Nỗi lòng giáo viên vợ lính đảo Trường Sa
(Cadn.com.vn) - Khi những người chồng đang sát cánh cùng đồng đội gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ở quê nhà, những người vợ lính đảo lặng lẽ hy sinh niềm vui đời thường để "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Được lắng nghe lời tâm sự của những người nữ giáo viên đang có chồng công tác ở quần đảo Trường Sa, tôi càng hiểu hơn về phẩm hạnh, đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ đảm đang việc nhà, cô giáo Hoàng Thanh Hải nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố Đà Nẵng. |
Chung thủy sắt son
Căn nhà của cô giáo Nguyễn Thị Lĩnh và trung tá Nguyễn Khắc Lương - Lữ đoàn 83 Hải quân hiện đang công tác ở đảo Sinh Tồn Đông (quần đảo Trường Sa), nằm hiền hòa trên con đường nhỏ Thành Vinh 1, P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà (Đà Nẵng). Thiếu vắng người đàn ông trụ cột gia đình nhưng căn nhà lúc nào cũng gọn gàng, đầy sức sống. Trước nhà, có một giàn hoa xinh xắn trổ rất đẹp. Cô Lĩnh đón tôi bằng nụ cười thật hiền khi cùng hai con gái đang chuẩn bị bữa cơm tối. Cô chia sẻ: "Mấy năm nay được ngành GD-ĐT địa phương quan tâm tạo điều kiện chuyển về dạy học ở trường gần nhà nên mọi sinh hoạt gia đình, chăm lo con cái đỡ vất vả hơn trước. Cháu Nguyễn Thị Quỳnh Trang năm nay vào lớp 10 đã tự một mình đi học, còn cháu nhỏ Nguyễn Anh Thư đang học lớp 3 vẫn phải đưa đón hằng ngày".
15 năm kể từ ngày làm vợ anh đến khi sinh được 2 con gái, cô gần như một mình tự tay chăm lo, nuôi dạy hai con khôn lớn, nhưng không một lời nặng nhẹ với anh, vẫn luôn mực động viên anh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cô kể: "Năm 2000, tôi gặp anh, khi đó anh đã gần 15 năm công tác trong ngành, còn tôi đang giảng dạy tại một trường trên địa bàn Q. Sơn Trà. Nửa tháng sau, lễ cưới được tiến hành nhanh chóng để kịp thời gian anh ra lại đảo tiếp tục làm nhiệm vụ. Lễ cưới thật đơn sơ nhưng với tôi thế là đủ...".
Khoảng thời gian anh đang công tác ở biên giới hay ngoài hải đảo, một mình cô "vượt cạn". Vắng chồng, không người thân thích, một mình cô đảm đang chăm ẵm, nuôi nấng các con khỏe mạnh, vừa đóng góp hiệu quả nhất cho công tác dạy học ở trường. Nhìn thấy cô sớm hôm tảo tần, vất vả, nhiều người động viên, an ủi.
Có người vợ nào xa chồng không khỏi cảm thấy tủi thân. Chạnh lòng, tủi thân, bởi những đêm khuya con nhỏ ốm đau mà chỉ có một mình chăm sóc, không người đỡ đần, chia sẻ. Những ngày lễ, Tết, mẹ con vui đùa nhưng vẫn thiếu vắng chồng, cha, trong khi đó bao gia đình khác đầm ấm, sum vầy... Nghĩ vậy, nhưng cô nào nuối tiếc hay ân hận khi trái tim đã dành trọn cho anh. Cô càng thương, càng yêu anh hơn.
Thương anh, yêu anh, nhớ anh, cô dồn tình thương yêu hết cho con; chăm lo, nuôi dạy con ngoan hiền để anh vững tâm, yên lòng công tác giữa đảo xa. Để thể hiện lòng chung thủy với anh, giữ gìn phẩm hạnh của một người phụ nữ, người vợ, người mẹ, từ khi lấy anh, cô chưa một lần ngồi cùng xe với bất cứ một người đàn ông nào, kể cả bạn bè hay đồng nghiệp thân thích.
Vắng chồng, không người thân thích, cô giáo Nguyễn Thị Lĩnh một mình nuôi 2 con khôn lớn, ngoan hiền, vừa là giáo viên điển hình trong công tác chủ nhiệm. |
Trọn vẹn nghĩa tình
Chúng tôi tìm đến Trường THCS Lý Tự Trọng (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) khi cô giáo Hoàng Thanh Hải, vợ của đại úy Bùi Văn Hiêu - Vùng 4 Hải quân, đang đứng lớp giảng dạy. Nghe tôi nhắc đến người chồng đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, cô nở một nụ cười hạnh phúc.
Năm 2003, cô tốt nghiệp cao đẳng ngành sư phạm Vật lý - Trường ĐH sư phạm (ĐH Đà Nẵng), vừa tham gia giảng dạy, vừa tiếp tục học lên bậc đại học. Cũng trong thời gian đó, cô quen anh - một người lính công binh trẻ thuộc Lữ đoàn 83 Hải quân. Tình yêu cô dành cho anh lớn dần theo từng dòng liên lạc khi anh thực thi nhiệm vụ dọc chiều dài biên giới Tổ quốc hay giữa biển đảo xa xôi. Dẫu biết rằng yêu một người chiến sĩ công binh là đồng nghĩa với sự hy sinh, thiệt thòi nhưng cô vẫn say đắm. Năm 2010, sau ngày cưới, anh nhận quyết định điều động tăng cường lực lượng cho Vùng 4 Hải quân.
5 năm kể từ ngày anh ra đảo, số lần vợ chồng được gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả lúc cô mang bầu và sinh nở đứa con gái đầu lòng chưa đầy tháng, anh lại phải trở lại đảo công tác. "Là người vợ thì ai chẳng mong muốn chồng mình luôn có mặt bên cạnh để chăm sóc, cáng đáng việc gia đình... Nhưng tình yêu đã giúp tôi xua tan đi những nỗi âu lo thường ngày, nhân lên niềm vui cuộc sống. Điều đó cũng giúp tôi nhận ra rằng, dẫu khoảng cách giữa vợ chồng là rất quan trọng nhưng vẫn không thể quan trọng bằng tình yêu mà cả hai dành cho nhau", cô Hải trải lòng.
Hiểu và yêu thương cô, muốn làm mọi thứ có thể nhằm bù đắp một phần vất vả, gian khổ mà cô đang gánh vác, nên mặc dù công việc bận rộn, anh vẫn tranh thủ những lúc rảnh rỗi gọi điện về động viên, an ủi. Đáp lại, hằng ngày cô vẫn dõi theo từng bước chân anh đi, đó là động lực to lớn giúp anh vững chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo tiền tiêu.
"Niềm hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi là được chứng kiến đứa con dần dần khôn lớn, khỏe mạnh. Chỉ chừng đó thôi nhưng đủ xóa tan mọi sự nhọc nhằn của cuộc sống, sự xa cách, nhớ nhung; giúp tôi có thêm nghị lực vượt qua mọi khó khăn và tiếp thêm sức mạnh cho anh cùng sát cánh bên đồng đội gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng Tổ quốc", cô Hải tâm sự.
Còn rất nhiều người giáo viên vợ lính đảo Trường Sa như cô Hải, cô Lĩnh mà tôi đã được gặp, được trò chuyện. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả cùng là hậu phương vững chắc, đầy nghĩa tình, trọn vẹn thủy chung. Họ lặng thầm hy sinh tình cảm, niềm hạnh phúc riêng tư, góp sức vì sự bình yên của Tổ quốc.
Khải Minh