Nỗi lo thiếu giáo viên, trường lớp

Thứ ba, 03/09/2019 14:00

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2019-2020, nhưng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục thiếu giáo viên, nhất là bậc mẫu giáo, tiểu học. Việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến phân công giáo viên đứng lớp, dạy và học.

Trường Tiểu học số 1 Nam Phước đang xây dựng nên thiếu 10 phòng học.   

Thiếu gần 2.100 giáo viên

Năm học 2019 - 2020, cả tỉnh Quảng Nam có 817 trường, giảm 1 trường so với năm học trước. Trong đó, giáo dục mầm non 291 trường, tăng 12 trường, giáo dục phổ thông 526 trường, giảm 13 trường. Tổng số học sinh là hơn 344.400, trong đó, mầm non 75.764 (giảm 6.926), phổ thông 268.664 (tăng 7.720). Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, toàn tỉnh có 27.182 người (tính cả hợp đồng); trong đó, có 1.848 cán bộ quản lý, 21.106 GV và 4.228 nhân viên.

Theo rà soát của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, cả tỉnh còn thiếu gần 2.100 giáo viên ở các bậc học. Trong đó, khối mầm non thiếu 616 giáo viên; khối tiểu học thiếu 1.042 giáo viên; THCS thiếu 273 giáo viên và THPT thiếu 162 giáo viên. Nguyên nhân là do số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và xin nghỉ hưu trước tuổi tăng, số lượng giáo viên dạy hợp đồng sau khi tham gia thi tuyển viên chức giáo dục không đậu đã xin nghỉ việc ở nhà ôn luyện chờ thi tuyển viên chức lại... Trong khi đó tỉnh vẫn chưa tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong 2 năm qua. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh đều thiếu giáo viên; có địa phương thiếu do chỉ tiêu biên chế giao nhưng cũng có nơi thiếu theo quy định tại Thông tư 06 năm 2016 của Bộ GD-ĐT.

Phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên cho biết, năm học mới này, toàn huyện còn thiếu 200 giáo viên mầm non và tiểu học, trong khi đó giáo viên THCS lại thừa. Việc thiếu giáo viên mầm non, tiểu học diễn ra phổ biến nhiều năm nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc 2 năm nay tỉnh chưa tổ chức thi tuyển. Theo ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên, việc thiếu giáo viên gây nhiều khó khăn cho năm học mới, nhất là các trường khối tiểu học. Nhiều trường hiện không có đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm lớp, như trường hợp có trường 15 lớp nhưng chỉ có 11-12 giáo viên, không đảm bảo mỗi lớp một giáo viên đứng lớp theo quy định. “Phòng GD-ĐT   H. Duy Xuyên tham mưu UBND huyện cho hợp đồng một số giáo viên, gồm giáo viên nghỉ hưu xin hợp đồng lại và một số sinh viên sư phạm mới ra trường để đảm bảo công tác dạy - học trong năm học mới”, ông Phùng Hoàng nói.

48 tỷ đồng xây dựng cơ sở trường lớp phục vụ năm học mới

Chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, TP Hội An đã đầu tư hơn 48 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa các trường học. Trong đó, các trường có các hạng mục được xây mới gồm: Mẫu giáo Măng Non, Tiểu học Cẩm Kim, Tiểu học Lý Tự Trọng, THCS Kim Đồng và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra, từ nguồn của nhà trường, một số trường đã tự đầu tư sửa chữa nhỏ với kinh phí 2,3 tỷ đồng và vận động xã hội hóa để sửa chữa trường lớp với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Thành phố Hội An cũng đã đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ công tác dạy học, tài liệu, sách vở với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

Thanh Hải

Thiếu phòng học

Cùng với việc thiếu giáo viên, không ít trường học gặp khó khăn do trường lớp thiếu hoặc đang xây dựng, không hoàn thiện trước dịp khai giảng năm học mới. Tại điểm trường mầm non Long Bok (xã Trà Mai, H. Nam Trà My) các cháu nhỏ phải học, ăn nghỉ tạm trong nhà dân vì trường xây dựng chưa kịp sau khi di dời cùng với 50 hộ dân vùng sạt lở Long Bok đến khu tái định cư mới. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp vẫn còn, nhất là một số vùng của huyện Thăng Bình, Quế Sơn và đặc biệt là các địa phương miền núi.

Trong khi đó, dù đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nhưng hiện nay một số trường triển khai khá chậm. Trường Tiểu học số 1 Nam Phước (TT Nam Phước, H. Duy Xuyên) đang xây dựng 10 phòng học nhưng vẫn chưa xong phần thô. Ông Hồ Tâm Xuân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với tình hình hiện nay thì nhà trường dự tính sẽ sắp xếp, dồn các phòng làm việc và các phòng chức năng để ưu tiên cho việc bố trí các lớp học đầu năm học mới. Ở bậc THPT, Trường THPT Trần Quý Cáp (TP Hội An) phải thuê 6 phòng của Trường CĐ Điện lực miền Trung để dạy. Còn Trường THPT Thái Phiên (H. Thăng Bình) xây dựng không kịp cho năm học mới cũng phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động dạy và học.

THẠCH HÀ