Nỗi lòng những người “gieo chữ”

Thứ ba, 24/12/2013 16:56

(Cadn.com.vn) - Thầy giáo Lê Thanh Tùng, P.Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Pa Nang nói: “Mấy tháng vừa rồi chúng tôi tiếp bao nhiêu đoàn báo chí vào làm việc, kể về chuyện trường lớp ở đây đến nỗi thuộc lòng như học sinh học bài”... Ngôi trường nằm giữa đại ngàn Đakrông, Quảng Trị vẫn mịt mù trong sương rừng và khí núi.

Không phải chúng tôi “kêu ca”

Đakrông mùa này mưa lạnh như cắt da xé thịt. Đã hết giờ đứng lớp, một số giáo viên nhanh chóng rời bục giảng để còn kịp nấu nướng ăn uống qua loa rồi lên lớp chiều. Thầy Tùng đưa chúng tôi lên khu bán trú dân nuôi nằm chất ngất trên mỏm đất cao vời vợi phía sau các lớp học.

Thầy bảo: “Đây là khu nhà bán trú dân nuôi, được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị xây dựng cách đây 4 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng rồi”. Cái “nghiêm trọng” ở đây hiển hiện trước ánh mắt chúng tôi: nền nhà bị bóc lên từng mảng loang lổ, giường chiếu sập sệ, mái nhà chất đầy bao tải cát sau đợt bão lũ vừa qua. Theo thiết kế ban đầu, khu nhà bán trú dân nuôi phía sau trường chỉ có khả năng tiếp nhận tối đa 50 người, nhưng giờ thì lên kỷ lục 102 học sinh.

Phân phối theo đúng chỉ tiêu 50 em trong căn nhà này thì số còn lại sẽ phải ở đâu, nếu để các em về nhà chúng chỉ còn nước theo bố mẹ lên nương rẫy. Giáo viên lại trầm luân đi vận động, bố mẹ chúng có chắc chắn cho chúng về lại trường không chứ? Mải miết sửa cái nồi cơm điện đã cũ, dây nhợ nhùng nhằng, Hồ Văn Tiệp (16 tuổi), học sinh lớp 8A tâm sự: “Em vừa về nhà mang gạo lên, đang định nấu cơm thì nồi lại hỏng thế này. Trưa nay chắc phải ăn nhờ các bạn thôi. Bếp củi mưa ướt hết rồi, có muốn nấu cũng chẳng được. Nhà em ở mãi thôn Tà Mên, cách đây xa lắm, đường đi thì lầy lội như ruộng cày”.

Thầy Tùng và các học trò của mình.

Thầy Tùng giúp Tiệp sửa cái nồi cơm có lẽ đã hết hạn sử dụng, quay về phía chúng tôi nói rằng nhà Tiệp nghèo lắm, có đến 9 anh em. Tiệp là con đầu, hiện một đứa em của Tiệp cũng đang ở bán trú tại đây. 16 tuổi mà có đến 8 đứa em, đây là điều mà biết bao nhiêu thế hệ làm công tác dân số kế hoạch hóa ở miệt rừng âm u này đau đầu. “Nhưng, không phải chỉ có Tiệp mới có em út “đề huề” vậy.

Ở đây nhà nào cũng đông con cả, trong cái khu bán trú này người có ít anh chị em nhất là con số tám”-thầy Tùng ngao ngán... Nồi cơm bốc khói bên đĩa rau rừng và chén nước chấm lạnh lẽo, 5-6 học sinh quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm của các em ở đây ít khi có thịt.

Muốn có “bữa tươi”, các em phải lặn lội xuống suối mò cua bắt ốc. Thầy Tùng chỉ tay vào lọn xôi với vài mẩu thịt nướng gói trong lá chuối rừng, là quà của một học sinh vừa về nhà mang lên, còn được treo trên cao, không ai dám ăn vì còn một số bạn học chưa về phòng. “Thế đó, gia đình có việc là phải cho trò về nhà. Không cho về là không được đâu nhưng khổ nỗi đến chiều mà chưa thấy bóng dáng ở trường là y như rằng chúng theo bố mẹ lên nương rẫy rồi. Giáo viên lại phải lội bùn vào tận nhà để tìm” - thầy Tùng thở dài.

Chiếc cầu ở Pa Nang vừa bị nước cuốn trong mùa mưa bão.

Cha mẹ “bất đắc dĩ”

Không chỉ giảng dạy, quản lý các em về chuyện học hành,  cơm nước, giáo viên nơi đây còn làm một nhiệm vụ “thiêng liêng” liên quan đến chuyện trăm năm của những cô cậu học trò ngây thơ. Tức là phải làm sao không để xảy ra chuyện trò của mình lấy chồng lấy vợ.

Câu chuyện của chúng tôi với thầy Tùng bị gián đoạn đôi lúc vì tiếng xe máy nẹt pô liên tục, những cậu thanh niên choai choai tóc hung vàng theo kiểu Hàn lượn lờ quanh trường. Hình như, những thiếu nữ cập kê đang ở bán trú tại trường có một sức “hút” đặc biệt đối với những gã trai bản trên những con “ngựa chiến” chỉ còn lại khung sắt và máy móc thì treo lủng lẳng.

Thầy Tùng cho biết vì người đồng bào miền núi có tục đi “sim”, đến tuổi trưởng thành trai gái hò hẹn nhau đến “bãi sim”, “rừng sim” để tìm hiểu nhau, thế là sinh chuyện. Đã có trường hợp một học sinh nữ phải nghỉ học giữa chừng để theo chồng lên nương. Vì vậy, ở đây là giáo viên phải giữ học trò mình như các cụ dưới xuôi giữ con gái trong nhà. Ban ngày thì không sao nhưng khi tối đến là phải đèn đóm kiểm tra “quân số” liên tục như quân đội vậy. “Sểnh” ra một tí là sinh chuyện, ảnh hưởng đến việc học hành và hạnh phúc trăm năm của các em.

Khu bán trú xuống cấp nghiêm trọng, học sinh gặp nhiều khó khăn.

Kế bên trường là UBND xã Pa Nang. Chủ tịch xã Hồ Văn Mỵ bảo rằng ở đây nhà trường và chính quyền địa phương kết hợp để quản lý học sinh bán trú. Những trường hợp trai bản đến làm mất trật tự, ảnh hưởng đến việc học hành và sinh hoạt của các em là chúng tôi kiên quyết xử lý, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì phạt bằng nhiều hình thức.

Năm qua xảy ra hai trường hợp tảo hôn, may mắn là không rơi vào số học sinh bán trú của trường. Một nhóm học sinh nữ chụm lại một góc ở khoảng sân nhà bán trú, ai cũng ngại khi chúng tôi hỏi về tục “đi sim”. Cô bé Hồ Thị Trãi (13 tuổi) chỉ biết cười khi nhắc đến điều này.

Bùi Đức Tú