Nỗi niềm người dân khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô

Thứ tư, 16/11/2016 09:28

Bài 1: Dân lo lắng vì vướng quy hoạch

(Cadn.com.vn) - Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (KKT CM-LC) được thành lập năm 2006 gồm 4 xã, thị trấn với diện tích 27 ngàn ha, gồm: khu cảng, du lịch, đô thị, khu phi thuế quan... Và có hàng ngàn hộ dân ở TT Lăng Cô và các xã: Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc, TT-Huế) nằm trong vùng quy hoạch của KKT này.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Phú Lộc cho biết, có khoảng 3.000 hộ dân ở các xã: Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và TT Lăng Cô nằm trong quy hoạch vùng vàng và vùng đỏ thuộc KKT CM-LC. Theo ông Thanh, vùng vàng là không được tách thửa và chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm (khi DA triển khai thì sẽ không được bồi thường tài sản gắn trên đất- P.V). Còn vùng đỏ là hoàn toàn không được phép xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa và không được tách thửa. Ông Ngô Phước Hưng- cán bộ địa chính xã Lộc Tiến cho biết, toàn xã có hơn 2.200 hộ dân thì có đến 500 hộ dân ở thôn Trung Kiền nằm trong vùng đỏ, có nghĩa là cấm xây dựng, sửa chữa nhà và cấm tách thửa. Ngoài ra, có khoảng 800 hộ ở vùng vàng.

Căn nhà ông Lê Thế đã xuống cấp nhưng nhiều năm nay vẫn không sửa chữa, xây dựng. 

Hơn 40 năm nay, nhà ông Lê Thế (73 tuổi) ở tại thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến. Từ năm 2006, khi KKT CM-LC được thành lập thì nhà ông nằm trong diện quy hoạch vùng đỏ. Nhà xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp; trong nhà lại có nhiều thế hệ sinh sống. Vì vậy, ông Thế muốn tách cho mỗi người con đám đất trong khuôn viên đất của nhà mình để họ có điều kiện xây cất ngôi nhà nho nhỏ. Thế nhưng, nhiều năm qua, ông Thế và các con đã năm lần bảy lượt lên xã hỏi thủ tục xin tách thửa nhưng xã trả lời không được vì khu vực đó vướng quy hoạch.

Là hộ nghèo, bà Nguyễn Thị Cúc (65 tuổi, trú thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến) được Nhà nước xét duyệt, hỗ trợ 15 triệu đồng để xây nhà theo mô hình phòng chống bão. Khi bà Cúc bắt đầu xây nhà thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng đến lập biên bản, đình chỉ cũng vì do khu đất này nằm trong quy hoạch vùng đỏ. “Ngoài tiền Nhà nước hỗ trợ, tui có vay mượn thêm mấy chục triệu đồng để xây sửa nhưng xã nói nếu sau này DA triển khai thì gia đình không được bồi thường”- bà Cúc lo lắng. Ông Ngô Phước Hưng cho biết, nhiều hộ dân vẫn biết đất của mình nằm trong quy hoạch vùng đỏ, vùng vàng nhưng do một số hộ quá bức thiết về nhu cầu nhà ở nên họ đã bất chấp, lén lút xây dựng. Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, xử phạt. Trong năm 2016, riêng UBND xã Lộc Tiến đã phát hiện và lập biên bản 8 trường hợp trên địa bàn ở vùng đỏ vi phạm trật tự xây dựng.

Do nhu cầu bức thiết nên bà Cam đã nâng cấp ngôi nhà dù bị lập biên bản vi phạm.

Không riêng gì ở xã Lộc Vĩnh, ở TT Lăng Cô, hàng trăm hộ dân vẫn không thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc tách thửa vì nằm trong vùng quy hoạch KKT CM-LC. Thị trấn này có 250 thửa với hơn 13 ngàn m2 đất ở vùng đỏ và hơn 520 thửa với hơn 54 ngàn m2 ở vùng vàng. Nhà bà Trương Thị Dương Tuyết (60 tuổi, trú TDP Lập An, TT Lăng Cô) nằm ngay trên QL1, có khu đất rộng hơn 500 m2. Vì vậy, khi con trai cưới vợ, bà Tuyết vay mượn xây cho con 1 căn nhà cấp 4 trong khuôn viên đất này. “Nhà tui ở đây hàng chục năm nay, đã có sổ đỏ nhưng trước khi xây dựng đi xin phép thì huyện chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm. Trong giấy phép xây dựng tạm cũng nói rõ, khi Nhà nước có quyết định thu hồi để quy hoạch thì chủ đầu tư phải tự dỡ bỏ công trình và không yêu cầu bồi thường. Số tiền hơn 100 triệu đồng để xây nhà là cả đời vợ chồng tui tích cóp để cho con có chỗ chui ra chui vào. Rứa mà, đến khi DA triển khai thì xem như mất trắng”-  bà Cúc lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Cam (58 tuổi, trú TDP Lập An, TT Lăng Cô) cho biết, sau khi mở đường QL1 thì nhà bà thấp hơn mặt đường gần cả mét. Mỗi lần mưa thì nước trên đường tràn vào như lụt, ướt hết hàng hóa. Vì vậy, bà Cam nâng móng, đưa lên cao nhưng khi làm thì thị trấn đến lập biên bản. Ông Phan Văn Hồng- cán bộ địa chính thị trấn Lăng Cô cho rằng, đối với các hộ nằm trong quy hoạch vùng đỏ của thị trấn đều cấm xây dựng và tách thửa. “Nhưng do một số nhà xuống cấp quá trầm trọng, không xây thì sẽ bị sập. Nếu xét về cơ chế thì không được xây dựng nhưng vì tình nhân đạo, đối với một số trường hợp, sau khi Ủy ban thị trấn Lăng Cô họp bàn với Đội quản lý Đô thị H. Phú Lộc đã đồng ý cho xây dựng. Tuy nhiên, trước khi xây, thị trấn đã chụp ảnh lại hiện trạng nhà cũ; đồng thời buộc chủ nhà chỉ xây bằng nhà cũ hoặc nhỏ hơn; đồng thời yêu cầu chủ nhà phải có cam kết không được vi phạm”- ông Hồng cho hay.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H. Phú Lộc Nguyễn Văn Thanh cho biết, tại nhiều lần tiếp xúc cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội, cử tri và chính quyền địa phương của 4 xã, thị trấn nằm trong vùng quy hoạch KKT CM-LC đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành xem xét, điều chỉnh để tạo điều kiện cho người dân được xây dựng, sửa chữa nhà ở sớm được an cư.

(còn nữa).

 H.L