Nơi chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc
(Cadn.com.vn) - Sáng 16-3 (nhằm ngày 19-2 ÂL), đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng, các sở, ban ngành, địa phương và đông đảo Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni, Phật tử, người dân, du khách trong và ngoài nước đã tề tựu về ngôi chùa Quán Thế Âm dưới bóng núi Kim Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) tham dự Lễ Vía Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm - nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm 19-2– Ngũ Hành Sơn năm 2017.
Lễ Vía Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm - nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm 19-2– Ngũ Hành Sơn năm 2017. |
Hòa thượng Thích Chí Mãn – Phó Trưởng Ban kiêm Trưởng Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng, cho rằng: “Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 còn thể hiện ước mong cho ý nghĩa về thông điệp tình thương, chỉ có chất liệu tình thương là phương thuốc nhiệm mầu, hóa giải những phiền não, tham sân si, hơn thua, hận thù... Suối ngọt tình thương sẽ đem đến cho thế giới này luôn tươi đẹp, con người được sống trong an lành, hạnh phúc, trong hòa bình. Tình thương sẽ tháo gỡ mọi hàng rào ngăn cách phân biệt, cố chấp, làm cho con người tin tưởng, gần gũi và hiểu nhau hơn, chia sẻ đùm bọc để đem đến sự tốt đẹp và hạnh phúc trong cuộc sống. Trong mỗi chúng sanh, mỗi chúng ta đều có một trái tim Phật tính của tình thương và trí tuệ, để thăng hoa đến chân hạnh phúc...”.
Đúng 7 giờ, lễ hội chính thức diễn ra các nghi thức Phật giáo đậm nét văn hóa dân tộc, như: Cung nghinh đại diện lãnh đạo các cấp, Chư Tôn Đức giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Chư Tôn Đức giáo phẩm lãnh đạo Trung ương GHPG Việt Nam TP Đà Nẵng và các tỉnh, Chư Tôn Đức phái đoàn Phật giáo Myanmar, Thái Lan cùng chư vị giáo phẩm Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni...; thuyết giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm và cầu nguyện quốc thái dân an, dân tộc hưng thịnh. Đặc biệt, cảnh tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lung linh, huyền bí, thiêng liêng.
Hòa thượng Thích Chí Mãn cho rằng, từ xưa đến nay, mọi sự phát triển về xã hội của con người đều xây dựng trên nền tảng văn hóa. Hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm là yêu thương cứu độ chúng sanh, vì lợi lạc hạnh phúc cho muôn loài. Vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 với ước vọng đồng hành phụng sự đối với cuộc sống tại nhân gian, chứa đựng trong đó ý nghĩa nhân văn sâu sắc của giá trị văn hóa chân thực. Qua bao năm tháng, Lễ hội Quán Thế Âm hiện hữu trong tấm lòng của mọi người. Bởi lẽ đó nên bảo tồn Lễ hội như một phần trân trọng, vì văn hóa là gia tài quý báu của đất nước, của dân tộc Việt. Chính vì vậy, khi về dự lễ hội mọi người đều hân hoan thành kính đảnh lễ Đức bồ tát Quán Thế Âm để đón nhận năng lượng suối nguồn yêu thương của Ngài, là niềm an lạc, bình an hạnh phúc cho bản thân, gia đình và mọi người...
Bà Nguyễn Thị Anh Thi – Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn 2017 nhấn mạnh: “Trong bầu không khí trang nghiêm, từ hỉ của Lễ hội hôm nay, chúng ta hãy quán xét lắng nghe tiếng yêu thương tự lòng mình, hòa nhập cùng hạnh nguyện qua 32 ứng thân cứu đời của Quán Thế Âm Bồ Tát, đem đến cho đời sống người dân sự an vui, từ ái, vượt qua mọi ưu tư, phiền não của tham, sân, si. Những ứng thân và hạnh nguyện ấy đã tìm thấy trong dòng lịch sử dựng xây giữ gìn đất nước ta...”.
Cảnh tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. |
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, việc tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn 2017 một cách trang trọng không ngoài mục đích khơi dậy lòng từ bi bác ái trong cộng đồng, tôn vinh các giá trị nhân văn, cái đẹp chân – thiện – mỹ và tính nhân đạo của người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp gắn kết mối giao hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Có thể nói, Lễ hội như một làn gió trong lành và là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn để giúp mọi người sống đẹp hơn với đời và với những người xung quanh.
“Khi nói về Đà Nẵng, mỗi khi du khách đến nơi đây đều cảm nhận được sự sạch đẹp, bình yên và nhất là tình cảm thân thiện, hiền hòa dễ mến của của người dân, chứa đựng trong đó với ước vọng là thành phố đáng sống. Và với nhân duyên hội tụ là một thành phố có được Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lớn nhất nước, một Lễ hội Quán Thế Âm tiêu biểu có phần không gian văn hóa hiện hữu, phải chăng năng lượng của chất liệu tình thương, chan hòa tự nhiên vào tâm hồn của con người Đà Nẵng và hình thành nên một nét rất riêng đầy tính nhân văn tuyệt vời...”, Hòa thượng Thích Chí Mãn nói.
Sau 3 ngày diễn ra trang trọng, thu hút đông đảo Tăng ni, Phật tử, du khách trong và ngoài nước tham gia, tối 16-3, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2– Ngũ Hành Sơn 2017 đã chính thức khép lại bằng những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm khó quên trong lòng người đi trẩy hội. Du khách Bùi Thị Trà My (50 tuổi, quê Hải Dương) chia sẻ: “Tham gia nhiều lễ hội của đất nước nhưng có lẽ đây là lễ hội văn minh, sạch đẹp nhất mà tôi đã gặp. Tôi về đây không chỉ để cầu nguyện những điều tốt lành nhất mà còn với mục đích để trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Đà Nẵng. Lễ hội Quán Thế Âm và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn quả thật là nơi an vui, văn hóa, văn minh. Tôi thực sự ấn tượng tốt đẹp về lễ hội và vùng đất này”.
Mỗi người bằng những hành động đẹp, những cử chỉ thân thiện đã làm cho Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn trở nên văn minh và hấp dẫn hơn, để từ đó hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Hùng