Nơi bao nhiêu bàn tay vẫy

Thứ sáu, 03/12/2021 19:59

Buổi chiều vội về, ngay khu vực Mã Vòng những chắn song được kéo chặn lại cho một chuyến tàu từ sân ga Nha Trang rời ga. Ở những ô cửa nhỏ trên các toa tàu, tôi thấy những bàn tay vẫy. Những bàn tay vẫy ấy có thể là cho người thân đang đứng đợi, và cũng có thể là vẫy vu vơ để giã từ thành phố.

Ga Nha Trang.

Việc mỗi ngày có bao nhiêu chuyến tàu đi qua đoạn đường này đã khiến cho bao nhiêu người muốn dời sân ga ra thành phố. Còn với tôi, việc dừng lại đôi chút, nhìn con tàu rời xa để cho một tiễn đưa hay sum họp là điều gì đó rất ấm lòng. Sân ga ấy tôi và chắc đã biết bao người đã đến, có thể chính mình làm cuộc hành trình, và chính mình trở về hay có thể để tiễn đưa hay đón một người bạn. Ở nhà ga với kiến trúc mái ngói đỏ với ba lớp mái, khánh thành ngày 2-9-1936, nay hơn 85 năm tuổi đã trở thành ký ức của biết bao người.

Nhớ thời còn nhỏ, khi khu Đề Pô chưa đông nhà cửa, con đường sắt chạy một vòng cung qua đường Phước Hải (nay là Nguyễn Trãi), vòng qua khu Máy Nước rồi đổ ra lại chỗ Mã Vòng, tôi vẫn thường đi bộ từ nhà ở đường Phước Hải nối dài (nay là Trần Nhật Duật), băng qua đường ray, ra sân ga (khi ấy sân ga vẫn mở rộng cửa vì gần như không có tàu hoạt động vì chiến tranh kéo dài đến năm 1975), rồi đến nhà sách Hoa Sen trên đường Độc Lập (nay là Thống Nhất) để mua cuốn tuyển tập Tuổi Hoa dành cho học trò, khi trở về cũng đi theo con đường đó, và gặp rất nhiều hoa dại mọc trên đường ray.

  Năm 1976, đường xe lửa bắt đầu phục hồi. Việc được đi xe lửa là điều vô cùng hạnh phúc, và cái cảm giác đứng ở sân ga, nghe tiếng còi tàu báo hiệu vào sân ga, tiếng loa báo tàu về và lời nhắc phải đứng cách xa đường ray là âm thanh quen thuộc. Tôi nhớ một lần đi trên con tàu từ Nha Trang đến Tuy Hòa, một con tàu chen kín người trong toa tàu đèn chỉ lờ mờ. Rồi những chuyến tàu đi TPHCM, cảnh đến mỗi ga đều có những người buôn bán hàng rong, khi đó các ô cửa còn là lưới sắt kéo lên kéo xuống. Có lần đi TPHCM phải ngồi ghế sup vì tàu không còn chỗ. Những chuyến tàu có khi hàng hóa chất đầy dưới chân mình, những chuyến tàu mua vé rất khó khăn cũng trôi qua. Và năm 1995 là lần đầu tiên tôi đi tàu từ Nha Trang đến Hà Nội, đó cũng là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội- một cảm giác vô cùng thích thú như mình đang trải nghiệm một chuyến du lịch hai ngày một đêm.

 Chắc chắn ai cũng đã từng đi xe lửa, và việc đến sân ga Nha Trang tiễn hoặc đón người về là bình thường. Những dùng dằng đi ở ấy như đêm 29 Tết, tôi ra ga, cái cảnh những người trở về đoàn tụ của mọi người thật dễ thương. Là những giỏ quà, chai rượu và có cả nhành mai vàng mang ra tận Hà Nội. Ai cũng hớn hở vì chỉ một chuyến tàu là trùng phùng. Là cô bạn từ TPHCM về Hà Nội, gọi điện báo tàu sẽ dừng lại ở Nha Trang khoảng 15 phút. 15 phút vừa đủ để tôi chạy ra ga, gặp nhau nói dăm câu chuyện rồi cô ấy lại lên tàu, tay vẫy khuất nhòa giữa ánh đèn đêm.

 Sân ga ấy tôi quen thuộc lắm, quen ở ngoài trước có quán cà-phê và xe bánh mì, mua đem lên tàu ăn. Quen cả dãy hàng bán mọi đặc sản nép mình bên hiên nhà ga, chỉ rộn ràng khi có những con tàu tới. Ở đó gặp tiếng cười gặp mặt, biệt ly, cô gái nhỏ cứ đi chậm rãi theo con tàu đã chuyển bánh. Và con tàu khi rời khỏi Nha Trang, sẽ qua một cánh đồng lúa, có khi đang xanh lá mạ, có khi chín vàng. Nó đi và về không mệt mỏi...

Sân ga ấy là những đường ray song song, hút xa, phía mặt trời nghiêng về là nóc Nhà thờ Núi. Là những tiếng bánh xe chạm vào đường ray, là những tiếng người trộn vào nhau, cứ thế và cứ thế có biết bao bàn tay vẫy...

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG