lực lượng kiểm soát chặt lĩnh vực này. Nhờ đó, các vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa, cụ thể là vi phạm về nhãn hàng hóa thời gian qua chúng tôi xử lý rất nhiều, gần 4 ngàn vụ, phạt tiền hơn 11,2 tỷ đồng.
P.V: Thưa ông, được biết số vụ vi phạm về gian lận thương mại bị xử lý trong năm qua tăng 95%, vậy đây có phải là vấn đề nóng với Đà Nẵng hiện nay không?
Ông Nguyễn Nho Hậu: Chủ yếu các vụ gian lận thương mại bị xử lý liên quan tới vi phạm về giá. Chúng tôi đã xử lý hơn 1,8 ngàn vụ, phạt tiền hơn 2,3 tỷ đồng. So với số vụ, mức phạt tiền một số hành vi khác như hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, hàng cấm, hàng giả mạo nhãn hiệu thì vi phạm về gian lận thương mại “nóng” hơn. Trong dịp Tết, chúng tôi cũng xác định đây là lĩnh vực cần tập trung kiểm soát tốt. Bởi lẽ dịp Tết nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao nhất là các nhà hàng, quán ăn... rất dễ xảy ra tình trạng tăng giá cao đột ngột hoặc bán không đúng giá niêm yết, thu phụ phí cao bất thường.
Lực lượng QLTT Đà Nẵng kiểm soát xử lý một lô hàng vi phạm. |
P.V: Mối lo nhất của người dân hiện nay là vấn đề an toàn thực phẩm, bởi nó ảnh hưởng tới sức khỏe, để hệ lụy lâu dài, vậy lực lượng QLTT có giải pháp gì để kiểm soát hàng hóa đảm bảo ATTP?
Ông Nguyễn Nho Hậu: Chúng tôi cũng hiểu đây là vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay. Vì vậy, thời gian qua, lực lượng QLTT đã nỗ lực rất lớn để kiểm tra, xử phạt việc kinh doanh không đảm bảo ATTP, tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong đó nổi bật như mặt hàng rượu, người dùng có nhu cầu cao dịp cuối năm, vì thế nhiều đơn vị kinh doanh đã vi phạm. Đơn cử tại Hòa An (Q.Cẩm Lệ), Đội QLTT số 2 đã kiểm tra đột xuất Cty Dana Hưng Thịnh kinh doanh rượu không dán tem, đã ra quyết định xử phạt, tịch thu hơn 3,2 ngàn chai rượu Bầu Đá. Cũng với vi phạm tương tự, QLTT đã xử phạt và tịch thu hơn 1,1 ngàn chai rượu nhãn hiệu Tràng An Kim Sơn và Ngọc Hiền của bà Nguyễn Thị Nhị ở đường Phạm Như Xương (Q. Liên Chiểu). Ngoài ra, từ nay tới hết Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ tập trung lực lượng, mở đợt cao điểm kiểm soát tất cả các mặt hàng thực phẩm phục vụ tiêu dùng Tết.
P.V: Như vậy, việc kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng hiện nay có khó khăn gì không thưa ông?
Ông Nguyễn Nho Hậu: Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do thị trường Đà Nẵng phần lớn nhập hàng tiêu dùng từ nơi khác nên các đối tượng vận chuyển thường lợi dụng lúc lực lượng CSGT đổi ca làm việc để lưu thông hàng hóa. Các chủ hàng thường dùng thủ đoạn xé lẻ hàng hóa để trung chuyển qua trạm, sau đó đưa về điểm tập kết bí mật trong TP, từ từ phân phối ra thị trường. Để xử lý được các mặt hàng kém chất lượng này, lực lượng QLTT cần có sự phối hợp của CSGT, đặc biệt cần sự phối hợp của người dân thông qua báo tin. Tức là phải xây dựng cơ sở báo tin, mua lại nguồn tin của người dân mới có thể biết chính xác phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động kinh doanh hàng kém chất lượng để xử lý. Tuy nhiên, việc mua nguồn tin này hiện rất khó khăn, chưa ổn định.
P.V: Theo ông, để đẩy lùi thực trạng hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường Đà Nẵng thì thời gian tới cần giải pháp gì?
Ông Nguyễn Nho Hậu: Phải bám sát địa bàn để có kế hoạch chủ động kiểm tra, xử lý hiệu quả tình trạng kinh doanh hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Việc phối hợp với các lực lượng của Công an cũng rất quan trọng. Thời gian qua, nhờ phối hợp với CSGT Đà Nẵng chúng tôi đã xử lý nhiều vụ như bắt hơn 15 ngàn bao thuốc lá hiệu 555 trên xe tải BKS 29C- 51541 nhập lậu, bắt 790 vali trên xe tải BKS 89C- 06249 không có chứng từ hợp lệ... Đặc biệt, tôi cho rằng để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, nhái, kém chất lượng thì ý thức của người tiêu dùng rất quan trọng. Đó là ý thức tẩy chay hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, giá rẻ bất thường. Mà để nâng cao nhận thức, giúp người tiêu dùng biết cách phân biệt đâu là giả, đâu là thật chúng tôi sẽ giới thiệu gian hàng phân biệt hàng giả hàng thật tại hội chợ hàng Việt sắp tới để người dân được so sánh, nhận biết.
P.V: Xin cảm ơn ông!
HẢI QUỲNH
(Thực hiện)