Nỗi niềm nhà báo “đi xin” kết quả điểm thi!
2 năm rồi tôi chuyển vị trí công tác, không còn làm phóng viên nữa. Cũng từ đó, mỗi lần đến mùa thi lòng chợt thấy chộn rộn khi trên group nhóm phóng viên phụ trách giáo dục nhắn tin rủ nhau đi làm thi. Nhớ, mỗi lần gặp tại các điểm thi, cánh phóng viên lại tếu táo chọc nhau: “Chị em mình đi thi mãi mà chẳng đậu hè? Nhất là chị, già đầu rồi mà năm nào cũng đi… thi, không ớn sao?”.
28 năm gắn bó nghề báo thì có ngót nghét trên 25 năm tôi miệt màivới những mùa thi. Biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng có lẽ, đáng nhớ nhất là lần “đi xin” kết quả điểm thi vào các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng đăng lên Báo điện tử theo yêu cầu lãnh đạo.
Cùng tôi sang đặt vấn đề với Ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng là em đồng nghiệp Báo GD&TĐ. Người phụ trách Ban Đào tạo lúc đó là một thầy từ Trường Đại học Bách khoa về, chúng tôi chưa biết mặt. Chúng tôi gõ cửa phòng. “Mời vào”. Đẩy cửa bước vào, hai chị em nhìn thấy thầy đang dán mắt làm việc trên máy tính. Không nhìn chúng tôi, thầy cất giọng lạnh lùng: “Có việc gì không? Tôi đang bận chút việc”. “Dạ! Chúng em là P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Báo GD&TĐ sang hỏi thầy thông tin điểm thi ạ?”. “À! Chưa chấm xong nhé!”. Trả lời xong, thầy cắm cúi làm việc, như thể chị em tôi là người vô hình. Nuốt cục “tự ái” vào lòng, hai chị em chào ra về. Quyết không nản lòng, ngày nào hai chị em cũng sang gõ cửa phòng thầy để rồi nhận lại sự lãnh đạm như buổi đầu tiên. Một hôm sang thì được biết thầy chuyển sang phòng máy điều hành việc nhập điểm thi, chúng tôi liền tức tốc tìm đến đó. Dù ngoài cửa ghi “không phận sự miễn vào”, hai chị em cứ đánh liều gõ cửa. Một người trẻ ra mở cửa, hỏi: “Hai chị cần gặp ai ạ?”. Vừa nghe giọng chúng tôi, tiếng thầy từ bên trong cất lên: “Chưa có điểm nhé”. Lì lợm, chúng tôi vẫn bước vào phòng. Không cáu cũng không thèm “chộ” xem 2 nữ phóng viên lì lợm đó là ai, vẫn ngữ điệu lạnh lùng: “Không thấy phía ngoài cửa ghi gì à?”. Hai chị em đáp: “Tụi em cũng đi làm thi mà thầy. Không có điểm thi về bị sếp la, thầy ơi!”. Cứ tưởng sẽ nghe câu: “Đó là việc của các cô...”, nhưng lần này thì không, chỉ có tiếng gõ lóc cóc từ bàn phím máy tính. Nhìn bao quát phòng máy, chúng tôi thấy có 4 -5 người rất trẻ đang làm việc trên máy tính. Trông họ có vẻ rất “rét” thầy. Nhìn chiếc bàn rộng với ly tách trà, ghim, kẹp tài liệu, bút, giấy... để bừa bộn, tôi nháy mắt em đồng nghiệp rồi cả hai nhanh tay đem khay ly tách tới chỗ có bình nước lọc tráng sạch, úp lại gọn ghẽ.
Lần này, chúng tôi thành công.Thầy ngẩng mặt lên nhìn, giọng cáu cẩn: “Để nguyên đó cho tôi!”. Tôi làu bàu: “Bàn bừa bộn, tụi em chỉ xếp lại cho ngăn nắp, gọn gàng chớ có vứt bỏ hoặc lấy cái gì đâu...”. “Tôi không khiến. Bàn làm việc của tôi để thế nào thì để nguyên đấy cho tôi”. Mặc thầy nói, hai chị em cứ “bơ”, tiếp tục lau chùi, dọn dẹp xong thì chào cả phòng ra về, không quên dặn: “Có điểm thầy nhớ ới tụi em với nghe”. Cứ thế, ngày nào chúng tôi cũng sang căn phòng “không phận sự miễn vào” đó làm những công việc mà thầy bảo “không khiến”. Cho đến một lần, do bận đi lấy tin không kịp ăn sáng nên khi sang đây thì em đồng nghiệp đói lả. Biết tính “háu đói” của cô em, tôi đánh liều hỏi một câu “vô duyên”: “Thầy có bánh gì ăn không ạ? Sáng nay vội đi làm tin thời sự, bé này chưa kịp ăn sáng. Nó mà không ăn là người xụi lơ, toát mồ hôi lạnh”. Lần này, không chỉ có các nhân viên mà cả thầy cũng ngẩng lên, giọng nói rất chi... áy náy: “Tôi không có bánh gì cả!!!”. “Rứa tụi em ra ngoài tìm cái gì ăn, có điểm thầy gọi vô liền nghe”. Tuy nhiên, quanh đó chẳng có quán ăn, hai chị em đành mua một gói bánh xách vào... Và thật bất ngờ, ngồi chờ đến 11 giờ 30 phút trưa thì thầy nói (câu nói hai chị em mong đợi nhất hơn mười mấy ngày qua): “Giờ chưa có điểm đâu. Đầu giờ chiều sang lại đây, mang theo USB chưa sử dụng nhé. Còn giờ thì về ăn cơm, nghỉ trưa đi”. Bước ra khỏi phòng, hai chị em đi như chân sáo, chỉ chực hét toáng “thành công rồi!”.
Sau này, GS.TSKH Bùi Văn Ganguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng - cứ thắc mắc hỏi hai chị em làm thế nào mà “chinh phục” được thầy ấy. Hai chị em mới kể lại sự tình rồi ấm ức nói: “Người khác thì dùng “mỹ nhân kế”, còn hai chị em thì dùng “khổ nhục kế”..., khiến hai thầy cười vang...
Kể từ dạo đó, vào mùa thi, mỗi khi chúng tôi xuất hiện ở cửa phòng, bao giờ thầy cũng hỏi: “Uống gì” để gọi quán ship vào. Các em làm phòng máy trêu: “Nhờ có các chị mà chúng em được thầy khao nước cam, chớ từ trước giờ toàn cà-phê, trà, nước khoáng thôi. Thầy trả lời gọn lỏn: “Các chú là con trai...”. Cũng lạ, bị thầy “làm khó” đến vậy, nhưng sau này chúng tôi quý trọng, xem thầy như người thầy đáng kính của mình...
Giờ chuyển sang làm biên tập viên đúng mảng mình từng phụ trách nên tôi thường xuyên theo dõi các vấn đề liên quan đến giáo dục. Chợt vui vui khi các em đồng nghiệp vẫn chưa quên “bà chị già”, í ới rủ rê tôi ghé đến các điểm thi “tám” để đỡ nhớ nghề. Càng xúc động hơn khi từ Huế, cô giáo từng hướng dẫn Luận Văn bất ngờ gửi tấm hình tôi đang tác nghiệp trong mùa thi đặc biệt nhất trong lịch sử thi: thi khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành. “Có phải em đây không?”. Chợt thốt lên: “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?”, thấy lòng ấm hẳn!
PHAN THỦY