Nội chiến ở Libya ?

Thứ tư, 23/02/2011 00:00

* Tình hình bất ổn Libya tiếp tục gia tăng, có nguy cơ đưa đất nước này đến bên bờ vực của một cuộc nội chiến.

(Cadn.com.vn) - Theo các nguồn tin, tòa nhà, nơi Hội nghị Nhân dân Toàn quốc, hay còn gọi là Quốc hội của Libya tại thủ đô Tripoli bốc cháy. Những người biểu tình tại Tripoli đã đánh đuổi các quan chức Đài Truyền hình quốc gia Al-Jamahiriya và Đài Phát thanh Al-Shababia. Những người biểu tình nổi lửa không chỉ đốt các trụ sở Ủy ban nhân dân, xương sống của chế độ mà còn đốt cả các bốt cảnh sát. Các đường băng sân bay Benghazi đã bị phá hủy làm cho các chuyến bay dân sự không thể hạ cánh.

Liên minh Quốc tế vì Nhân quyền (IFHR) cho biết, một số thành phố của Libya, trong đó có Benghazi (thành trì của phe đối lập) và Sirte (quê hương của ông Kadhafi) đã rơi vào tay người biểu tình sau khi các đơn vị quân đội đào ngũ. Thành phố Tobruk, nằm ở miền viễn Đông của Libya cũng như các thành phố Misrata, Khoms, Tarhounah, Zeiten, Al-Zawiya và Zouara gần thủ đô Tripoli hơn, cũng do người biểu tình kiểm soát. Tổ chức này cũng nâng tổng số người chết kể từ khi cuộc nổi dậy nổ ra lên từ 300-400 người.

Ngoài các binh sĩ và nhà ngoại giao, các quan chức cấp cao khác của chế độ cũng đào ngũ sang phe biểu tình đòi Tổng thống Muammar Gaddafi phải ra đi sau hơn 41 năm cầm quyền. Cùng ngày, một tờ báo Libya đưa tin Bộ trưởng Tư pháp nước này, ông Mustapha Abdel Jalil, đã từ chức để phản đối “việc sử dụng vũ lực thái quá” đối với người biểu tình. Nhà cầm quyền Manta thông báo, họ đang giữ hai đại tá phi công Libya chạy đến đảo quốc này trên hai máy bay Mirage F1. Hai phi công này cho biết họ trốn khỏi Libya do từ chối lệnh ném bom vào người biểu tình. Một người hiện đang đề nghị xin tị nạn chính trị tại Manta. Có tin một nhóm các sĩ quan Libya đã ra thông cáo kêu gọi quân đội nước này “tham gia cùng nhân dân” để giúp phế truất ông Gaddafi. Kênh truyền hình Al Jazeera còn cho biết, các sĩ quan này đã kêu gọi quân đội Libya hành quân tới thủ đô Tripoli.

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin máy bay quân sự đã tấn công các đám người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Tripoli trong khi họ đang tiến đến một căn cứ của quân đội. Một người đàn ông Libya có tên Soula al-Balaazi tự nhận là nhà hoạt động đối lập nói qua điện thoại từ ngoại ô Tripoli rằng, các máy bay của không quân Libya đã dội bom “một số vị trí ở Tripoli”. Một cư dân khác ở Tripoli cho biết, máy bay quân sự và máy bay lên thẳng đã dội bom bừa bãi hết khu vực này tới khu vực khác và rất nhiều người đã thiệt mạng.

Thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập song một nhà phân tích cho cơ quan tư vấn Control Risks có trụ sở ở London nói rằng việc tấn công người dân bằng máy bay quân sự là dấu hiệu cho thấy thời kỳ của Tổng thống Gaddafi sắp chấm dứt. Truyền hình nhà nước Libya cho biết Seif al-Islam, con trai Gaddafi, đã thành lập một ủy ban để điều tra về tình trạng bạo loạn lan rộng ở nước này. Có tin Seif al-Islam nói rằng, lực lượng vũ trang Libya đã tiến hành các cuộc tấn công vào những kho vũ khí bên ngoài các khu vực đô thị để ngăn chặn những người biểu tình cướp và sử dụng chúng để chống lại quân đội và chính phủ.

