Nỗi niềm cô giáo mầm non

Thứ năm, 12/10/2017 10:46

Thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng áp lực thời gian, công việc khiến nhiều cô giáo mầm non đã tính đến chuyện bỏ nghề để tìm một công việc khác...

Làm cô giáo mầm non phải thực sự có lòng mến trẻ!     Ảnh: ST

Công việc của cô giáo mầm non bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 hằng ngày, bằng việc đón trẻ và quần quật cho đến 17 giờ, thậm chí là muộn hơn nếu phụ huynh không đến đón con đúng giờ. Cô giáo nào may mắn hơn thì được phân công lớp mẫu giáo vì trẻ đã có ý thức, biết vâng lời cô, còn ai được phân công phụ trách lớp giữ trẻ thì dường như không có lấy một phút nghỉ ngơi ngay từ khi ngày làm việc mới bắt đầu.

Riêng việc ổn định lớp để bắt đầu buổi học cũng ngốn của các cô khá nhiều thời gian. Đến nỗi, như cô giáo Hà Thị Nguyễn Hường (Trường Mẫu giáo mầm non Hướng Dương, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tâm sự, chẳng mấy khi không khàn tiếng. Trên lớp, cô vừa ổn định trẻ ngồi ngay hàng thẳng lối thì chỉ được một lát thôi chúng lại quay sang trêu chọc, cấu véo nhau la khóc chí chóe. Cô Phạm Thị Chanh, GV trường mầm non Hoa Ngọc Lan (P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ) kể: "Nhiều phụ huynh cứ gần như là khoán trắng việc chăm sóc con cho các cô giáo. Sáng đưa con đến trường, chiều tới lại đón con về. Định biên là 2 giáo viên một lớp nhưng thực tế thì 3 cô phụ trách 2 lớp, mỗi lớp ngót 40 cháu, các cô có chạy như con thoi cả ngày cũng không thể tránh khỏi việc các cháu nhỏ cào cấu nhau. Nhiều phụ huynh không hiểu hoặc chưa thông cảm được với sự vất vả của các cô giáo nên khi tới đón con mình về, chẳng may thấy có vài vết cào xước của các bạn trong lớp vào tay, vào chân con mình thôi là đã có thái độ khác với cô giáo rồi".

Vất vả của nghề thì không cần phải kể nhiều nhưng chuyện các cô giáo sợ nhất chính là yêu cầu làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Với đồng lương từ hơn 3,5 triệu đến gần 4,5 triệu đồng/tháng (tùy thuộc là giáo viên mới vào nghề, giáo viên trường công hay trường tư…) thì việc trích tiền để mua nguyên vật liệu đảm bảo tiêu chuẩn gần như đó là điều không thể. Đồ dùng, đồ chơi của các cô làm hầu hết là tận dụng từ những phế liệu như chai nhựa, hộp giấy, mẩu gỗ vụn… "Nhiều khi chúng tôi cứ như là những bà mua đồng nát chính hiệu, ra đường thấy cái chai hay cái lọ nào có thể tận dụng được cũng nhặt nhạnh về, rửa sạch để làm đồ chơi cho con trẻ. Đồ chơi làm bằng thủ công nên độ bền không cao, nhiều khi làm chỉ để trưng bày cho đẹp thôi chứ trẻ chơi được một lúc là đã hỏng", một giáo viên mầm non tâm sự.

Công việc bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến tối mịt, các cô phải tận dụng thời gian trẻ ngủ trưa để hoàn thành nốt các yêu cầu về giáo án, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Làm không xong thì phải ôm việc về nhà. Bởi vậy, việc nhà, việc đón con… nhiều lúc phải trông cậy vào chồng, ông bà nội ngoại. Vì có mẹ là giáo viên mầm non nhưng nhiều đứa trẻ phải chịu thiệt thòi khi không được mẹ đưa đón đến trường như những người bạn cùng trang lứa khác. Cũng bởi vì khối lượng công việc cô giáo mầm non quá nhiều, nếu mà người chồng của họ không thấu hiểu và thông cảm dễ dẫn đến những va chạm hằng ngày trong cuộc sống cũng là điều cũng rất dễ hiểu.

"Các ông chồng thông cảm lắm cho vợ thì nhiều khi cũng cáu vì vợ quá bận rộn. Sáng mở mắt ra là đã đi trường, có nhiều hôm tối mịt mới về, ăn vội chén cơm, tắm rửa cho con rồi lại vào lụi cụi làm đồ chơi cho trẻ. Lắm khi vợ chồng còn chả có thời gian nói chuyện với nhau. Đó là chưa kể những đợt thanh tra, kiểm tra, thi thố này nọ, thì bận không có thời gian mà thở nữa chứ!", giáo viên một trường mầm non công lập chia sẻ.

Làm cô giáo mầm non, có người bận quá đến nỗi không có thời gian để yêu! Như trường hợp cô giáo Bùi Thị Xuân Hoàng, năm nay đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. "Bận quá, không có cả thời gian để mà yêu. Có nhiều hôm bạn bè rủ đi cà-phê còn bị cằn nhằn vì giáo án chưa soạn, đồ chơi, đồ dùng cho buổi học ngày mai chưa xong", cô Hoàng hóm hỉnh.

Nhiều cô giáo mầm non, đặc biệt là các trường mầm non ngoài công lập, ngoài lương tháng không có bất kỳ khoản phụ cấp nào, không được hỗ trợ tiền trang trí lớp, không có tiền trực ca trưa, thứ 7 phải làm thêm mới đủ công… "Có những khi thấy công việc quá tải, cũng nghĩ hay mình bỏ nghề, để tìm một công việc khác đỡ áp lực hơn. Nhưng rồi nhìn những khuôn mặt thơ ngây, những đôi mắt trong veo của trẻ đã níu kéo mình ở lại. Và rồi, lại đối mặt với bận rộn, áp lực… nhưng cũng có những niềm hạnh phúc riêng mà ít người có được. Sống với trẻ con, chan hòa, gắn mình vào đó thì tâm hồn mình cũng trẻ được lâu hơn", cô Hoàng thổ lộ.

Chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô giáo mầm non vượt qua nhiều áp lực công việc để gắn bó với nghề!

TRẦN CAO ANH