Nỗi buồn “xuất ngoại” (Bài 1: Đi dễ, khó về)
Giấc mơ xuất ngoại không chỉ là khao khát của những lao động nghèo ở miền xuôi mà còn là niềm ao ước của nhiều phụ nữ miền núi. Thế nhưng, tại một số địa phương, không ít người lại lựa chọn con đường di cư bất hợp pháp do có người giới thiệu, đưa đi, thậm chí là tự tìm mối rồi rủ nhau sang Trung Quốc. Chính điều này khiến không ít người đã, đang phải nhận trái đắng.
Một góc bản Ang, xã Xá Lượng, H. Tương Dương. |
Nhiều phụ nữ bỗng dưng “biến mất”
Về các huyện miền núi Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông... sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh thiếu vắng bóng dáng người phụ nữ trong nhiều gia đình. Lý do là bởi họ đã bỏ nhà cửa, quê hương sang Trung Quốc nuôi ước vọng làm giàu. Trước thực tế hàng trăm phụ nữ miền núi bỗng dưng biến mất tại địa phương đã kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Chúng tôi đến thăm căn nhà gỗ đơn sơ của gia đình ông Lộc Văn N. - bà Lương Thị M. (trú bản Lở, xã Xá Lượng, H. Tương Dương). Trên gương mặt khắc khổ, ông N. giơ ngón tay ra nhẩm tính đã 7 năm trôi qua nhưng vợ chồng ông không hề nhận được tin tức gì của con gái Lộc Thị K. (1998). “Hồi đó, K. còn học lớp 7, sau khi giận tôi, cháu bỏ đi khỏi nhà. Cả gia đình đã nhiều lần tìm kiếm nhưng không thấy, chỉ nghe loáng thoáng bạn bè nó nói là K. đã theo bạn sang Trung Quốc làm ăn. Giờ thì không biết con gái mình đang lưu lạc ở phương nào” - ông Lộc Văn N. thở dài.
Có lẽ chưa bao giờ vợ chồng ông N., bà M. và hàng trăm gia đình ở các huyện miền núi ở Nghệ An lại đau đáu nỗi lo lắng, nỗi buồn về những đứa con bỗng dưng “mất tích” đến thế. Bà Lương Thị M. nhìn xa xăm: “Không biết bao giờ con K. về, Tết lại sắp đến rồi mà mọi thông tin về con vẫn mù mịt. Mỗi lần nghĩ đến con là tôi lại lo lắng, thấp thỏm đứng ngồi không yên” - bà M. nghẹn ngào.
Tương tự Lộc Thị K., Quang Thị May X. (1997, con gái bà Lương Thị M., trú bản Ang, xã Xá Lượng, H. Tương Dương) cũng bỗng dưng “biến mất” khỏi nhà từ năm 2012. Thế nhưng, may mắn hơn là X. đã tìm cách liên lạc được về nhà. Sau gần 5 năm không có liên lạc, đầu năm 2017, bà M. bất ngờ nhận được điện thoại của X. Qua điện thoại, X. thông báo cho gia đình là hiện đang sống ở Trung Quốc, đã lấy chồng và sinh được 2 đứa con. “Con X. bảo nó lấy chồng Trung Quốc rồi nhưng bị nhà chồng nhốt lại, không cho ra ngoài nên không liên lạc về nhà được. Sau khi sinh được 2 đứa con, nó nói được tiếng Trung Quốc nên mới được chồng cho đi chợ. X. kể là đi mua điện thoại rồi tìm được zalo của chị gái và gọi về nhà. Mấy năm biền biệt, gia đình không nghĩ là có ngày được gặp con. Khi nhận được điện thoại, biết con còn sống, tôi mừng chảy nước mắt” - bà Lương Thị M. xúc động.
Cách đó không xa, căn nhà anh Lương Văn K. (1979, bản Ang, xã Xá Lượng) ở hướng mặt ra dòng Nậm Mộ cũng đìu hiu không kém. Anh K. đang nhặt mớ rêu đá chuẩn bị bữa tối cho các con. Đã 5, 6 năm nay, anh K. sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi 2 con gái ăn học. Nhắc đến vợ, anh K. chỉ lắc đầu với đôi mắt sâu đầy ắp nỗi buồn: “Hắn bỏ đi sang Trung Quốc từ hồi 2 con gái còn học mẫu giáo cơ mà. Giờ đứa chị đã học lớp 6, đứa em học lớp 5 rồi. Hồi đó, tôi theo bạn bè đi làm gỗ ở xã Tam Hợp cách nhà khoảng 30km thì có đứa cháu vào báo tin vợ bỏ đi, hai chú cháu đi bộ vượt rừng về nhà thì mới biết vợ đã theo người lạ đi Trung Quốc rồi. Giờ bố đi đâu là 2 đứa đi theo đó vì sợ bố lại bỏ đi giống mẹ. Hắn đi cũng không thèm liên lạc về, mãi đến năm ngoái, đứa lớn bị viêm cầu thận phải đi viện, mẹ nó mới liên lạc, gửi về cho con ít tiền chữa bệnh” - anh K. buồn bã kể.
