Nợ mẹ từng bữa sắn, khoai !

Thứ bảy, 02/12/2023 16:00
Còn nhớ cái ngày chân ướt chân ráo lên thành phố trọ học, lần đầu tiên nó theo đứa bạn cùng quê thử dạo một vòng quanh phố vào buổi sáng sớm. Nó tròn mắt nhìn những nhà hàng sang trọng qua khung cửa kính trong suốt, ngỡ ngàng như đi lạc vào xứ sở kỳ lạ. Những bộ bàn ghế gỗ nhỏ nhắn trải khăn trắng muốt, những chiếc cốc ngộ nghĩnh dễ thương; cả những con người sang trọng đang từ tốn dùng bữa điểm tâm. Mùi súp, thịt nướng, bánh mì ốp la lan tỏa trong không khí không làm nó thấy đói bụng mà lại khiến nó nhớ nhà da diết  những bữa lót dạ với khoai, sắn và đậu luộc.
Thương nhớ những sản vật do một tay ba mẹ làm ra,
Thương nhớ những sản vật do một tay ba mẹ làm ra,

Quê nó là một xã miền trung du xứ Quảng, đời sống người dân còn nghèo. Ở đó, người ta không gọi bữa điểm tâm như người thành phố mà gọi bữa lót dạ một bữa ăn nhanh và không cầu kỳ thậm chí có phần qua loa. Quê nó đất trồng gì cũng tốt, tất cả đất rẫy được khai khẩn trồng nhiều loại cà, dưa, khoai và chủ yếu là 3 loại lương thực đậu phộng, khoai, sắn canh nông. Mùa nào thức ấy, bữa lót dạ đôi khi là rổ đậu phộng, khoai lang hay sắn luộc. Đậu phộng luộc giữ nguyên vẹn vị béo ngọt tinh túy nên làm "đẹp lòng" tất cả mọi người. Mẹ thường chọn những hạt đậu to, đều, để nguyên vỏ rửa thật sạch, cho vào nồi đổ một ít nước thêm chút muối đun đến khi nước cạn thì đậu cũng vừa chín tới. Riêng khoai lang mẹ thường ghế với cơm hơn là luộc. Trước lúc nấu cơm, mẹ tỉ mẩn cạo lớp vỏ lụa ngoài, rửa khoai thật sạch để ráo. Nếu củ khoai to quá có thể cắt từng lát vừa rồi mới cho vào nồi nấu chung với gạo. Cơm chín mở vung, chỉ toàn mùi khoai. Ăn vài bữa đầu lạ miệng sẽ thấy ngon, từ bữa thứ tư, thứ năm trở đi, thú thật chỉ muốn buông đũa. Nhưng buông sao được mà buông, bởi mẹ linh hoạt thay phiên đậu phộng, khoai, sắn với nhau. Nhất là đĩa muối chấm kèm như muốn tăng thêm "cấp độ" hấp dẫn với một ít hạt mè hoặc đậu phộng đã phơi dưới nắng vàng giòn được mẹ rang, giã, thơm lừng. Hơn nữa, họ hàng nhà khoai, sắn rất nhiều loại nên hương vị cũng khá phong phú. Ví như khoai có khoai lang vàng, mật, tím, trắng…; sắn thì có sắn lùn, sắn dẻo, sắn canh nông. Riêng sắn canh nông được chuộng hơn cả vì ngoài việc nướng, luộc, hấp… đủ kiểu còn nấu canh suông với rau thơm ngoài vườn tuyệt ngon. Khi mới đào lên, củ sắn nhìn coi xấu xí với lớp vỏ nâu xù xì, nhưng bên dưới lớp vỏ xù xì, sắn canh nông lại còn được bao bọc thêm bởi một lớp vỏ màu hồng bắt mắt. Mẹ bảo sắn luộc ngon nhất là lúc còn tươi mới đem về nấu ngay để tránh trường hợp củ sắn sẽ mọc lên những đường gân màu xám, khi đó ăn sẽ không tốt. Chọn sắn thường chọn những củ nào chắc và nặng tay vì theo kinh nghiệm trọng lượng càng nặng sắn sẽ có ít xơ, mềm và ngọt. Khâu đầu tiên là mang những củ sắn tươi được khứa tròn quanh thân, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch. Mẹ thường cho sắn vào nồi, bắc lên bếp củi đỏ rực lửa, củi cháy tanh tách như tiếng cười hạnh phúc. Khi nồi sắn ùng ục sôi, sắp chín tới thì không quên cho vào nồi mấy hạt muối, đun một lát nữa thôi, nước trong nồi đang cạn dần, chỉ cần mở hé nắp vung đã thấy từng củ sắn trắng ngần, nóng hổi có thể làm người đang đói "say" nghiêng ngả… Đám trẻ trong làng mỗi khi đi chăn bò thường không quên mang theo những món lót dạ để ăn "nửa buổi"; đứa củ sắn lùn, đứa củ khoai, lon đậu phộng luộc… Tranh thủ lúc thả bò gặm cỏ, cả bọn rủ nhau nhâm nhi. Mùi quê bình dị từ những sản vật do một tay ba mẹ làm ra rồi chế biến hòa quyện bay khắp ngõ xóm, đồng quê cùng với nụ cười trong trẻo của đám con nít.

Từ ngày xa quê, nó không còn thường xuyên thưởng thức bữa lót dạ cùng với gia đình. Ở thành phố có bao nhiêu là món điểm tâm. Từ các món ngoại nhập trong những nhà hàng sang trọng cho đến bún, hủ tiếu, bánh mì ốp-la,... chỉ cần tạt vào vỉa hè thì tha hồ mà chọn. Sáng nay, ngồi giữa lòng phố rộng, chợt "phát hiện" đôi quang gánh với những món từng theo nó một thời: khoai lang, sắn, đậu phộng luộc. "Mua khoai, sắn luộc đi chị, năm ngàn một củ thôi", "Dạ không ạ! Con vừa mới ăn điểm tâm xong bà ơi!". Đôi quán gánh khuất dần nơi ngõ hẻm để lại phía sau những lời từ chối. Tự nhiên nó thấy buồn buồn. Nó biết, trong thâm tâm vẫn thương nhớ những bữa cơm, những cái bánh lót dạ nơi miền quê. Thế nhưng có một cái gì đó cứ nuối tiếc trong lòng…

Tạp bút: Phan Thị Thanh Ly