Lũ lụt tiếp tục hoành hành các tỉnh Trung Trung Bộ

Thứ tư, 17/11/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Lượng mưa lớn dồn dập trút xuống các tỉnh Trung Trung Bộ (từ TT-Huế đến Bình Định) trong suốt 3 ngày qua khiến nước lũ dâng cao, làm 3 người chết, 1 người bị trọng thương và gây ngập lụt, chia cắt đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản người dân nhiều địa bàn trọng yếu. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng trực tiếp có mặt tại vùng tâm lũ ghi nhận ban đầu tình hình, công tác ứng phó khẩn trương, khắc phục hậu quả lũ lụt của các địa phương.

TT-Huế: 3 người chết, 1 người bị thương

Tính đến 17 giờ ngày 16-11, TT-Huế là địa phương gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong đợt lũ với 3 người thiệt mạng, 1 người trọng thương. Như chúng tôi đã đưa tin, cháu Đặng Ngọc Phương Anh (25 tháng tuổi), Trường mẫu giáo Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền) đã bị trượt chân do nước lũ tràn vào trường và đã chết sau khi được các cô giáo phát hiện. Cái chết đau lòng đó vẫn chưa nguôi ngoai thì một cái chết thương tâm khác, em Hồ Thị Thảo- học sinh lớp 8 Trường THCS Phong An (H. Phong Điền) giúp mẹ ra đồng dắt trâu về chuồng thì trượt chân trong dòng nước xoáy.

Nạn nhân đã được phát hiện và cấp cứu kịp thời nhưng vẫn không qua khỏi. Ngay sau khi nhận được thông báo tình hình lũ lụt, Sở GD-ĐT TT-Huế đã quyết định cho học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học. Trong khi đó, mưa vẫn tiếp tục trút xuống không ngớt trong suốt 3 ngày qua khiến mực nước sông Hương dâng cao ở mức báo động 3, gây ngập úng cục bộ hầu hết các tuyến đường nội thành TP Huế. Trong khi đó, các hồ chứa thủy điện liên tục xả lũ khiến lũ về phía hạ du tiếp tục lên nhanh, rất nguy hiểm, trong đó, hồ thủy điện Bình Điền xả lũ với lưu lượng 743m3/s, hồ thủy điện Hương Điền xả 1.400m3/s đã làm khoảng hơn 6.000 ngôi nhà ở các huyện: Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền ngập sâu trong nước.

Tuyến đường liên xã về các xã ven phá Tam Giang (TT-Huế) nước ngập sâu nên người dân đi lại bằng thuyền. Ảnh: Q.S 

Ngay trong chiều 16-11, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có mặt ở tâm lũ H. Hương Trà, bắt đầu từ xã Hương Toàn kéo dài về các xã hạ du của sông Bồ. Từ QL1A theo tỉnh lộ 8, các phương tiện giao thông như: ô-tô, xe máy, xe đạp... đều bị tê liệt. Đường về với các xã hạ du của sông Bồ, ven phá Tam Giang bốn bề là nước lũ. Người dân, xe cộ muốn qua tuyến đường này chỉ đi lại bằng ghe.

Chủ tịch UBND xã Hương Toàn Nguyễn Tho cho biết: “Toàn xã có khoảng 300 ngôi nhà bị ngập từ 1- 1,5 m. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm đều ngập sâu từ 2- 2,5 m, giao thông bị chia cắt. Nước lũ dâng cao cũng đã làm 1 nạn nhân bị thiệt mạng là trường hợp ông Lê Văn Giành (52 tuổi, trú thôn Giáp Kiền), bị nước lũ cuốn trôi trong lúc đi mua mì tôm về nhà dự trữ cho các con. Sau nhiều giờ vật lộn với mưa gió, lũ siết, lực lượng chức năng địa phương đã tìm thấy thi thể nạn nhân”.