Quang Thị May H. kể về hành trình “xuất ngoại” sang Trung Quốc. |
Vợ bỏ đi, anh Lương Văn K. một mình vò võ nuôi 2 đứa con. |
Tan mộng đổi đời
Theo thống kê của Hội LHPN H. Tương Dương, hiện trên địa bàn huyện có 291 phụ nữ rời khỏi địa bàn không rõ lý do, nằm trong nguy cơ không an toàn. Trong đó có 173 phụ nữ hiện đang ở Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp, đối mặt với nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn mua bán người. Hầu hết những phụ nữ xuất ngoại sang Trung Quốc đều là do nghe lời dụ dỗ của người thân, bạn bè, thậm chí là những người không hề quen biết. Đã có nhiều trường hợp vì hám lợi từ những đồng tiền trước mắt mà chồng đã bán vợ, chị bán em, bố bán con sang Trung Quốc. Đơn giản họ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là có tiền chi tiêu cho cuộc sống, thoát cái nghèo còn đeo bám ở chốn “sơn cùng thủy tận”. Họ hy vọng về một cuộc sống sung sướng, giàu sang ở xứ người khi người thân được “xuất ngoại”.
Mới 18 tuổi nhưng Quang Thị May H. (trú bản Ang, xã Xá Lượng, H. Tương Dương) sắp là mẹ của 2 con. Do cuộc sống gia đình khốn khó nên khi vừa tròn 15 tuổi, H. đã nghe lời rủ rê của chúng bạn sang Trung Quốc tìm việc làm. “Để sang được Trung Quốc, mỗi người phải đóng 5-10 triệu đồng cho người dẫn đường, bắt xe khách đi ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi đi đường rừng sang Trung Quốc. Hồi đó, bọn em phải trèo qua một bức tường cao lắm, sau đó đi bộ 3 ngày trong rừng nữa mới được đưa vào sâu tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc” - H. kể về hành trình “xuất ngoại” của mình. So với các bạn, H. là người may mắn hơn khi em được nhận vào làm việc cho một xưởng sản xuất đồ lót, mỗi tháng nhận lương 5 nghìn nhân dân tệ (khoảng 15 triệu đồng). Thế nhưng, muốn được ở lại làm việc thì H. và các bạn phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Đối với những lao động di cư bất hợp pháp lại không có giấy tờ như H. thì việc thường xuyên phải chạy trốn CA Trung Quốc là như cơm bữa. “Đợt đó, bọn em được ông chủ thuê nhà cho ở. Khoảng 14 - 15 người ở chung một căn nhà nhỏ, ẩm thấp mà chỉ có 1 nhà tắm và 1 nhà vệ sinh thôi. Chỉ lo nhất là bị CA bắt vì nếu bị bắt sẽ bị trục xuất về Việt Nam” - Quang Thị May H. kể lại. Năm 16 tuổi, Quang Thị May H. mang bầu đứa con đầu, cuộc sống vất vả lại phải sống chui, sống lủi nên H. đã quyết định trốn về Việt Nam.
Bà Lô Thị Bảo - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Ang, xã Xá Lượng, H. Tương Dương chia sẻ: Tính đến thời điểm hiện tại, bản Ang có khoảng gần 30 phụ nữ không có mặt tại địa phương, trong đó có 10 người đã lấy chồng. Theo bà Bảo, đây là số lượng không nhiều so với các bản khác. Tùy từng trường hợp, nhưng hầu hết những người này ra đi không báo, không cắt khẩu ở địa phương nên bản cũng không nắm được, chỉ khi hỏi người nhà thì mới biết họ đi Trung Quốc. Có nhiều người đi đầu năm, cuối năm về rồi sang năm khác lại đi, thậm chí có nhiều người thì “bặt vô âm tín” luôn.
DƯƠNG HÓA (còn nữa)