Nỗi lo Hải Vân Quan sẽ thành... phế tích
(Cadn.com.vn) - Một ngày gần đây, tôi một mình vượt dốc lên với Hải Vân Quan. Tiếp chuyện tôi trong chốt gác nhỏ bé, khiêm nhường nép mình bên cái “thị tứ”, gồm hàng chục hàng quán bán đồ giải khát và lưu niệm, đầu khúc cua tay áo nằm giữa ranh giới địa phận Đà Nẵng và TT-Huế, đại úy Nguyễn Tiến Đạt-cán bộ Đồn Biên phòng Hải Vân, Đà Nẵng bảo: “Đấy anh xem, đèo Hải Vân bây giờ xem ra còn đông vui, nhộn nhịp hơn cái thời chưa có hầm đường bộ ấy chứ...”. Chỉ riêng khu vực khu di tích Hải Vân Quan này, hàng ngày có tới hàng trăm lượt du khách ghé thăm.
Tuy không còn cảnh xe đò, xe tải, xe to, xe nhỏ chen chúc, tránh vượt như xưa, nhưng vẫn là con đường để các loại xe chuyên dụng, vì lý do an toàn phòng tránh cháy nổ, không được qua hầm đường bộ Hải Vân. Nhiều nam thanh nữ tú, những đôi tình nhân trẻ chọn đi đường đèo để cảm nhận cái nên thơ, quyến rũ của đèo Hải Vân... Những tay phượt thủ, thích cảm giác phiêu lưu, tìm đến cái hiểm trở của Hải Vân để thử thách mình... Và cả những du khách trong và ngoài nước tìm đến Hải Vân để được một lần tận mắt chiêm ngưỡng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”... Mấy năm trước tình hình ANTT lộn xộn lắm, tình trạng chèo kéo khách, ép giá, đánh lộn, trộm cắp liên tục xảy ra... Rồi xe ô-tô các loại, xe máy đậu đỗ lung tung, lấn chiếm lòng đường, cản trở gây mất an toàn cho các phương tiện, người tham gia giao thông.
Công tác đảm bảo ANTT, TTATGT đáng lẽ là của lực lượng CA đảm nhiệm là chính, nhưng CAP Hòa Hiệp Bắc thì ít người, nên không có lực lượng thường trực, mỗi khi có vụ việc xảy ra, mất mấy chục phút mới có mặt tại hiện trường thì làm sao xử lý cho kịp. Với chức năng được giao, Đồn Biên phòng Hải Vân kiêm luôn công tác giữ gìn ANTT ở “thị tứ” Hải Vân Quan này. Hàng ngày đồn cắt cử một tổ công tác, hai cán bộ chiến sĩ luân phiên làm nhiệm vụ. Tình hình ANTT thời gian qua đã được chấn chỉnh, không còn cảnh chèo kéo, giành khách, trộm cắp, đánh nhau, các loại phương tiện giao thông được hướng dẫn, sắp xếp đậu đỗ trật tự, ANTT, TTATGT đã cơ bản ổn định.
Một góc Hải Vân Quan. |
Nhưng Hải Vân Quan càng ngày càng trở nên hoang phế, điều đó hiển hiện trước mắt tôi và có lẽ cũng là cảm nhận của bất kỳ du khách nào khi ghé nơi đây. Tôi hỏi anh Đạt: “Có bộ phận nào quản lý khu di tích tại đây không?”. Câu trả lời là: “Không...”. Sự hoang phế rõ nét nhất là cỏ cây dại mọc trùm, phủ kín các lối đi, cỏ cây mọc kín lan cả vào cụm bia “Di tích chiến thắng đồn nhất”. Vượt qua các bậc cấp, muốn lên chiếc cổng gạch cổ, có khắc ba chữ “Hải Vân Quan”, và chiếc cổng gạch thứ hai có biển đá khắc “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, du khách phải vạch cây dại mà lên.
Một thoáng nao lòng trước “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Phảng phất xung quanh các cụm di tích, mùi hôi thối khó chịu bởi rác rưởi, túi ni-lông, vỏ lon, chai nước ẩm mục trong các lùm cây dại, trên nền cổng cổ. Tôi tìm mãi chẳng thấy một nhà vệ sinh công cộng nào, chỉ có mấy thùng đựng rác đặt cạnh lối đi, hình như cũng chẳng được mấy ai quan tâm. Anh Đạt phân trần: “Mùa nắng thì còn đỡ, chứ mùa mưa thì trông càng hoang tàn...”. Trong năm thi thoảng Đồn Biên phòng cùng đoàn thanh niên P. Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu có lên phát dọn cây cỏ vài lần, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, lại đâu vào đấy. Cái hoang phế còn não nề hơn, khi đập vào mắt du khách là sự đổ nát trên những lô cốt dấu tích thời chiến tranh. Ngay bên cạnh cổng cổ, một ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng bỏ hoang dột nát, cây dại phủ trùm...
Cây dại phủ kín cổng cổ khắc chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. |
Cách đây không lâu, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát hiện trạng sử dụng đất khu vực đèo Hải Vân, lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho khu vực này. Quy hoạch đã được UBND thành phố thông qua, theo đó, Hải Vân Quan sẽ trở thành một “thị tứ du lịch” thật sự. Dự án này bao giờ sẽ được triển khai thì chưa rõ, nhưng có lẽ phải có một lộ trình bài bản, nhất là có sự phê duyệt của cấp thẩm quyền cao nhất là Thủ tướng Chính phủ thì sẽ càng thuận lợi.
Cổng gạch cổ khắc chữ “Hải Vân Quan” cũng nằm trong cảnh hoang phế. |
Tạm kết thúc bài viết này, xin nêu một ý kiến của Thạc sĩ Lưu Anh Rô-Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, Hải Vân Quan là một vị trí chiến lược xung yếu vô cùng quan trọng, là tiền đồn án ngữ trên con đường Nam-Bắc. Chúa Trịnh Kiểm cho rằng: “Đèo Hải Vân bền vững như chiếc khóa vàng là chỗ đầu não của non sông, chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng”. Còn Vua Minh Mạng đánh giá: “Hải Vân là vị trí một người địch muôn người”, là con mắt thần giữ gìn ANTT, giám sát Cửa Hàn, Đà Nẵng xưa... Ngày nay, Hải Vân là con đường du lịch, du khách đến viếng thăm Hải Vân Quan để ôn lại truyền thống hào hùng dựng nước, giữ nước của cha ông, từ Hải Vân Quan có thể ngắm toàn cảnh Đà Nẵng xinh đẹp. Đây sẽ là điểm kết nối phát triển không gian du lịch sinh thái về phía Bắc Đà Nẵng, cùng với sự hấp dẫn của đèo Hải Vân sẽ hình thành cung đường du lịch nối các điểm Nam Ô-Hải Vân Quan-Lăng Cô đầy lý thú trong nay mai...”.
Hồng Thanh