Nơi lưu dấu văn hóa-lịch sử xứ Tiên
(Cadn.com.vn) - Đình làng Hội An tại thôn 3, xã Tiên Châu, H.Tiên Phước, Quảng Nam có niên đại hơn 150 năm. Đây là ngôi đình duy nhất còn lại trên địa bàn H. Tiên Phước.
Lịch sử và kiến trúc
Đình làng Hội An ra đời gắn với tên tuổi một nhân vật xuất chúng, người đã theo chân tiền hiền Nguyễn Phúc đến khai khẩn, sinh sống tại làng Hội An, Tiên Châu, đó là phó bảng Nguyễn Đình Tựu (1828– 1888). Niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), ông đỗ Phó Bảng được bổ nhiệm chức Tu Soạn, lãnh chủ sự Hộ Bộ. Năm Tự Đức thứ 22 (1896) ông được tiến cử vào làm việc tại Dục Đức Đường dạy Hoàng tử Ưng Chân (Vua Dục Đức) rồi chuyển sang Tán Mông Đường làm Tán Thiện Phán độc ti dạy Ưng Đường (con nuôi thứ 2 của Vua Tự Đức), sau đó giữ chức Thị giảng học sĩ, Đốc học Quảng Nam. Phần lớn các sĩ phu lúc bấy giờ là học trò của ông và có nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sĩ Hán học Huỳnh Thúc Kháng (là cháu gọi Nguyễn Đình Tựu bằng cậu ruột), Nguyễn Duy Hiệu một yếu nhân lãnh đạo phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam kháng Pháp... Nguyễn Đình Tựu cũng là người có công đầu và đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Đình làng Hội An, nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng và đã được đông đảo người làng đồng tình hưởng ứng.
Tại làng Hội An, công tác xây dựng đình lúc bấy giờ do ông Nguyễn Đình Dương, là Chánh tổng, Tổng Tiên Quí (huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ) cùng các cộng sự của ông triển khai thực hiện. Việc đóng góp xây dựng đình được triển khai trong toàn dân, tùy theo gia cảnh. Sau một năm chuẩn bị cây gỗ, vật liệu Đình làng Hội An được khởi công xây dựng. Phần mộc của ngôi đình được các nghệ nhân phường mộc Văn Hà (Tam Thành, H.Phú Ninh) đảm nhiệm, ngoài ra làng còn trọng dụng những người thợ tài giỏi trong làng tham gia vào phần xây dựng, kiến thiết. Sau hơn 2 năm khởi công, ngôi đình đã được hoàn thiện. Ban đầu, không gian của đình làng gồm 5 kiến trúc. Bên cạnh ngôi nhà Tự (đình chính), còn có nhà kho, nhà hội họp, nhà Thủ Hộ và về sau dân làng còn xây thêm ngôi nhà thờ Bà Tư (người có công với làng trong việc đóng góp cúng tế). Phía trước ngôi đình chính có bức bình phong được xây bằng đá núi, vữa vôi và trên mặt có khắc chữ Ÿ (Phước) rất lớn được đắp bằng những mảnh sành sứ. Khu khuôn viên đình làng được xây tường kiến cố bằng vật liệu đá, vữa vôi đường, có cổng đi vào từ hướng Đông. Hai bên cổng được khắc hai câu liễn lớn có nội dung: “Bá Niên Tố Trứ Thanh Danh Địa, Tứ Diện Hoành Khai Đạo Nghĩa Môn” (tạm dịch là: Thanh danh của vùng đất được tạo dựng từ hàng trăm năm, Cửa đạo đức nghĩa nhân theo đó cũng được lan truyền bốn phương) Phía trên là câu “Tiên Hội Môn”.
Cổng vào Đình Làng Hội An. |
Trải qua hàng chục năm dưới sự tác động của chiến tranh, và điều kiện xã hội, các kiến trúc của đình làng dần dần bị hư hại, phá bỏ. Hiện nay, đình làng còn lại hai kiến trúc gồm: Chính diện là ngôi nhà tự Hiền kế bên trái là nhà kho - nơi cất giữ vật dụng, tài sản của làng phục vụ cho việc cúng tế hàng năm (hai kiến trúc này hiện này vẫn còn, tuy nhiên đã bị xuống cấp).
Lưu giữ giá trị văn hóa
Hằng năm dân làng tổ chức lễ rước sắc và cúng tế linh đình vào dịp lễ Kỳ Yên (tháng 6 ÂL). Lễ kéo dài một ngày rưỡi đến ba ngày nhằm cầu “Phong điều vũ thuận”- mùa màng bội thu, “Quốc thái dân an”- làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh. Ngày Kỳ Yên cũng là ngày tế Tiền Hiền - Hậu Hiền, Tiền Bối - Hậu Bối... Trong lễ có thực hiện nghi thức rước sắc (sắc phong do Vua Bảo Đại ban bấy giờ do ông Nguyễn Ân là thủ sắc. Hiện nay sắc phong đã bị thất lạc) và được rước bằng Long Đình theo đường bộ. Sắc thần được để tại đình trong suốt thời gian lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc.
Hai kiến trúc còn lại của Đình làng Hội An. |
Sau các phần nghi thức lễ cúng tế là phần Hội. Đây là phần sôi động tươi vui nhất trong kỳ lễ. Đây cũng là dịp các trai thanh gái tú gặp gỡ và không ít đôi đã kết nghĩa nhân duyên. Lễ hội là dịp trưng bày tài nghệ, sự khéo léo của dân làng như phụ nữ thi tài làm bánh, thổi xôi (qua lễ vật dâng cúng), các nghệ nhân giới thiệu tài chưng kết bằng hoa quả, cây lá, giới thiệu bộ đỉnh đồng, lọ cắm hoa...
Hơn 150 năm, Đình làng Hội An là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân Tiên Phước xưa, là nơi người dân thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân, những người đã có công khai hoang lập làng trong thời kỳ “mở cõi” ở vùng đất Tiên Phước và cả những người có công với làng sau này. Từ những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật của di tích Đình làng Hội An, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những việc làm thiết thực như khoanh vùng bảo vệ, huy động các nguồn lực tiến hành trùng tu cấp thiết đối với di tích Đình Làng Hội An. Các hạng mục như tường rào bảo vệ, cảnh quan khuôn viên, và hai kiến trúc còn lại của Đình làng Hội An được tu bổ, cải tạo, nâng cấp, khắc phục tình trạng hư hại, xuống cấp ở các cấu kiện gỗ, đồng thời nghiêm cấm mọi sự tác động của người dân trong khu vực đình làng. Những hoạt động cộng đồng dần dần được phục hồi đã tạo nên một không khí sống động vốn có của Đình làng Hội An xưa. Ngành chức năng ở địa phương đã kịp thời lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng. Ngày 21-7-2014 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2276/QĐ-UBND công nhận Đình làng Hội An là di tích văn hóa lịch sử.
Kim Thiện