Nỗi niềm hạt cát
(Cadn.com.vn) - Chắc rằng không ai khỏi bàng hoàng khi xem clip vụ sạt lở trên sông Vàm Nao (An Giang) vào sáng 22-4.
Trong tích tắc hàng chục ngôi nhà, trong đó có cả những ngôi nhà đúc kiên cố rùng rùng chuyển động rồi chìm nghỉm xuống lòng sông mang theo của nả người dân tích cóp, chắt chiu tạo dựng cả đời cùng nơi ăn chốn ở của họ. Nếu còn chút may mắn để nhắc đến thì đó là nhờ sự việc xảy ra trong buổi sáng, nếu về đêm thì không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra.
Từng ở quê, ai cũng biết do thay đổi dòng chảy, nhiều khúc sông bên bồi bên lở cũng thường tình, nhưng chưa khi nào nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng trong chớp mắt như vậy. Còn khủng khiếp hơn khi được biết cả vùng đồng bằng sông Cửu Long có đến hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng, trung bình mỗi năm mất hơn 500 ha đất. Theo các nhà khoa học, một trong những nguyên nhân là nạn khai thác cát quá mức và bừa bãi.
Chuyện khai thác cát gây những hệ lụy như vậy không chỉ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long mà ở nhiều nơi trong cả nước gây nhức nhối dư luận.
Giữa tháng 2-2017, ông Trần Tuấn (Báo Tiền Phong) đã ghi lại hình ảnh mà theo ông là “chưa từng có”: tấm hình ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP Hội An và ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đang “lạy cát”. Vì sao phải “lạy cát”? Theo ông Tuấn, vì cuối năm 2014, bãi Cửa Đại bị biển nuốt chửng, công cuộc cứu bãi biển cam go, thậm chí bối rối, tuyệt vọng, dân dựng đàn cúng cầu xin cát quay trở về. Đầu năm 2017, cát quay trở về Cửa Đại nên dân làm lễ cúng như để tạ ơn trời đất… Mọi người trân trọng, ghi nhận hành động của ông Sự, ông Thanh nhưng qua đó cũng hiểu được cái giới hạn của “khát vọng giữ cát” trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên và tác động của con người. Dĩ nhiên theo đó, mọi người còn gởi gắm cả sự kỳ vọng phải nỗ lực giữ gìn cát – giữ gìn môi trường bền vững - từ những việc thiết thực hơn.
Ai cũng hiểu chỉ nhỏ nhoi như hạt cát thôi cũng không tự nhiên sinh ra hay mất đi. Nghiên cứu về những thay đổi dòng chảy ở khu vực sông Cửu Long vừa rồi, các nhà khoa học nhận định: Cát di chuyển dưới đáy sông nhờ có dòng nước chảy mạnh. Khi khai thác cát tạo thành những hố sâu dưới lòng sông, cát thô và cát trung bình về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển. Dòng chảy “đói” cát sẽ chảy mạnh hơn gây xói lở bờ sông, sạt lở bờ biển”. Và ai cũng hiểu tài nguyên đất, cát được sử dụng để xây dựng nhà cửa, công trình, thực hiện các dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội là hẳn nhiên, nhưng khai thác thế nào là hợp lý, là khoa học, hạn chế mức thấp nhất tác động xấu đến môi trường sống phải được xem là đòi hỏi khắt khe, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Không thể vì lợi ích trước mắt, vì lợi nhuận cho các đơn vị, cá nhân mà bỏ qua hay xem nhẹ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cuộc sống về lâu dài.
Khai thác nguồn tài nguyên cát để xây dựng phát triển kinh tế song hành với việc đảm bảo môi trường, thậm chí còn làm nhiệm vụ góp phần cải tạo môi trường, phục vụ đời sống của người dân ngày càng tốt hơn là bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này rất cần năng lực chuyên môn lẫn cái tâm của những người được nhân dân gởi gắm niềm tin. Xin hãy thực sự cân nhắc khi đặt bút ký để định đoạt, cho dù nhỏ bé mong manh như số phận hạt cát.
Nguyễn Đức Nam