Nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp

Thứ ba, 12/10/2021 08:10

Dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy trong giới trẻ. Tuy nhiên, với nhiều phương pháp, cách làm mới, sáng tạo, các ban ngành, đoàn thể, địa phương trên toàn thành phố đã nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, ma túy nói riêng; đặc biệt vừa tổ chức tốt công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện tập trung, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, an toàn.

Thành viên các Câu lạc bộ “Dự phòng nghiện ma túy” trên địa bàn TP Đà Nẵng tham quan thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (ảnh tư liệu).

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, tính đến ngày 15-9-2021, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 457 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trong đó có 54 học viên cai nghiện tự nguyện, 45 người ngoài thành phố; 58 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và 729 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xác định nguy cơ lây nhiễm trong cơ sở cai nghiện là rất cao nếu không có các phương án, kế hoạch để chủ động phòng ngừa từ trước, từ xa, vì vậy, công tác tổ chức cai nghiện tập trung được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe học viên cai nghiện theo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19. Nhờ đó, việc thực hiện công tác cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng vừa đảm bảo quy trình, phương án đề ra, vừa an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, việc tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, tổ chức lao động trị liệu, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất ma túy cũng được triển khai theo đúng quy định; học viên được tổ chức học văn hóa, học nghề và tham gia lao động trị liệu 4 giờ/ngày; được xem tivi, đọc sách báo, gọi điện thoại cho gia đình hàng ngày…

Công tác quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện cũng được chú trọng thực hiện. Cụ thể, học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Đến ngày 15-9-2021, toàn thành phố có 729 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú, trong đó có 697 người đủ điều kiện phân loại. Đối với số trường hợp chưa đủ điều kiện phân loại được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục. Hàng tháng, đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện…

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng cho biết, hầu hết các địa phương đều tổ chức tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, cũng như có đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trong khi đó, bản thân người nghiện và gia đình chưa hợp tác với chính quyền địa phương, đặc biệt vẫn còn tình trạng người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện, dẫn đến công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn thành phố còn những hạn chế, khó khăn.

Cũng theo ông Thái, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức là giải pháp không thể thiếu trong phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, vì vậy thời gian qua, có nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp đã được các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả.

Đơn cử như quận Hải Châu, ngoài các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên ở trọ và các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn được tổ chức, UBND các phường còn tổ chức gặp mặt các đối tượng là người nghiện ma túy đang quản lý sau cai và người đã hết thời hạn quản lý tại địa phương để giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và có hướng tạo điều kiện giúp đỡ, hạn chế trường hợp tái nghiện trên địa bàn. Hay như tại quận Thanh Khê, không chỉ có nhiều phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các ngành, đoàn thể còn phối hợp với UBND các phường mở các lớp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại 10 phường cho các đối tượng nguy cơ cao nghiện ma túy, gia đình, cộng đồng, sau cai nghiện và gia đình họ với hơn 1.000 người tham gia.

Nhằm kéo giảm số người nghiện và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, ông Thái cho rằng, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của người dân. Theo đó, mỗi người, mỗi nhà phải giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình không để tham gia tệ nạn ma túy nói riêng và các tệ nạn khác.

D.HÙNG