Nỗ lực ngăn chặn bạo lực gia đình
(Cadn.com.vn) - Theo thống kê, có 58% phụ nữ tại Việt Nam từng kết hôn bị bạo lực gia đình. Khảo sát tại Hà Nội và TPHCM chỉ ra rằng, có 87% phụ nữ cho biết đã từng bị xâm hại. Tại Đà Nẵng, nhiều năm qua thành phố đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng này. Song vẫn còn tái diễn, điều đó cho thấy thực trạng bạo lực gia đình đã và đang vẫn hiện hữu trong mỗi mái nhà.
Nhiều năm tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình, chị Nguyễn Thị Lê Na, Chủ tịch Hội phụ nữ P. Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê) kể rằng, tình trạng bạo lực gia đình diễn ra rất thường xuyên và đó là lý do khiến nhiều tổ ấm đổ vỡ, bất hòa. Bạo hành gia đình xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau và không chỉ với những gia đình làm nghề khổ, mà nhiều người trí thức cũng sẵn sàng dùng vũ lực với người thân trong gia đình. “Có nhiều lý do dẫn đến bạo hành gia đình như cuộc sống còn khó khăn, không có việc làm ổn định, ghen tuông hay nghiện rượu nên nhiều ông chồng hành hạ vợ con. Những người trí thức mà có hành vi bạo lực gia đình là khó hòa giải lắm. Họ cho rằng đó là việc nhà nên không cần chính quyền can thiệp. Ngoài ra, nhiều phụ nữ cam chịu nên vấn nạn này vẫn còn tái diễn vì vậy công tác hòa giải gặp không ít khó khăn”, chị Na thổ lộ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng tổ chức diễu hành kêu gọi mọi người hành động |
Để hàn gắn hạnh phúc cho những gia đình có tình trạng bạo lực, chị Na phải đến từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh của họ, nhiều khi đêm khuya nhưng nghe báo có vụ bạo hành là chị đi. Chị kể, mỗi gia đình có hoàn cảnh, nguyên nhân và hành vi bạo lực khác nhau vì vậy muốn ngăn ngừa thì phải đến từng nhà tìm hiểu. “Làm công việc này phải kiên trì và nhẫn nại mới thành công. Tùy trường hợp mà đến tâm sự riêng hay cùng các đoàn thể khác can thiệp, trong năm 2014 chúng tôi đã hòa giải được cho 4 cặp vợ chồng, mỗi lần hàn gắn được mâu thuẫn cho gia đình nào đó là tôi thấy rất vui”, chị Na tâm sự. Còn chị Phan Thị Kim Diệu, Chủ tịch Hội Phụ nữ P. Hòa Phát (Q. Cẩm Lệ) cho biết, trong năm 2014 hội phụ nữ phường đã hòa giải thành công cho 8 đôi vợ chồng từng bất hòa. “Phường đã xây dựng được 3 địa chỉ hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành để tư vấn và giúp đỡ, trang bị kiến thức cho chị em phụ nữ ứng phó với những trường hợp bị bạo hành”, chị Diệu kể.
Cùng nắm tay ngăn chặn và phòng chống bạo lực gia đình. |
Những năm qua, Đà Nẵng có rất nhiều mô hình hay và những con người tâm huyết như chị Na, chị Diệu trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Vì thế Đà Nẵng được đánh giá là một trong ít địa phương quyết liệt phòng chống bạo lực gia đình, nhờ vậy mà nhiều tổ ấm không bị đổ vỡ, nhiều gia đình có trở lại hạnh phúc. Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng cho biết, việc phòng chống thực trạng này luôn được Hội đặt lên hàng đầu. Thời gian qua các cấp Hội có nhiều hoạt động và mô hình tiêu biểu như: Ngày hội gia đình “Yêu thương và chia sẻ”, tổ chức 10 điểm sinh hoạt tại 5 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật”.
Các cấp Hội duy trì và phát triển mô hình CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. Hiện nay, có 70 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” với 2.763 thành viên, 47 CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”, 639 địa chỉ tin cậy và 178 tổ, đội, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình để giúp đỡ và hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ đó các cấp Hội đã giúp hòa giải, tư vấn và giải quyết đơn ly hôn cho 510 lượt trường hợp liên quan đến bạo lực, mâu thuẫn gia đình. Các cấp hội đã khai thác và thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế, trong đó có nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, thực hiện bình đẳng giới như Dự án phát triển cộng đồng bền vững (Enda), Dự án “Tăng cường năng lực của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và hoạt động phòng, chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Bà Lĩnh nói: “Thời gian đến các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình như địa chỉ tin cậy, tổ phản ứng nhanh ở cộng đồng, các CLB gia đình hạnh phúc, CLB không bạo lực gia đình, CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB trợ giúp pháp lý... góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái. Vận động nam giới tình nguyện làm tuyên truyền viên trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình và tham gia giải quyết các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái. Bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề chung của toàn xã hội vì vậy để phòng chống thực trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều địa phương, cấp ngành”.
Minh Hà