Nước lũ cũng đang đe dọa trực tiếp đến nhiều khu vực dân cư. Tại thôn Giáp Kiềng, chúng tôi chứng kiến cảnh ngôi nhà của 4 mẹ con chị Đặng Thị Túy bị ngập sâu trong nước. 3 đứa con của chị tạm lánh trên chiếc ghe, còn chị Túy, chồng ghế cao và ngồi tạm. “Từ sáng đến chừ, mấy mạ con ngồi cầu mong nước rút để có chỗ nấu cơm ăn lót dạ, rứa mà nước càng lúc càng lên cao”- chị Túy lo lắng. Hàng trăm ngôi nhà ngập lũ, hơn 1.200ha hoa màu khác cũng bị nhấn chìm trong lũ, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Trên Tỉnh lộ 8 (TT-Huế), người và xe đều được di chuyển bằng ghe. 

Rời Hương Trà, chúng tôi đến H. Quảng Điền, là nơi có số nhà dân ngập cao nhất tỉnh với gần 2.500 hộ, tập trung ở các xã: Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước và Quảng Thọ. Huyện đã di dời 250 hộ dân sống ven phá Tam Giang đến trú ẩn ở nhà cộng đồng, trường học và dự kiến số hộ di dời sẽ tiếp tục tăng lên. Phó Chủ tịch UBND H. Quảng Điền Hồ Vang cho biết: “Hơn 60% số hộ trên địa bàn huyện bị cô lập, giao thông đi lại tê liệt. Ở một số vùng thấp trũng, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Hơn 3.000ha hoa màu của huyện bị ngập chìm trong nước. Đặc biệt, trong đó, có khoảng 1/3 diện tích mới tái sản xuất, nhiều diện tích cá nước ngọt bị ngập và trôi, vì vậy nông dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Cũng theo BCH PCLB TT-Huế, ngoài hàng ngàn ngôi nhà và diện tích hoa màu bị nhấn chìm trong lũ, giao thông trên địa bàn toàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại xã Hồng Vân và xã A Roàng (A Lưới) đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng gây tắc từ chiều 15 đến tối 16-11. Ngoài ra, còn có hàng chục điểm sạt lở ở QL49A, QL49B... Để chủ động đối phó với tình hình bão lũ, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngập lũ ở hạ du, TT-Huế đã chỉ đạo 2 nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền vận hành xả lũ theo quy trình, nên xả lũ vào ban ngày, hạn chế xả lũ về đêm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ du.

Quảng Nam: 30 hành khách thoát chết

Tại Quảng Nam, tính đến 17 giờ ngày 16-11, lượng mưa đã giảm bớt song mực nước trên các sông vùng hạ lưu vẫn tiếp tục dâng cao gây thiệt hại nặng và đe dọa nhiều khu vực dân cư. Ngay rạng sáng 16-11, trên sông Thu Bồn, lũ từ thượng nguồn đổ tấp lượng lớn rác, gỗ củi khiến chân cầu Đen (cầu Gò Nổi) nối hai huyện Duy Xuyên, Điện Bàn bị gãy. Tuyến giao thông bị cắt đứt, người qua lại phải di chuyển bằng đò rất nguy hiểm.

Trong khi đó, tại vùng rốn lũ Đại Lộc, Nông Sơn, lũ lên nhanh chia cắt nhiều khu vực trọng yếu. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Phan Đức Tính-Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết, mực nước sông Vu Gia đã xấp xỉ báo động 3 và đang lên nhanh, hầu hết các tuyến đường thấp đi các xã vùng A, B, C đều bị nước lũ chia cắt. BCH PCLB huyện đang khẩn trương tổ chức sơ tán khẩn cấp hàng trăm hộ dân ở vùng thấp lũ, xung yếu, nguy hiểm.