Người dân Jordan vui mừng khi thoát khỏi “chảo lửa” Libya. Ảnh: Reuters 

Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có cuộc thảo luận kéo dài với ông Gaddafi, chỉ trích bạo lực leo thang ở Libya và nói rằng tình trạng này “phải chấm dứt ngay lập tức”. Theo yêu cầu của Phó Đại sứ Libya tại LHQ Ibrahim Dabbashi, HĐBA LHQ tiến hành một cuộc họp kín để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này. Cùng ngày, Đại sứ Libi tại Ấn Độ Ali al-Essawi, người quyết định từ chức để phản đối chính quyền đàn áp biểu tình nói với hãng tin Reuters rằng, các máy bay tiêm kích đã được sử dụng để ném bom vào dân thường tại thủ đô Tripoli. Mỹ cùng ngày khuyến cáo tất cả thành viên gia đình trong sứ quán và nhân viên không làm việc trong tình huống khẩn cấp rời khỏi Libya. Bồ Đào Nha đã điều hai máy bay quân sự tới Tripoli và thành phố Benghazi để sơ tán các công dân Châu Âu khỏi Libya.

Hàng loạt Cty nước ngoài ở Lybia bị cướp

Hơn 1.000 công nhân xây dựng người Trung Quốc tại Libya đã phải tháo chạy khi một toán cướp có vũ trang tấn công trụ sở Cty của họ để cướp máy tính và hành lý.  Tờ Chinanews dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Tripoli cho biết, bọn cướp đã xông vào tòa nhà Cty Hoa Phong tại thành phố Ajdabiyah, miền Đông Libya vào tối 20-2. Tuy nhiên, không có ai bị thương trong vụ cướp này. Trung Quốc đã khuyến cáo người dân nước này không nên tới các nước Bắc Phi và hối thúc các Cty Trung Quốc đề cao cảnh giác trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang lan rộng. Trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thông báo khoảng 500 người Libya đã xông vào cướp một công trường xây dựng của Hàn Quốc ở Tripoli làm khoảng 15 người Bangladesh và 3 người Hàn Quốc bị thương.

Trong khi đó, hầu hết các bộ trưởng EU đã lên án hành động đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình tại Libya. Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie tuyên bố bạo lực tại Libya “phải chấm dứt hoàn toàn”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hối thúc Libya lập tức chấm dứt “đổ máu không thể chấp nhận được”. Phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, ông Ban cảm thấy “bất bình” trước thông tin lực lượng an ninh Libya bắn vào người biểu tình từ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng. Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussenn trong một tuyên bố cũng nói ông bị “sốc trước hành động sử dụng vũ lực bừa bãi với người biểu tình hòa bình ở Libya đồng thời kêu gọi nhà chức trách nước này chấm dứt trấn áp những dân thường không vũ trang.

Ngoại trưởng Italia Frattini nói rõ, EU không nên gây ấn tượng rằng EU đang xuất khẩu nền dân chủ sang Châu Phi bằng việc đứng về phía những người biểu tình chống đối ở Libya. Trong tuyên bố mới nhất của mình, Thủ tướng Italia Berlusconi đã kêu gọi EU và cộng đồng quốc tế phải làm mọi thứ để ngăn không cho tình hình ở Libya biến thành một cuộc nội chiến với hậu quả khôn lường. Libya hiện là nước cung cấp dầu khí quan trọng cho Italia và đóng vai trò chủ chốt trong việc ngăn chặn các thuyền chở người nhập cư trái phép từ Châu Phi vào Italia.

Trong động thái liên quan, các quan chức EU ước tính vẫn còn khoảng 5.000-6.000 công dân EU ở Libya và các hãng hàng không đang tăng thêm chuyến để chở mọi người rời khỏi nước này. Theo báo điện tử EUobserver, nhiều Cty của EU, như BP và các Cty xây dựng Tây Ban Nha đang tìm cách thu xếp cho nhân viên của mình rời Libya trong một vài ngày tới. Trước khi xảy ra các cuộc nổi dậy, có khoảng 10.000 người nước ngoài sống và làm việc tại Libya.

Lê Diệu Nguyên