Nỗi đau hậu vụ tiêu diệt Bin laden
(Cadn.com.vn) - Trùm khủng bố Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt gần 2 năm. Nhưng hậu quả của cuộc tấn công đơn phương của biệt kích Mỹ để lại là khá nặng nề. Việc này không chỉ khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan nổi sóng và còn gây khốn khổ cho những nữ nhân viên y tế - vốn bị cuốn vào chiến dịch tiêm chủng giả để truy tìm ông trùm khủng bố. Hiện cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn, luôn sống trong sợ hãi, lo sợ bị tấn công, bị cho là kẻ phản bội và mất việc làm.
Mọi biến cố bắt đầu từ ngày 15-3-2011 khi nhân viên y tế Mumtaz Begum, 35 tuổi, nhận được cuộc gọi từ người giám sát yêu cầu cô đến dự họp để triển khai kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng sắp tới. Begum và 16 nữ nhân viên y tế khác không hề hay biết rằng, mình trở thành những “con tốt” trong cuộc săn tìm kẻ bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới, trùm khủng bố Osama Bin Laden.
“Chống lại lợi ích quốc gia”
Cuối tháng đó, bác sĩ Shakeel Afridi giúp Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tìm ra dấu vết của Bin Laden bằng cách thu thập mẫu ADN của trùm khủng bố ở Abbottabad dưới vỏ bọc một chiến dịch tiêm chủng giả. Chỉ 2 tháng sau đó, vào ngày 2-5, Bin Laden bị tiêu diệt.
Gần 1 năm sau, tháng 2-2012, sở Y tế tỉnh Khyber Pakhtunkhwa sa thải tất cả 17 nhân viên y tế tham gia vào chiến dịch tiêm chủng đó, cáo buộc họ làm việc “chống lại lợi ích quốc gia”. Cô Begum bị xem như một gián điệp mặc dù không phải như vậy. Từ đó, cuộc sống của gia đình cô rơi vào cảnh khốn khó. Là con út trong gia đình có 7 anh chị em, Begum là lao động chính nuôi sống gia đình, những người còn lại đều thất nghiệp. Chưa ai trong số họ kết hôn, một chuyện được xem là bất thường ở Pakistan, cho thấy tình trạng thiếu thốn kinh niên của gia đình.
Từ năm 1996, khi bắt đầu làm nhân viên y tế tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cô xoay xở để cả nhà có đủ thức ăn và quần áo. Nhưng vẫn chưa có đủ tiền để chữa bệnh cho mẹ cô, người đang bị mù do đục thủy tinh thể, và cho một người chị đang bị bệnh động kinh. “Bây giờ tôi đã mất việc làm, chúng tôi thậm chí không có đủ hai bữa ăn mỗi ngày”, cô nói, nước mắt giàn giụa.
Ngôi nhà nơi Osama Bin Laden sống ở Abbottabad, Pakistan. Ảnh: Washington Post
Trong khi Begum chỉ gặp khó khăn về tài chính, những nhân viên y tế khác còn mất đi nhiều thứ. Bà Akhtar Bibi, 49 tuổi đã chịu nỗi oan ức là "tay trong” của bác sĩ Afridi trong thời gian thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Bởi bà là một trong 2 nhân viên y tế đến nơi ẩn náu của Bin Laden để có được mẫu máu của trùm khủng bố nhưng không có ai ở nhà.
Bộ đôi này cũng bị Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) bắt giữ và thẩm vấn sau khi bác sĩ Afridi bị bắt vào tháng 5-2011. Ngoài ra, bà Bibi còn cho biết mình bị các điệp viên bí mật thẩm vấn tại một số nơi tại Trung tâm y tế và tại chính nhà mình. “Vào những ngày đó, tôi bắt đầu tăng huyết áp. Cuộc sống của tôi còn tồi tệ hơn khi chồng bỏ tôi và đến sống với người vợ thứ hai của ông ấy. Ông ấy nói tôi bị kỳ thị”, bà Bibi tâm sự. Hiện nay, bà chỉ kiếm được chưa đến 1 USD/ngày khi giúp việc các gia đình trong vùng.
Các nhân viên y tế này đã làm gì sai?
“Bác sĩ Afridi không phải là người yêu cầu chúng tôi làm việc cho ông ấy. Chúng tôi được Sở Y tế cử đến làm việc cho ông”, bà Bibi nói. Theo bà, tại cuộc họp vào ngày 16-3-2011, một số quan chức cao cấp của sở cũng có mặt, bao gồm cả người giám sát giới thiệu bác sĩ Afridi là điều phối viên của chương trình.
Theo bà Bibi, giai đoạn đầu của chiến dịch, được tổ chức vào ngày 16 và 17-3 với sự tham gia của 15 nhân viên y tế, chủ yếu tại Nawanshehr. Đây là khu vực mà thủ lĩnh khác của Al-Qaeda, Abu Faraj al-Libbi, suýt bị tình báo
Trong một đơn kiện hồi năm ngoái, các nhân viên y tế cáo buộc các quan chức cao cấp trong Sở Y tế biến họ thành “vật tế thần chỉ đơn thuần là để bảo vệ bộ mặt của mình”. Tháng trước, tòa án ra lệnh khôi phục việc làm cho những người này song Sở Y tế vẫn chưa quyết định liệu sẽ kháng cáo hoặc tuân theo quyết định của tòa án.
An Bình
(Theo BBC)