Nơi gửi niềm tin no ấm cho đồng bào Ma Coong

Thứ tư, 24/08/2022 16:23
Từ lâu lắm rồi, trên cuộc hành trình thiên di ra phía Bắc, tộc người Ma Coong đã chọn địa bàn xã Thượng Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình) làm điểm dừng chân cuối cùng để dựng nhà, lập bản, cùng nhau dựng xây cuộc sống mới. Trải qua bao trầm luân gian khổ, giờ đây người Ma Coong với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự sát cách, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng (CBCS ĐBP), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã biết định canh, định cư, trồng cây lúa nước để nở trên môi nụ cười no ấm…
Cán bộ ĐBP Cà Roòng luôn sát cánh cùng bà con dân bản Chăm Pu để phát triển ruộng lúa nước. ảnh: T.P
Để “giữ chân” cây lúa nước cho người dân bản Chăm Pu - Trung tá Dương Văn Trường, Cán bộ ĐBP Cà Roòng luôn có mặt trên từng thửa ruộng giúp bà con kịp thời phát hiện những điều bất thường để nhanh chóng xử lý.

Niềm vui mùa vàng trên núi

Tròn 2 thập kỷ trôi qua, cứ một năm hai vụ, cánh đồng lúa nước có diện tích 2 ha do Ban Dân tộc tỉnh cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đầu tư với năng suất đạt từ 35- 40 tạ/héc-ta mỗi vụ đã, đang giúp cho 34 hộ/154 nhân khẩu ở bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch quên đi cái đói của mùa giáp hạt, của những năm tiết trời mưa không thuận, gió chẳng hòa. Người dân nơi đây đặt tên cho cánh đồng lúa này là “Nơi gửi niềm tin no ấm”.

Từ ĐBP Cà Roòng, xuôi theo tỉnh lộ 569 khoảng hơn 10km, sau đó rẽ vào con đường mới mở chừng gần 5km là đến bản Chăm Pu. Bản nằm cạnh con suối Chăm Pu nhưng cánh đồng lúa cùng tên lại lấy nguồn nước từ một dòng suối nhỏ bắt nguồn trên đỉnh ngọn núi Leẹc cách bản chừng gần 5 cây số. Vụ Đông - Xuân năm 2022, năng suất có thấp hơn mọi năm đôi chút do thời tiết không thuận, song người dân ở bản Chăm Pu vẫn rất vui mừng trong những ngày thu hoạch. Và, trong câu chuyện gắn liền với cây lúa nước đã làm thay đổi đời sống nơi đây, người dân bản Chăm Pu không ngớt nhắc đến ơn CBCS ĐBP Cà Roòng, Hội Nông dân xã Thượng Trạch nói riêng, Ban Dân tộc cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình nói chung. Ông Đinh Bột (65 tuổi) - Trưởng bản Chăm Pu phấn khởi thổ lộ: “Từ khi có cánh đồng lúa nước này, người Ma Coong ở bản Chăm Pu mình đã có cơm để ăn kể cả khi lúa trên nương bị mất mùa. Từ khi rễ cây lúa nước bám vào đất núi của bản Chăm Pu, người Ma Coong mình đã biết làm ruộng nước thay cho phát nương rẫy. Cây lúa nước cho nhiều gạo thì những cánh rừng ở phía ngọn núi Leẹc sẽ chẳng còn bị đốt nữa. Dân bản mình biết ơn lắm lắm”.

Trong tâm trạng phấn khởi, chị Y Sử (38 tuổi) cho biết thêm: Trước đây, cũng như những gia đình trong bản, gia đình chị trồng lúa bằng việc phát rừng trỉa hạt theo phương thức truyền thống, năng suất trông chờ vào sự thuận lợi của thời tiết nên năm được năm mất. Nguồn giống lấy từ giống lúa đã canh tác những vụ lúa trước để lại, không có sự chọn lọc, xử lý, vì vậy mùa nào cũng bị sâu bệnh phá hoại nên lúa sản xuất ra không đủ ăn cho đến vụ sau. Nhiều tháng gia đình chị phải vào rừng tìm củ mài, củ chụp, cây đoác, cây măng để ăn thay cơm. Từ khi trồng 3 sào ruộng nước tại cánh đồng Chăm Pu, được Hội Nông dân xã, CBCS ĐBP Cà Roòng vận động, hướng dẫn cách làm đất, ủ giống, gieo hạt, chăm sóc theo khoa học kỹ thuật nên vụ nào gia đình chị cũng đạt năng suất cao. Như vụ mùa này, gia đình chị thu hoạch được 17 bao, mỗi bao 40 kg, không còn phải lo cái ăn như ngày chưa có ruộng nước.

Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng của gia đình mình khi cây lúa đang mướt xanh trong thời tiết mát của vụ Hè - Thu, anh Đinh Vũ (23 tuổi), chủ nhân của hơn 2 sào ruộng lúa tại cánh đồng Chăm Pu vui mừng chia sẻ: “Lúc đầu nghe CBCS ĐBP và Hội Nông dân xã tuyên truyền về việc làm ruộng lúa nước, gia đình mình và nhiều người khác trong bản không muốn làm theo vì lâu nay phát nương, trỉa hạt quen rồi, sợ làm ruộng nước không quen, cây lúa không có hạt thì đói lắm. CBCS ĐBP Cà Roòng và Hội nông dân không nản lòng, đến tận nhà, đưa theo giống lúa, hướng dẫn chi tiết cách làm đất, ủ giống, cách bón phân cho lúa.... Gia đình mình mới làm theo và giờ thì không còn phải lo nhiều về thiếu cái ăn như trước nữa”.

Cán bộ ĐBP Cà Roòng luôn sát cánh cùng bà con dân bản Chăm Pu để phát triển ruộng lúa nước. ảnh: T.P

Hành trình đưa cây lúa nước lên non

Nhớ lại những ngày đi vận động bà con bản Chăm Pu trồng cây lúa nước 20 năm về trước, rất nhiều CBCS ĐBP Cà Roòng không khỏi bùi ngùi. Việc định canh, định cư, xây dựng bản mới của người Ma Coong ở bản Chăm Pu là một quá trình đầy gian khó bởi thói quen du canh, du cư đã ăn sâu vào tiềm thức của họ với cái lý “Rừng rộng, đất rộng nên ưng bụng chỗ mô thì dựng nhà mà ở thôi”. Cứ thế, họ đi khắp mọi cánh rừng như con nai, con hoẵng. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại thuyết phục, CBCS ĐBP Cà Roòng đã níu giữ chân họ dừng lại lập bản mới bên con suối Chăm Pu. Từ đây, cuộc đời của người Ma Coong đã bước sang một trang mới và họ lại càng vui hơn khi Ban Dân tộc tỉnh cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã đầu tư cho bản một cánh đồng lúa nước rộng 2 héc-ta nằm dưới chân ngọn núi Leẹc.

Năm 2002, công trình khởi công và vụ Hè- Thu năm 2003, bản Chăm Pu được mùa lớn nên niềm tin về một phương thức sản xuất mới càng bám rễ sâu hơn trong suy nghĩ của bà con dân bản. Tuy nhiên, do không quen làm lúa nước, trình độ tiếp thu kỹ thuật hạn chế nên liên tiếp những vụ sau, lúa cho năng suất thấp. Thế là, họ lại trở về với phương thức phá rừng làm rẫy. Thêm một lần nữa, CBCS ĐBP Cà Roòng trở thành những “kỹ sư nông nghiệp” để giữ lại cánh đồng Chăm Pu cho tới ngày hôm nay.

Với phương châm “Bám dân, bám thời vụ, cụ thể, sát thực tế, vừa làm, vừa hướng dẫn, vừa chuyển giao phương thức sản xuất mới, cơ giới hóa, khoa học, CBCS ĐBP Cà Roòng kiên trì thuyết phục để rồi cánh đồng Chăm Pu, cây lúa đã trở lại màu xanh. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm 2 vụ, cánh đồng Chăm Pu luôn cho năng suất từ 35 đến 40 tạ/ha. Niềm vui lớn nhất là người dân bản Chăm Pu đã tiếp cận được khoa học kỹ thuật tiên tiến, sử dụng máy móc vào canh tác nên năng suất lúa luôn được giữ vững. Họ đã làm chủ hoàn toàn các khâu sản xuất lúa nước từ các chiến sỹ BP chuyển giao.

Trung tá Võ Đình Thuần- Đồn trưởng ĐBP Cà Roòng cho biết: “Làm và giữ được cánh đồng lúa nước cho người Ma Coong ở bản Chăm Pu là công sức của nhiều thế hệ CBCS đơn vị từ gần 20 năm nay. Gian nan, vất vả là điều hiện hữu, song niềm vui cũng nhiều. Thường xuyên bám dân, bám ruộng để duy trì cây lúa nước cho người dân không chỉ là trách nhiệm của CBCS đơn vị mà còn là tình cảm, nghĩa quân - dân nơi biên cương Tổ quốc, vì sự bình yên và phát triển bền vững nơi phên dậu đất nước”.

Nguyễn Thành Phú