Nỗi niềm "bóng hồng" đá bóng

Thứ bảy, 07/03/2015 11:01

(Cadn.com.vn) - Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng khi liên tưởng đến bóng đá nữ và bóng đá nam thì hẳn nhiều người trong chúng ta đều sẽ có chung những nỗi niềm cho phận "hoa hồng" đá bóng.

1. Người viết xin lấy dẫn chứng gần đây nhất là ngày khai mạc Giải bóng đá nữ VĐQG 2015 (ngày 5-3) để nói lên sự thiệt thòi của các cô gái đá bóng. Trong ngày khai mạc này, các khán đài sân Thống Nhất (TPHCM) vắng  teo khán giả. Còn trên sân, dưới cái nóng oi bức của tiết trời Sài thành, các cô gái mướt mồ hôi, căng sức chạy theo trái bóng.

Một đồng nghiệp và là bậc đàn anh của tôi tác nghiệp trên sân Thống Nhất trong ngày khai mạc Giải bóng đá nữ VĐQG đã phải thốt lên rằng: "Ôi, sao mà hiu quạnh thế!".

Đã bao mùa giải trôi qua, giải bóng đá nữ VĐQG vẫn thế, rất thưa khán giả, nếu chưa nói ít ai quan tâm đến. Ngay cả giới truyền thông, sự quan tâm dành cho bóng đá nữ cũng còn khiêm tốn.

Trong khi chiều cùng ngày, trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội), có gần cả vạn khán giả đến sân chỉ để xem ĐT U23 Việt Nam đá tập với CLB Hà Nội.T&T. Có người nói vui rằng, đá tập thôi có nhất thiết phải đến sân cổ vũ đông thế không! Đó là tín hiệu vui cho U23 Việt Nam bởi họ đang đánh thức tình yêu bóng đá nơi người hâm mộ thủ đô, rộng hơn là cả nước.

Lấy hai hình ảnh tương phản ấy để muốn nói rằng, phận "hoa hồng" đá bóng còn lắm nỗi niềm.

Các cầu thủ nữ vẫn còn chịu thiệt thòi so với đồng nghiệp nam. 

2. Dù còn nhiều thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam, nhưng bóng đá nữ đã giành được những thành tích đáng nể. Năm 2014, sau khi lỡ cơ hội giành vé dự VCK World Cup, ĐT nữ Việt Nam đã làm nên kỳ tích ở đấu trường châu lục khi lọt vào bán kết Asiad. 

Riêng ở đấu trường Đông Nam Á, bóng đá nữ Việt Nam nhiều năm giữ "ngôi hậu". Bất kỳ giải đấu nào của khu vực, các cô gái áo đỏ đều được đánh giá là ứng cử viên cho chức vô địch.

Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã dành sự quan tâm khá lớn cho bóng đá nữ. ĐT nữ luôn được đầu tư mạnh mẽ hơn để hướng đến mục tiêu nâng tầm, mà minh chứng mới nhất là việc VFF ký hợp đồng với HLV người Nhật Bản, Norimatsu Takashi.

Trong ngày ra mắt, nhà cầm quân người Nhật Bản phát biểu sẽ dốc hết tâm lực để giúp bóng đá nữ Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở Châu Á. Ngay như giải bóng đá nữ VĐQG 2015, số đội tham gia, cơ cấu giải thưởng cũng tăng so với những mùa giải trước.

Chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực của VFF trong việc phát triển bóng đá nữ, từ hệ thống giải VĐQG cho đến cấp độ ĐTQG. Tuy nhiên, bao nhiêu đó có vẻ vẫn chưa đủ để giúp bóng đá nữ thực sự tạo được sức hút bền vững trong lòng người hâm mộ.

 Bởi thế, nếu ai đó có cảm thấy chạnh lòng, muốn sẻ chia những thiệt thòi cho phận "hoa hồng" đá bóng thì cách tốt nhất là dành sự quan tâm, ủng hộ giải bóng đá nữ VĐQG và ĐT nữ QG.

T.M