Nỗi buồn di tích quốc gia
(Cadn.com.vn) - Dù được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, thế nhưng quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo trải dài qua 4 huyện, thị xã tỉnh Gia Lai đang đứng trước nguy cơ hoang phế. Nhiều địa điểm nếu không có những tấm biển chỉ dẫn, ít ai biết được đó là dấu vết lịch sử ghi lại một thời hào hùng về cuộc khởi nghĩa nông dân của 3 anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ).
Cách đây gần 1/4 thế kỷ, vào năm 1992 quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo được Bộ Văn hóa - Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Quần thể gồm các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ trải dài qua các huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai, gồm: Vườn mít, Cánh đồng cô Hầu (H. Kbang); Sa khổng lồ, Hồ ông Nhạc, Nền nhà, Kho tiền (H. Kông Chro); Hòn đá ông Nhạc (H. Đăk Pơ); Lũy An Khê, An Khê trường, Gò Chợ, Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké, Miếu xà, Cây Ké phất cờ, Cây Cầy nổi trống (TX An Khê)...
Vườn mít cô Hầu (H. Kbang) giờ chỉ còn 12 cây mít, trong đó có 3 cây mít cổ thụ 2 người ôm. |
Hoang phế
Giữa cái nắng của mùa khô Tây Nguyên, con đường từ trung tâm xã Nghĩa An (H. Kbang) dẫn vào di tích Vườn mít, Cánh đồng cô Hầu trở nên bụi mù vì đất đỏ, họa hoằn chỉ có vài trăm mét được rải bê-tông. Gần 15km đường lởm chởm đá và dốc, chúng tôi cũng đến được nơi được xem là những ngày đầu xây dựng căn cứ cho cuộc khởi nghĩa nông dân huyền thoại... Với nhãn quan tốt về quân sự, 3 anh em nhà Tây Sơn đã nhanh chóng nhận ra một vùng đất rộng lớn nằm phía tây đèo An Khê đầy tiềm lực để xây dựng nghĩa quân, tích trữ lương thực, chuẩn bị voi chiến, ngựa chiến cho cuộc khởi nghĩa của mình. Từ vùng "hạ đạo" (thuộc H. Tây Sơn, Bình Định), 3 anh em nhà Tây Sơn đã cùng tướng lĩnh vượt đèo An Khê lên mở căn cứ ở vùng "thượng đạo" này. Tại đây, Nguyễn Nhạc đã gặp và lấy một phụ nữ người Ba Na làm vợ, mà theo truyền khẩu bà mang tên Ya Đố (người Ba Na ở làng Đê H'Mâu - nay thuộc xã Đông, H. Kbang), còn người Kinh gọi bà là cô Hầu hay là cô Hầu đốc tướng. Biết người chồng miền xuôi của mình nuôi chí lớn, bà Ya Đố đã tham gia tích cực vào phong trào Tây Sơn, góp phần xây dựng lực lượng nghĩa quân. Cùng với dân làng, bà đã tìm đất khai hoang trong nhiều tháng trời, tạo thành cánh đồng rộng hơn 20 ha trồng lúa và cánh đồng đó ngày nay vẫn mang tên cánh đồng cô Hầu (nay thuộc xã Nghĩa An, H. Kbang). Gắn liền với cánh đồng cô Hầu là vườn mít cô Hầu nằm cạnh đó nhằm tạo thêm nguồn lương thực cung cấp cho nghĩa quân trong buổi đầu khởi nghĩa...
