Nỗi lo sạt lở núi ở Hòa Bắc
Nhiều năm qua hàng chục hộ dân ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng có nhà ở sát các chân núi luôn thấp thỏm, lo lắng khi mùa mưa đến vì nỗi lo núi sạt lở... Mùa mưa năm 2024 lại đến, người dân mong muốn sớm được di dời đến nơi ở mới để yên tâm sinh sống, nhưng không biết đến bao giờ mới được chuyển đi...
Gia đình bà Huỳnh Thị Lài ở tổ 1, thôn Nam Yên, Hòa Bắc cùng 3 hộ dân khác sống dưới chân núi ngay sát khe Định cho biết, trước đây gia đình họ sống ở khu đất thấp của thôn Nam Yên, nhưng thường xuyên xảy ra ngập lụt nên lên khu vực hiện nay định cư. Không ngờ, thoát cảnh chạy lụt lại đối mặt với nỗi sợ núi sạt lở vùi lấp người và nhà cửa. Mùa mưa lũ năm rồi (2023), lũ cuốn cả đất đá lẫn cây cối từ trên đỉnh núi cao hơn 100 mét đổ xuống khu dân cư. Toàn bộ diện tích ao cá, chuồng trại chăn nuôi của gia đình bà Lài bị cuốn phăng, mọi người nháo nhào tháo chạy thoát thân; may nhà cửa vẫn còn…!
Ngay đầu mùa mưa năm nay, gia đình bà Lài cùng một số người dân trong khu vực phát dọn hẳn một lối mòn để làm đường thoát hiểm khi mưa lớn gây sạt lở núi. Bà Lài phân trần lo lắng: “Dọn đường để chạy nhưng chỉ là ban ngày, còn ban đêm lỡ xảy ra mưa lũ, sạt lở thì không biết có thoát được không. Biết ở khu vực này vô cùng nguy hiểm, nhưng nếu chuyển đi nơi khác thì chưa biết đi đâu, vả lại cũng chẳng có tiền mà làm nhà mới…”. Cạnh đó, gia đình bà Trần Thị Hoan, gia đình bà Trần Thị Hoa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự…
Tại thôn Phò Nam, cách trung tâm UBND xã Hòa Bắc chừng 200m về phía Đông, sát miệng cống chui tuyến đường cao tốc La Sơn - Hòa Liên là cả chục gia đình những năm qua được xếp vào diện phải di dời khẩn cấp. Bà Nguyễn Thị Hoa có nhà sát chân núi khu vực này cho biết, đợt mưa đầu tháng 10 này, đất đá đổ xuống, cả chục hộ gia đình phải di tản đi nơi khác, phòng nguy cơ đất đá tràn vùi lấp nhà cửa. Cuộc sống cứ như vậy, mùa mưa này qua mùa mưa khác, quá bất ổn…!
Ngược lên thôn Tà Lang -thôn nằm cuối cùng của xã Hòa Bắc, gần 10 hộ gia đình sống dưới chân cao tốc La Sơn - Hòa Liên, ngay đầu cầu tràn gần hầm Mũi Trâu, nhiều năm qua cũng nằm trong diện phải di dời khẩn cấp, vì nguy cơ chực chờ chưa biết nhà cửa bị núi vùi lấp khi nào. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trầm và chị Nguyễn Thị Hương có nhà ở khu vực cho biết, đường cao tốc được mở, núi bị bạt ngang, địa chất mất kết nối nên khu vực đối diện với nguy cơ sạt lở cao.
Anh Trầm cùng người dân khu vực cho biết: “Mùa mưa năm 2023, nước lũ tràn vào nhà, các hộ dân hò nhau tháo chạy, đồ đạc tài sản bị cuốn đi hết, bùn đất phủ kín... Phía trước nhà dân là nguy cơ sạt lở núi từ đường cao tốc xuống, phía sau là dòng sông Nam mỗi khi mưa lũ về gây sạt lở từng phần đất đai, vườn tược. Có hôm nửa đêm, trời mưa lớn, chính quyền, Công an xã phải đưa xe lên khu vực di dân khẩn cấp để đảm bảo an toàn…”.
Gặp gỡ các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở ở Hòa Bắc, ai nấy đều bày tỏ mong muốn được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Họ cho hay, mấy năm qua, chính quyền xã cũng thông báo các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm sẽ được di dời nhưng còn chờ đất tái định cư (TĐC).
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hoài Nam- Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, địa bàn xã hiện có 3 khu vực đối diện nguy cơ sạt lở núi rất cao, cần phải di dời dân khẩn cấp. Theo kế hoạch, các hộ dân khu vực nguy cơ sạt lở tại thôn Tà Lang sẽ được di dời về khu TĐC Giàn Bí, các hộ tại miệng cống chui cao tốc La Sơn-Hòa Liên sẽ di dời về khu Trung tâm Hành chính xã giai đoạn 2, còn các hộ tại tổ 1 thôn Nam Yên (khe Định) sẽ chuyển về khu TĐC Nam Yên. UBND xã đang làm phương án để di dời các hộ dân. Tuy nhiên, việc này phải nằm trong quy hoạch chung của xã, của huyện, có quy hoạch rồi mới trình thành phố xem xét, phê duyệt, sau đó mới thực hiện được. Cũng theo ông Nam, dù các hộ dân nêu trên nằm trong vùng nguy hiểm, thuộc diện phải di dời khẩn cấp nhưng địa phương đang gặp khó trong việc bố trí TĐC.
Thời gian qua, 7 hộ ở thôn Tà Lang được bố trí đưa về khu TĐC Giàn Bí nhưng chưa có đất thực tế, phải mở rộng khu TĐC thì mới có đất bố trí cho dân vì theo quy hoạch trước đây, khu TĐC này bố trí cho các hộ thuộc diện khác. Còn tại tổ 1 thôn Nam Yên, ngoài những hộ sát chân núi còn có hơn 40 hộ thuộc diện nguy cơ cao. Chính quyền đã gặp gỡ tất cả các hộ này, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như thông báo chủ trương, chính sách trong diện di dời để người dân nắm rõ, quyết định đi hay ở lại. Ông Nam cho biết, khi thành phố thông qua phương án của địa phương thì mới có nguồn kinh phí để tổ chức kiểm định, đền bù, hỗ trợ cho dân, lúc đó mới di dời được. Trước mắt, địa phương vẫn phải theo sát tình hình thời tiết mỗi khi có mưa bão để sẵn sàng di dời dân khẩn cấp.
Hồng Thanh
Dòng sự kiện:Phòng chống thiên tai
Bão Usagi tiến đến gần biển Đông, giật cấp 13
Quảng Nam kiến nghị đầu tư xây dựng nơi tập kết vật chất và bãi đáp trực thăng tại Nam Trà My
Nỗi lo lũ quét của thầy trò trường vùng cao Nghệ An
Bão Yinxing suy yếu, bão Toraji tiến gần biển Đông có sức gió giật cấp 15
Chủ động hướng dẫn phương tiện tàu thuyền neo đậu phòng tránh bão số 7