Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa chămpa
(Cadn.com.vn) - Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa ở thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn, Duy Xuyên (Quảng Nam), gần trung tâm kinh đô Trà Kiệu xưa, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về những giá trị đặc sắc của văn hóa Sa Huỳnh-Chămpa trước khi đến với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Bảo tàng hoạt động từ năm 2009, không những chỉ là địa điểm tham quan mà còn là nơi lưu trữ, nghiên cứu của các nhà khoa học.
Bảo tàng được thiết kế và xây dựng theo mô hình tháp Chăm cổ với khuôn viên rộng. Những mái ngói đỏ, không gian thoáng đãng khiến ai vào đây cũng có cảm giác lạc vào thế giới huyền bí của người Chăm. Khác với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chuyên về nghệ thuật đá, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh tập trung lưu giữ những hiện vật, di chỉ là vật dụng sinh hoạt trong đời sống con người. Đây là bộ sưu tập khá phong phú về loại hình, đa dạng về nguồn gốc như bộ sưu tập chum với nhiều kiểu như: Chum trái đào, chum trái xoan, chum hình cầu… Ngoài ra còn có những hiện vật cốc, đĩa, mâm đồng... được làm từ gốm.
![]() |
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh Chămpa là địa điểm tham quan, nghiên cứu văn hóa sinh hoạt của người Chăm cổ. |
Theo ông Bùi Minh Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT H. Duy Xuyên, toàn bộ hiện vận lưu giữ tại bảo tàng đều được tìm thấy nằm rải rác trên địa bàn H. Duy Xuyên. Tuy nhiên, công tác quy tập còn hạn chế nên cũng trưng bày thêm một ít hiện vật mang phong cách văn hóa Sa Huỳnh. Vì vậy Bảo tàng có sự lai tạo giữa nét đẹp Chămpa và Sa Huỳnh. Tại bảo tàng chúng tôi đã được nghe thuyết minh về bộ 5 chiếc chum trước đây được người Chămpa sử dụng làm nơi an táng cho người chết. 5 chiếc chum này được tìm thấy từ cánh đồng của làng Chiêm Sơn và còn khá nguyên vẹn. 5 chiếc chum có độ lớn khác nhau được dùng để an táng người chết theo từng độ tuổi. Theo tục lệ người Chăm, người chết được bỏ vào chum theo tư thế thẳng đứng rồi an táng cùng với các vật dụng, vàng bạc.
Nói về những khó khăn trong công tác quản lý bảo tàng, ông Bùi Minh Diệu suy tư: “Bảo tàng được đưa vào khai thác từ năm 2009 với kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đồng, tuy nhiên vì hiện vật còn ít nên chưa phát huy được hết tiềm năng. Hiện nay cổ vật còn rất nhiều trong nhà dân do họ tự tìm được và lưu giữ qua nhiều đời nên rất khó thu hồi.
Hơn nữa việc xây dựng không có kế hoạch làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích. Một số khu nhà dân còn xây chồng lên di chỉ khảo cổ, làm xáo trộn hiện vật”. Lý giải về những bất cập này ông Diệu cho rằng do công tác khảo cổ được tiến hành trễ, Luật Di sản khi ấy chưa có nên không thể cưỡng chế. Chỉ sau khi có Luật Di sản ra đời huyện mới có thể có công văn gửi đến những gia đình tìm được cổ vật yêu cầu không được bán mua tùy tiện mà phải giữ lại để trưng bày.
![]() |
Những chiếc chum cổ dùng an táng người chết trưng bày trong bảo tàng. |
Đặt vấn đề bán vé cho khách tham quan bảo tàng, ông Diệu lắc đầu: “Để có thể bán vé, bảo tàng còn phải đầu tư khá nhiều. Phải làm sao để đưa bảo tàng trở thành một điểm trong tour du lịch Mỹ Sơn. Tuy nhiên, vì Mỹ Sơn là di tích quốc gia nên việc đầu tư, sửa chữa phải thông qua ý kiến của Trung ương. Hiện nay chúng tôi vẫn đang nỗ lực khôi phục lại đoạn thành Ngang vừa phát lộ ở khu vực Trà Kiệu”.
Có thể thấy rằng, văn hóa Chămpa gắn liền với sự phát triển của văn hóa người Việt. Bảo tồn và phát huy những giá trị này cần có sự chung tay của cả cộng đồng để tôn tạo lại những nét đẹp văn hóa trên vùng đất Quảng Nam truyền thống.
Hà Dung