Sử sách là thế, nhưng nhìn dấu tích chỉ thấy chạnh lòng! Trái với tưởng tượng của chúng tôi về một cánh đồng bát ngát, một vườn mít trĩu nặng trái, khung cảnh nơi đây trở nên hoang tàn, cánh đồng chỉ chưa đầy 1ha và vườn mít chỉ đếm vừa đầu ngón tay. Dấu tích hiếm hoi về sự quản lý, bảo vệ của ngành chức năng chỉ là tấm bia Di tích lịch sử-văn hóa được dựng lên từ trước đó. Theo hồ sơ được công nhận, khu di tích cấp Quốc gia này rộng hơn 20ha nhưng đến nay chỉ còn vỏn vẹn 3ha. Những rẫy cà phê, cao su và mì của người dân trong vùng bao quanh di tích. Cánh đồng cô Hầu khô cạn, cỏ mọc um tùm. Vườn mít chỉ còn 12 cây lớn, nhỏ nằm len lỏi giữa cánh rừng Ca Nông, nếu không sự chỉ dẫn có lẽ phải vất vả mới tìm được. Thế nhưng, cũng chỉ còn 3 cây có tuổi thọ cả trăm năm với đường kính hơn 1m. Và điều đáng lo ngại di tích này rồi sẽ biến mất bởi đến giờ vẫn chưa có quy hoạch, địa phương phải căng mình tự bỏ kinh phí ít ỏi hàng năm để bảo vệ, quản lý. "Dù sau khi được công nhận di tích cấp Quốc gia nhưng Trung ương và tỉnh không cấp kinh phí nên các hoạt động tại di tích chỉ dừng ở mức độ duy trì hiện trạng. Dù địa phương trăn trở làm thế nào để xứng với một hạng mục nằm trong di tích cấp Quốc gia nhưng kinh phí hạn hẹp cũng đành chịu", anh Nguyễn Xuân Tập, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao H. Kbang cho biết.
Cánh đồng cô Hầu (H. Kbang) chỉ còn chưa đầy 1ha. |
Vẫn quy hoạch treo di tích
Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo được xây dựng tại TX An Khê vào năm 2007 có lẽ là hạng mục được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn nhất, trị giá 4 tỷ đồng, oái ăm bên trong chỉ còn vài hiện vật. Cả một bảo tàng rộng thênh thang chỉ trưng bày được 1 cây súng đồng, 2 viên đá móng nền nhà ông Nhạc, lõi cây ké, cây Cầy và trang phục, hình ảnh chụp lại sinh hoạt của người An Khê xưa, người Ba Na, Gia Rai. Bên cạnh đó là một ít hiện vật khảo cổ học mới được phát hiện dọc sông Ba. Thế nên, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TX An Khê có vẻ ái ngại khi giới thiệu với chúng tôi.
Hai di tích An Khê Đình và An Khê Trường- nơi thờ thành hoàng làng và 3 anh em nhà Tây Sơn trải qua nhiều lần trùng tu đã có dấu hiệu xuống cấp. Hai ngôi đình cổ ngàn năm tuổi trơ trọi, im lìm dưới bóng cây, tự chống chọi với sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian. Nhiều hạng mục như mái, cột trụ hư hỏng; các vật dụng thờ bên trong hư hao và mất mát. Hệ thống tường bao xung quanh An Khê Đình bị sụt lún, đổ vỡ nhiều đoạn.
"Trước đây, khi đề nghị bộ công nhận di tích cấp quốc gia đã có đề án quy hoạch di tích Tây Sơn thượng đạo. Tại thị xã An Khê triển khai thực hiện, tổ chức di dời dân cư sinh sống quanh An Khê Đình và An Khê Trường nhưng sau đó bị đình lại cho đến nay. Mới đây, UBND thị xã An Khê đã trả lại giấy chứng nhận sử dụng đất cho 4 hộ chưa di dời. Nếu đã trả lại giấy chứng nhận sử dụng đất thì đề án quy hoạch di tích tại thị xã An Khê tạm dừng thêm nữa", ông Nguyễn Văn Phước nói. Không chỉ những di tích trên, hàng loạt các di tích khác trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo cũng đang chìm vào quên lãng, họa hoằn chỉ có những nhà nghiên cứu và vài buổi tham quan ngoại khóa chóng vánh của các lớp học sinh trên địa bàn ghé qua. Nhìn những di tích ghi dấu một thời lịch sử hào hùng của dân tộc bị hư hại có nguy cơ xuống cấp, hoang phế chợt chạnh lòng với tiền nhân!
M.T