Nơi biến ước mơ khoa học thành hiện thực
(Cadn.com.vn) - Vừa mới ra mắt vào đầu tháng 11-2015 tại thành phố Đà Nẵng nhưng “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” đã có sức hút đặc biệt đối với sinh viên đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ngay trong ngày khai trương, “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” đã có 15 dự án nghiên cứu của sinh viên được các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn hỗ trợ phát triển đưa vào ứng dụng thực tế.
Áp dụng vào thực tiễn
Theo PGS.TS Ngô Văn Dưỡng – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nhằm tăng cường khả năng hiện thực hóa dự án kinh doanh thông qua phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo, tư vấn và đầu tư, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kỹ năng và tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ thấp về chương trình đào tạo khởi nghiệp so với các nước trong khu vực.
Trong đó, Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò quan trọng hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cho thấy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy vậy, hiện nay các công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng đều chưa được triển khai ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, sản xuất.
“Mỗi năm, ĐH Đà Nẵng cung cấp cho thị trường lao động gần 1.500 nhân lực công nghệ thông tin chất lượng, có trình độ từ cao đẳng đến tiến sỹ; hàng trăm công trình khoa học và sản phẩm ứng dụng của sinh viên được thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn đâu đó nhiều sản phẩm có giá trị trong nhà trường nhưng chưa được áp dụng, thương mại và mang lại giá trị thực tế nhằm góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, PGS.TS Ngô Văn Dưỡng nói.
Chính vì vậy, “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” vừa mới ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sinh viên, giảng viên đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Chương trình không chỉ ươm tạo các dự án khởi nghiệp và sáng tạo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho tất cả học sinh, sinh viên, các bạn trẻ ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên trải nghiệm về khởi nghiệp và sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo TS. Trần Tấn Vinh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng), việc tổ chức chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp Công nghệ thông tin – PISI-CIT 2015” đến khai trương “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” vào đầu tháng 11-2015 đều nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo, tư duy năng động, ý tưởng khởi nghiệp cũng như tìm kiếm, hỗ trợ và tài trợ để triển khai các ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Vừa mới đi vào hoạt động nhưng “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” đã hỗ trợ, phát triển cho nhiều dự án nghiên cứu của sinh viên. |
Tạo dựng cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên
TS. Trần Tấn Vinh cho biết: “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp Công nghệ thông tin – PISI-CIT” là chương trình hỗ trợ và tài trợ triển khai các ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp về lĩnh vực CNTT dành cho học sinh, sinh viên khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Sau 2 tháng phát động chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp Công nghệ thông tin – PISI-CIT” đã nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh, sinh viên đến từ các trường phổ thông trung học, CĐ, ĐH trên khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Hiện tại, đã có 27 ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên đăng ký tham gia chương trình. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, nhà trường đã nhận được sự tham gia, đồng hành và hỗ trợ rất tích cực của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp, như: Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo IPP, Sở TT&TT Đà Nẵng, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, các Cty Microsoft, IBM, FPT và nhiều doanh nghiệp khác.
Một niềm vui lớn của các sinh viên có dự án tham dự chương trình là ngay trong buổi khai trương “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” vào đầu tháng 11-2015, đã có 15 dự án được lựa chọn từ chương trình PISI-CIT 2015 nhận được hỗ trợ ươm tạo. Trong đó, có 5 dự án đã được Quỹ Lotus Fund lựa chọn đầu tư và hỗ trợ triển khai. Kết quả bước đầu này đã tạo thuận lợi cho sự hoạt động của “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” và chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp Công nghệ thông tin–PISI-CIT”.
TS. Trần Tấn Vinh chia sẻ: “Hy vọng trong thời gian đến “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub” sẽ ngày càng phát triển, tạo thêm nhiều sự hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, giảng viên và các bạn trẻ nhằm hiện thực được giấc mơ khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và sáng tạo của mình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước”.
Khải Minh