Nỗi đau đuối nước (Kỳ 1: Những cái chết thương tâm)

Thứ ba, 24/10/2017 11:15

Ở nước ta nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân tử vong chủ yếu là trẻ em. Những con số thống kê về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian vừa qua đã dấy lên hồi chuông về sự cần thiết phải có những biện pháp phòng tránh đuối nước kịp thời, căn cơ và lâu dài.



Lực lượng cứu hộ các bãi biển du lịch thực tập kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Nhắc đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là gợi lên nhiều nỗi xót xa đến đau lòng đối với những bậc làm cha, làm mẹ và cả những người thân không may mất đi đứa con, đứa cháu yêu thương khi đang còn trong lứa tuổi đến trường đầy ước mơ cháy bỏng. Phần lớn các vụ đuối nước xảy ra ở khu vực các dòng sông, con suối, ao hồ có độ nước sâu. Chỉ mới đây thôi, chiều 13-9-2017, em H.T.V (học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cùng nhóm bạn tắm trên sông Trường Giang đoạn chảy qua khu vực bến đò Ba Bến thì không may bị cuốn vào dòng nước sâu. Thấy bạn gặp nạn, nhóm em nhảy xuống tìm kiếm, kêu cứu nhưng khi người lớn đến nơi thì đã quá muộn. Tối 20-9, em T.M.Q (12 tuổi, HS lớp 6, Trường THCS Lộc Hòa, xã Lộc Hòa, H. Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) cùng 3 em nhỏ khác ra tắm suối tại khu vực thôn Nam Khe Đài. Trong lúc tắm suối, em Q. phát hiện 3 người bạn của mình bị chìm dần nên nhảy xuống cứu. Tuy nhiên, do khu vực này nước quá sâu nên cả 4 em kéo nhau chìm dần. Lúc xảy ra vụ việc, có hai chị em cũng tắm gần đó chạy đến ném áo phao xuống cứu nhưng chỉ có một em chụp được áo phao, 2 em khác may mắn bám vào gờ đất bên bờ suối nên thoát chết, còn em Q. đuối nước, tử vong.

Một vụ việc thương tâm khác xảy ra vào đầu giờ chiều 29-3,  4 nữ sinh chết đuối khi rủ nhau đi tắm tại vùng ngập nước của hồ thủy điện Sê San (thuộc làng Tăng, xã biên giới Ia O, H. Ia Grai, Gia Lai). Hơn nửa tháng sau, 4 học sinh lớp 12 của Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam) rủ nhau đi tắm suối tại Khu Du lịch Suối Mơ (xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) và 2 em trong số đó đã bị đuối nước tử vong. 4 học sinh cấp 2 tại Gia Lai sau khi đi học về rủ nhau ra hồ nước trên địa bàn chơi đùa. Tại đây, hai em nhỏ khoảng 10 tuổi xuống hồ tắm không may bị đuối nước tử vong. Cũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, một nhóm 5 em học sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O, H. Ia Grai rủ nhau đi tắm sông, 4 em bị đuối nước không qua khỏi.

Đến nay, hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ đuối nước thương tâm khiến 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) tử vong vào năm 2016. Khoảng giữa trưa khi người dân xung quanh khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà nghe tiếng la thất thanh nên chạy đến ứng cứu. Khi mọi người chạy đến nơi thì thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng sông. Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm lao xuống dòng sông để cứu, nhưng không kịp. Vụ việc đã khiến nhiều gia đình chìm trong nỗi đau tột cùng...

Ngay tại Đà Nẵng cũng từng xảy ra vụ đuối nước khi đang tắm biển. Trưa 26-3, một nhóm gồm 3 học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) rủ nhau ra Đà Nẵng chơi và đến bãi biển Xuân Thiều, Q. Liên Chiểu để tắm. Do sóng to nên cả 3 học sinh đều bị nước cuốn và chết đuối dù lực lượng cứu hộ bờ biển đã nỗ lực cứu vớt. Ngay sau đó, thi thể của 3 học sinh  được đưa lên bờ để khám nghiệm tử thi và bàn giao cho gia đình. Các nạn nhân xấu số được xác định gồm: N.V.H, L.V.C, L.P.N (2002, trú TT Ái Nghĩa). Sau đó gần nửa tháng, 2 học sinh lớp 12A6 Trường THPT Lê Hồng Phong (H. Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trong khi đi chụp ảnh kỷ yếu, tắm biển ở TX Cửa Lò không may bị sóng cuốn mất tích.

Hàng trăm trường hợp đuối nước dẫn đến tử vong ở lứa tuổi trẻ vị thành niên hằng năm ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên là một trong nhiều nỗi đau dai dẳng đối với không ít người. Nỗi ám ảnh đó cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có hồi kết. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đuối nước là một trong 5 nguyên nhân thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em đuối nước mỗi năm ở nước ta khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trung tá Đinh Ngọc Đại - Đội trưởng Đội Cứu nạn cứu hộ Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo CC&CNCH, CSPCCC TP Đà Nẵng đã cùng đồng đội nhiều lần tham gia CNCH người bị đuối nước, trong đó có cả trẻ em đã không thể cầm lòng khi chứng kiến những cái chết thương tâm. Trung tá Đại cho rằng, trong năm, vào dịp hè chính là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng nhiều nhất, vì vậy cần phải coi trọng các biện pháp phòng tránh hữu hiệu để giảm thiểu đến mức thấp nhất những cái chết thương tâm mang tên “đuối nước”.

(còn nữa)

PHƯƠNG KIẾM