Nỗi lo tai nạn trong các hầm tàu

Thứ tư, 26/09/2018 18:00

Thời gian qua, tại cảng Quy Nhơn (Bình Định) xảy ra các vụ tai nạn lao động thương tâm ở các hầm tàu, làm nhiều công nhân thiệt mạng. Điều đáng chú ý là các công nhân bị nạn được phát hiện sớm nhưng lại không thể cứu được. Câu hỏi đặt ra là tại sao các vụ tử vong trong hầm tàu lại khiến công nhân tử vong nhanh như vậy và tình trạng này có thể phòng tránh được hay không?

 Một nạn nhân chết ngạt được di chuyển ra ngoài.

Vụ ngạt khí xảy ra mới đây nhất là lúc 0 giờ 45 ngày 16-9 làm ông Nguyễn Việt Hoàng (41 tuổi, trú Bạc Liêu) và anh Nguyễn Văn Ngữ (31 tuổi, trú Phú Yên, cùng là tài xế xe ủi của Cty TNHH Hào Hưng) thiệt mạng. Hai nạn nhân này vào hầm số 2 tàu Uni Fortune để bốc xếp hàng (dăm gỗ)ở cảng Quy Nhơn. Lúc này, anh Hoàng vào hầm tháo được 3/4 dây xích ở xe ủi ra khỏi cần cẩu thì bị ngất. Thấy vậy, anh Ngữ chạy đến ứng cứu nhưng thấy khó thở nên chạy ra ngoài và cũng bị ngất xỉu ngay ở chân cầu thang dưới hầm tàu. Thấy anh Hoàng và anh Ngữ ngất xỉu, một công nhân đang làm bốc xếp trên boong tàu trình báo Trưởng ca điều độ cảng Quy Nhơn. Ban Giám đốc cảng Quy Nhơn cùng lực lượng Phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn tỉnh Bình Định nhanh chóng ứng cứu. Tuy nhiên, 2 nạn nhân đã chết trước khi được đưa ra bên ngoài.

Vụ việc từ khi nạn nhân xuống hầm tàu đến khi ngất và tử vong diễn ra nhanh chưa đầy 3 phút. Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bước đầu Cơ quan chức năng xác định các nạn nhân chết do ngạt khí. Thực tế, các hầm hàng trên các tàu đều kín bưng, cộng với dăm gỗ, ủ nhiều ngày dưới hầm sẽ bốc lên lượng khí độc mà nếu nạn nhân không mang bình thở khí khi xuống dưới hầm thì sẽ bị tử vong ngay tức thì. Đại tá Phạm Đình Trung - Phó Giám đốc CA tỉnh Bình Định cho biết nguyên nhân cụ thể: Bột dăm giấy chứa trong hầm sâu như thế này nó sẽ bị ô-xy hóa, các vi khuẩn độc hại sinh sôi, phát triển, khi chúng ta xuống hầm thì cơ quan hô hấp  của con người không thể hoạt động nên dẫn đến tử vong mà không kịp cứu chữa.

Vào giữa tháng 4 năm nay, tại Tân Cảng miền Trung, TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng đã xảy ra vụ ngạt khí trong hầm tàu làm 3 người thiệt mạng. Nạn nhân được xác định gồm: Phạm Trọng H., Bách Văn S. và Nguyễn Đức Q. (chưa rõ năm sinh, quê ở các tỉnh phía Bắc), thủy thủ của tàu Thành Công 98. Khoảng 8 giờ 30 ngày 11-4, tàu Thành Công 98 mới cập cầu cảng Cty CP Tân Cảng miền Trung (ở P. Hải Cảng, TP Quy Nhơn) để nhận hàng mật mía. Trước giờ bốc hàng, các công nhân trên tàu thay phiên nhau xuống hầm tàu để kiểm tra van, đường ống... Lúc đầu, 2 thủy thủ Nguyễn Đức Quân và Phạm Trọng Hòa xuống hầm để kiểm tra thì gặp khí gas nồng nặc còn sót lại từ những vết mật mía chuyến hàng trước nên bị ngạt đã kêu cứu. Lập tức, thợ máy Bách Văn Sáu thả dây thừng lao xuống cứu nhưng khí gas từ mật mía quá mạnh, khiến ông Sáu cũng rơi xuống hầm. Chỉ trong khoảng 2 phút, hầm chỉ sâu khoảng 5m, nhưng khí gas quá nặng, mùi nồng nặc, gây khó thở nên không ai làm được gì. Nếu có xuống hầm để cứu người thì chắc chắn con số tử vong sẽ nhiều hơn.

Điểm chung của các vụ tai nạn lao động này là công nhân gặp nạn tử vong rất nhanh. Vì vậy các chủ tàu đã thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tuyên truyền cho công nhân khi xuống làm việc các hầm sâu và tối. Ngoài ra, chủ tàu cũng không hướng dẫn cho nhân viên sử dụng máy đo nồng độ khí trong hầm trước khi vào làm việc là nguyên nhân gián tiếp gây ra những cái chết thương tâm tại các hầm tàu có trọng tải lớn trong thời gian vừa qua. Đại tá Phạm Đình Trung khuyến cáo: “Cần trang bị cho công nhân kiến thức tự bảo vệ mình, ngoài ra các chủ tàu cần trang bị bình khí, đặc biệt phải kiểm tra bình nồng độ khí dưới các hầm trước khi các công nhân xuống làm việc”.

Hiện nay, phần lớn các tàu chở hàng cập các cảng Quy Nhơn, Bình Định đều có trọng tải lớn, các hầm sâu trên các tàu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, để tránh những tai nạn thương tâm, điều quan trọng nhất là chủ tàu không được chủ quan.

Quý Hiền