Nơi hội tụ lòng người

Thứ ba, 14/11/2017 10:56

Trong gần 600 tộc họ trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thì tộc Đinh thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước) là một nhân tố thực sự tiêu biểu trong việc phát huy vai trò tộc họ giáo dục con cháu thực hiện tốt tộc ước, hiếu nghĩa, thủy chung, chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới (NTM). Hằng năm, tộc Đinh đều tổ chức khen thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo... Với những đóng góp đó, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2012-2017) do UBMTTQ huyện tổ chức vào ngày 2-11, tộc Đinh thôn Quá Giáng 2 là 1 trong 5 tập thể điển hình được UBND huyện tuyên dương, khen thưởng.

UBND H. Hòa Vang tặng Giấy khen cho tộc Đinh thôn Quá Giáng 2.

Về thôn Quá Giáng 2 hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ một điều, song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị trong quá trình xây dựng NTM, ở nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính đang được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là sự hiện hữu của 3 di tích: Nhà thờ Chư phái tộc làng Quá Giáng được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2000; Đình làng Quá Giáng được TP công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa năm 2013; năm 2014, Nhà thờ tộc Đinh tiếp tục được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp TP. Bên cạnh đó, điều giúp tộc Đinh lan tỏa chính là những nếp nhà được lớp người cao tuổi gìn giữ, từng ngày họ vẫn gói gém nền nếp của gia đình để răn dạy cháu con... Nét đẹp truyền thống "Tối lửa, tắt đèn có nhau" đã và đang được nhân rộng trong dân làng Quá Giáng nói chung, tộc Đinh thôn Quá Giáng 2 nói riêng. Nếu như trước đây, khi một hộ gia đình trong xóm có đám hiếu, đám hỷ, gia đình đó cùng với họ hàng chạy đôn chạy đáo lo việc thì nay cả làng cùng chung tay giúp sức, cả về vật chất và tinh thần, giảm chi phí thuê mướn bên ngoài; mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình này với gia đình khác đều có sự vào cuộc của các cụ già để ngăn chặn ngay từ đầu.

Con cháu tộc Đinh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Nhà thờ tộc cấp TP.

Để các thành viên trong tộc họ gắn bó và phát triển, tộc Đinh cùng với các tộc họ khác tiên phong hưởng ứng xây dựng phong trào "Tộc họ văn hóa" do UBMTTQ xã phát động. Theo đó, Hội đồng gia tộc tổ chức họp toàn thể các thành viên, thống nhất quyết tâm xây dựng mô hình "Tộc họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội" dựa trên 6 nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Cụ thể, tuyên truyền giáo dục con cháu thực hiện đầy đủ các nội quy quy định của dòng họ, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội. Giao trách nhiệm cho mỗi gia đình phải quản lý con cháu, chấp hành nghiêm các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Khuyến khích con cháu tìm ra các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước cải thiện cuộc sống. Các gia đình cũng thường xuyên nhắc nhở, động viên con cháu chăm ngoan, tránh xa các cám dỗ xấu...

Theo ông Đinh Viết Thành (80 tuổi, Trưởng tộc Đinh), làng Quá Giáng xưa, nay được chia thành 7 thôn: Quá Giáng 1 và 2, Giáng Nam 1 và 2, Trà Kiểm, Cồn Mong (xã Hòa Phước), An Lưu (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn). Tuy địa lý cách xa, nhưng hằng năm, vào mỗi dịp hội làng, giỗ tổ hay dịp nghỉ lễ, con cháu các dòng họ lại hội tụ về thôn Quá Giáng 2 để thắp nén hương thành kính dâng lên tổ tiên, báo cáo những việc đã làm trong thời gian qua và cầu mong may mắn, đủ đầy và hạnh phúc cho mọi người. Đặc biệt là vào ngày giỗ Tổ, các dòng họ thường tổ chức tuyên dương những cá nhân có thành tích trong học tập, lao động, sản xuất. Từ đó, nêu gương để con cháu noi theo và phấn đấu. Nhờ những hoạt động đó, việc bảo tồn và phát huy truyền thống quý báu của làng Quá Giáng luôn được duy trì và góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho người dân. "Gìn giữ truyền thống không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa của quê hương cũng như giữ lại hồn cốt cho làng quê. Vì vậy cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mỗi người dân trong tộc Đinh cũng cần phải có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc giữ gìn những nét văn hóa xa xưa đó" - ông Đinh Viết Thành cho biết thêm.

VY HẬU