Nỗi niềm người dân tái định cư vùng cao (Kỳ 1: Ngậm ngùi Trà Bui)

Thứ ba, 25/09/2018 18:40

Nhiều khu tái định cư (TĐC) ở một số huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thiếu nước sinh hoạt... Nhiều năm qua, dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân ở các khu TĐC, song vì nhiều nguyên nhân, đến nay cuộc sống của họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số.

Địa hình đồi núi dốc nên người dân xã Trà Bui phải sống trong không gian chật hẹp, nguy cơ sạt lở rất cao.

Để triển khai dự án thủy điện Sông Tranh 2, H. Bắc Trà My phải thu hồi hơn 3.319ha đất các loại để bàn giao cho thủy điện. Theo đó có 834 hộ dân của 4 xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Tân phải di dời nơi ở vào các khu TĐC hoặc di dời tự do để nhường đất cho dự án. Trong đó, riêng xã Trà Bui có đến 467 hộ với gần 2.000 nhân khẩu phải di dời. Điều đáng nói, do thiếu đất ở lẫn đất sản xuất, chính quyền địa phương đưa hàng trăm hộ dân vô khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh để lập nghiệp. Hệ quả của việc làm này khiến hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ bị xâm hại trong những năm qua. "Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy tiền lệ... thả dân vào giữa rừng phòng hộ bao giờ. Để giữ rừng, càng cố gắng đưa dân ra xa rừng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Làm như thế không khác gì "thả chuột vào... lọ mỡ"- một cán bộ của Ban quản lý Bảo vệ rừng Sông Tranh tâm sự.

Biết là vậy, nhưng có lẽ chính quyền sở tại cũng đã hết cách khi chọn phương án này. Bởi theo ông Nguyễn Dương Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, diện tích lúa nước của xã lớn nhất huyện. Khi có thủy điện, thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân phải sơ tán nhường những mảnh ruộng màu mỡ cho dự án. Những cánh đồng trù phú năm xưa nay đã ngập sâu dưới dòng hồ thủy điện. "Phần diện tích đất ít ỏi còn lại lưng chừng nơi các sườn đồi không đủ chỗ để bố trí TĐC mới cho hàng trăm hộ. Mà theo tập quán sinh sống của người đồng bào thiểu số nơi đây, mình không thể đưa họ xuống đồng bằng hoặc qua địa phương khác sinh sống được. Việc đưa dân vào khu vực rừng phòng hộ cũng là một phương án bất khả kháng"- ông Thi trăn trở.

Những ngôi nhà nằm trong rừng phòng hộ Sông Tranh.

Theo báo cáo về công tác quản lý bảo vệ rừng do BQL rừng phòng hộ sông Tranh gửi cho cơ quan chức năng: từ năm 2006 trở về trước (khi chưa có công trình thủy điện sông Tranh 2) công tác bảo vệ rừng không phức tạp vì người dân sở tại sống tương đối ổn định, đã có đất đai, ruộng vườn..., gần như không có hiện tượng phá rừng làm rẫy và khai thác gỗ trái phép. Hàng năm chỉ xảy ra một vài vụ nhỏ lẻ, không đáng kể. Việc khai thác gỗ cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu làm nhà của người dân. Tuy nhiên, từ năm 2007, khi dự án thủy điện xuất hiện, tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép liên tục gia tăng: năm 2007 xử lý 6 vụ khai thác 7,7m3 gỗ trái phép, 9 hộ dân chặt phá 2,8ha rừng làm rẫy; năm 2008: 9 vụ chặt phá 12,9m3 gỗ xẻ và 3,2m3 gỗ tròn, 17 hộ chặt phá 5,6ha rừng làm rẫy; năm 2009: 17 vụ chặt phá 65m3 gỗ xẻ và 163m3 gỗ tròn trái phép; 32 hộ chặt phá 5,6ha rừng làm rẫy; năm 2010: 35 hộ chặt phá 19,5ha rừng làm rẫy, khai thác 317m3 gỗ trái phép... Đến năm 2015, khi báo chí lên tiếng về những vụ phá rừng quy mô lớn tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương vào cuộc và chấn chỉnh tình hình. Tuy nhiên qua gần 10 năm "thả chuột vào... lọ mỡ", rừng Trà Bui đã bị phá nát.

Ông Nguyễn Dương Thi cho biết thêm, câu chuyện hậu thủy điện đối với người dân nơi đây vẫn còn gây ra những hệ lụy dai dẳng. "Trong số những thôn di dời có nhiều thôn được đưa toàn bộ vào rừng phòng hộ, như thôn 1 với 110 hộ; thôn 5 với 72 hộ; thôn 6 với 49 hộ. Ngoài hệ quả dẫn đến việc phá rừng, đến nay cơ sở hạ tầng các khu TĐC do thủy điện xây dựng đều bị xuống cấp, hư hỏng. Trong số 77 bể chứa nước hiện có đến 55 bể không có nước sử dụng. Một số nhà ở TĐC và các công trình khác như trường học, trạm y tế đã xuống cấp do chất lượng xây dựng không đảm bảo; quỹ đất dự phòng trong các trường hợp tách hộ, tăng dân số, giãn dân chưa được thực hiện; các chương trình chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất... không được chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 thực hiện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 76%, trong đó ở những khu TĐC thủy điện, tỷ lệ hộ nghèo hơn 90%"- ông Thi thông tin thêm.

Từ sai lầm đẩy người dân TĐC vào rừng phòng hộ Sông Tranh, nhiều năm qua, chính quyền Bắc Trà My đã tập trung mọi nguồn lực để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ sang đất sản xuất để người dân hạn chế sự tác động vào rừng tự nhiên. Theo đó, chính quyền đang lập thủ tục hồ sơ để giao 216ha đất sản xuất cho 136 hộ dân TĐC của xã Trà Bui, đồng thời tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các trường hợp đã xác lập được địa vị pháp lý rõ ràng... Tuy nhiên, để cuộc sống người dân nơi đây được đầy đủ, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 cần nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của mình để cùng chung tay, góp sức với chính quyền địa phương đem lại cho người dân cuộc sống ấm no hơn.

BÃO BÌNH

Kỳ tới: Chạy đua với... sạt lở