Huyện cũng chủ động cử lực lượng phối hợp giám sát quy trình vận hành, xả lũ các hồ chứa thủy điện, đề phòng trường hợp cấp bách, kịp thời thông báo cho người dân, cũng như chủ động phân bổ 200 tấn lương thực dự trữ đến các xã, đảm bảo thông tin liên lạc, thành lập các đội tìm kiếm cứu nạn tại chỗ... Tại H. Phú Ninh, 22 giờ đêm 15-11, ô-tô khách do tài xế Nguyễn Văn Nam (trú TP Vũng Tàu) điều khiển chạy tuyến Nghệ An - TPHCM, khi đến Km 985 + 900 QL1A (thuộc địa bàn xã Tam An, Phú Ninh) do trời mưa to, đường trơn nên tài xế bị mất lái, xe lao xuống vùng nước lũ. Rất may khu vực tai nạn nước lũ cục bộ, không chảy xiết nên không có thiệt hại về người. Gần 30 hành khách trên xe đã kịp thời phá cửa xe thoát ra ngoài.

Đến sáng 16-11, lực lượng CSGT và các cơ quan chức năng H. Phú Ninh tiến hành trục vớt xe khách lên khỏi mặt nước. BCH PCLB và TKCN tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương huy động mọi lực lượng, tổ chức công tác ứng phó, phòng chống hiệu quả với lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.  

Quảng Ngãi - Bình Định: đường tiếp tục tắc

Khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Bình Định đã có mưa vừa đến rất to. Nước ở thượng nguồn theo các sông, suối đổ về với lưu lượng, tần suất rất lớn, gây ra lũ quét làm sạt lở 200 m bờ suối Quán Rừng thuộc địa phận thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, H. Hoài Nhơn. Hậu quả nước đã tràn vào thôn và làm ngập nhà dân với độ sâu từ 1-1,5 m, trong đó có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, rất may là không có người dân nào bị chết do lũ cuốn trôi. Lũ quét còn gây sa bồi thủy phá hơn 30ha ruộng lúa; làm ướt 400 tấn thóc và 180 tấn giống... với tổng thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng.

Nước lũ đã ngập tràn mặt đường QL1A khu vực xã Bình Hiệp, Bình Sơn, Quảng Ngãi. 

Đêm 15 và sáng 16-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to trên diện rộng, gây sạt lở núi và tắc đường ở nhiều nơi. Trên QL1A tại khu vực cầu Cháy, xã Bình Hiệp, thuộc H. Bình Sơn nước lũ đã lên đến gần sát mặt cầu. Đây là cây cầu tạm nên rất yếu. Hiện tại lực lượng CSGT CA tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác tuần tra trên tuyến QL1A, đảm bảo an toàn giao thông, duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại tất cả các đoạn đường thường xuyên bị nước lũ tràn qua.

Riêng tại cầu Cháy, đến trưa 16-11 nước lũ đã ngập cầu, và như vậy QL1A sẽ tiếp tục bị gián đoạn thêm lần nữa. Mưa lớn khiến phần lớn các tuyến đường từ đồng bằng lên miền núi tỉnh Quảng Ngãi bị gián đoạn. Đặc biệt là tuyến đường liên huyện từ Bình Sơn đi các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, nước lũ băng qua đường ở nhiều đoạn, nhiều khu vực bị sạt lở núi, khiến cho việc giao thông trên tuyến đường này bị gián đoạn.

Riêng tại H. Bình Sơn là vùng bị lũ nặng nhất, trong mấy ngày qua, đến sáng 16-11 đã có 34 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường về các địa phương trong huyện đã bị nước lũ chia cắt. H. Bình Sơn đã xuất hơn 3 tấn gạo dự trữ để hỗ trợ đồng bào vùng ngập lũ. Quảng Ngãi đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra về tất cả các địa phương trong tỉnh để chỉ đạo công tác phòng ngừa lũ lụt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Các địa phương vùng bị ngập lũ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không cho bất kỳ hộ gia đình nào quay về chỗ ở cũ khi mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Hiện mưa lũ ở Quảng Ngãi diễn biến hết sức phức tạp.

Nhóm P.V thời sự