Nơi con sông Hồng chảy vào nước Việt
Về Lào Cai hay các tỉnh vùng Tây Bắc của Tổ quốc có thể nào không nhớ câu thơ của Dương Soái:
“Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào nước Việt” trong ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Bài thơ đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ thành ca khúc cùng tên. Đứng ở vị trí gần cuối tuyến đường của con phố đi về khu vực cửa khẩu giữa Lào Cai và Trung Quốc, tôi nhìn khá rõ ngã ba hợp lưu giữa Nậm Thi và sông Hồng. Đây đúng là địa điểm đầu mút biên giới, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Ai đã một lần đến đây mới cắt nghĩa được, miền đất Lào Cai vì sao đã khơi nguồn cảm hứng cho tâm hồn biết bao văn nghệ sĩ danh tiếng. Một đồng nghiệp làm báo ở Đài PT-TH Lào Cai thông tin như một niềm tự hào: Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết là phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (ngày 17-2-1979) tại một điểm cao trên biên giới xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai khi trực tiếp cầm súng cùng bộ đội địa phương dũng cảm chặn đánh quân địch từ bên kia biên giới tràn sang. Bùi Nguyên Khiết là nhà văn đặc biệt vì đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau khi đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc (tháng 2-1979).
Câu chuyện của bạn khiến tôi chợt nhớ chi tiết rất ấn tượng khi xe chạy từ Hà Nội lên Lào Cai đi qua địa phận huyện Bảo Yên, tôi nhìn qua xe rất rõ một địa danh đã đi vào sử sách- Phố Ràng. Chỉ hai từ thôi nhưng nó đã gợi nhắc cả thiên phóng sự “Trận Phố Ràng” của nhà văn Trần Đăng. Bài bút ký này đã trở thành huyền thoại của nhà văn chỉ có hai mươi tám năm cuộc đời ngắn ngủi. Ông hy sinh khi tác phẩm ra đời chỉ vài tháng (26-12-1949) tại Mặt trận Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2007, nhà văn Trần Đăng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuât cho các bút ký: Một lần tới thủ đô, Trận Phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị. Thật may mắn lên google tìm kiếm tôi có dịp đọc lại toàn bộ bút ký này đăng trên Van.vn của Hội Nhà văn Việt Nam, để cảm xúc mình sống lại không khí của ngày tháng đó…
Từ thành phố Lào Cai theo cung đường mờ mờ trong sương núi chừng 35km tôi đã có mặt ở Sa Pa, một thị trấn du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai nằm ở độ cao trên 1.500m. Đây là một trong bốn khu nghỉ dưỡng trên núi do người Pháp phát hiện và khai thác (Đà Lạt, Tam Đảo, Ba Vì) ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX ở Việt Nam. Năm 1903, trong chuyến đi thực tế ở Lào Cai để lập bản đồ, đoàn trắc địa của Sở Địa lý Đông Dương đã phát hiện ra một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và khí hậu dễ chịu trên cao nguyên Lồ Suối Tủng (cao nguyên Sa Pa) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Ngay lập tức người ta nảy ra ý tưởng xây dựng ở nơi đây một trại điều dưỡng. Tuy nhiên, ý tưởng này phải đến năm 1909 mới được Công sứ tỉnh Lào Cai Toures đề xuất. Mieville là người Pháp đầu tiên đến ở Sa Pa vào tháng 7 năm 1909 tại vị trí sau này xây dựng khách sạn Metropole (Theo Đỗ Hoàng Anh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I- P.V)
Cáp treo xuyên mây trời đã đưa chúng tôi lên nóc nhà Đông Dương Pansipan trên dãy Hoàng Liên Sơn cao 3.143m chỉ mất chừng một giờ. Đúng với cái tên Hoàng Liên Sơn, tức mạch núi này tiếp nối mạch núi khác rồi vun lên một đỉnh cao chót vót mà một nhà văn đã bật ra tên gọi, là cái lẵng hoa của đất nước bởi sức quyến rũ của nó. Nghe đâu ngày trước nhà văn Nguyễn Tuân- ông vua của thể ký, là người đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ đã chinh phục đỉnh núi này để tìm về cái đẹp tuyệt mỹ, kiêu hùng của thiên nhiên, non nước nơi này. Mùa này hoa Đỗ Quyên nở trong bạt ngàn một màu trắng tinh khiết mà lộng lẫy…
Đêm về ngồi uống rượu ngô, rượu Bắc Hà, rượu ngâm hàng trăm năm trong hang đá Mã Tuyền với những đồng nghiệp làm báo Lào Cai trong hơi men bồng bềnh; người đã xuống chân núi rồi mà như đang trả về đỉnh núi, tôi mới nhận ra có một thứ siêu ngôn ngữ nằm trong men rượu, tao nhã, thanh thoát, duyên dáng giữa cõi ta bà mà chỉ có thể ngồi giữa lòng khuya Sa Pa mới nghiệm ra điều đó.
Ai bảo, Lào Cai là miền đất văn vật, có duyên, có tình với văn chương. Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Công Hoan từng dạy học ở Lào Cai. Mảnh đất này từng là cảm hứng để ông sáng tác “Ngựa người và người ngựa”, “Bước đường cùng”… Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và những năm sau này, Lào Cai là nguồn cảm hứng, chất liệu để nhà văn Nguyễn Thành Long cho ra đời tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Ma Văn Kháng với loạt sáng tác như “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”; rồi những cái tên như Lò Ngân Sủn, Nguyễn Thị Minh Thông, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn… một số nhà văn dù không sinh ra ở Lào Cai nhưng miền đất này đã hun đúc, cho họ vốn sống, khơi nguồn văn chương từ cái tôi bản thể khi đến sống với Lào Cai…
Miên man những câu chuyện về đất và người Lào Cai, tôi cảm thấy mình bé lại, rơi thỏm vào những huyền thoại đầy mộng mị, ngất ngây trong rêu rong ký ức của những gã khổng lồ núi sông đang tạo ra những bức tranh tuyệt mỹ trước mắt mình. Nhớ mãi một chiều biên cương đẹp đến nao lòng để mỗi ai đến đây đều cảm nhận được sự bình yên như một giá trị thiêng liêng nhất cho những ước mơ biết chắp cánh bay lên. Ôi thành phố trong sương trấn biên cương Tổ quốc.
Tạp bút: Võ Văn Trường