Nơi yên nghỉ của vua Hàm Nghi bây giờ ra sao?
Nằm trong kế hoạch thực hiện tập sách “Hàm Nghi: Hồi ức con đường El Biar” (bao gồm tài liệu phong phú về vua Hàm Nghi và hoạt động nghệ thuật), mới đây, bác sĩ Gérard Chapuis -một nhà sưu tập người Pháp gốc Việt rất nổi tiếng với những hoạt động đóng góp khảo cứu, sưu tập các di sản văn hóa Việt Nam vừa có chuyến thăm lăng mộ vua Hàm Nghi để bổ sung những điều cần thiết cho tập sách nói trên.
Bác sĩ Gérard Chapuis bên khu lăng mộ vua Hàm Nghi. |
Sau những năm tháng bị lưu đày, vua Hàm Nghi tạ thế vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 và được an táng ngay trong khuôn viên biệt thự Gia Long trên đồi làng El Biar nhìn ra vịnh Alger. Năm 1962, nước Algérie giành được độc lập, Chính phủ Pháp buộc lòng phải di chuyển kiều dân Pháp cùng toàn bộ tài sản, mồ mả của người Pháp về Pháp. Gia đình vua Hàm Nghi cũng thuộc diện kiều dân Pháp nên vào năm 1965, chuyển qua sinh sống tại lâu đài De Losse bên bờ sông Vézère thuộc làng Thonac tỉnh Dordogne (phía tây miền Trung nước Pháp, sát với biên giới phía tây nam tỉnh Corrèze), do Công chúa Như Mai tạo lập từ nhiều thập niên trước. Lăng mộ vua Hàm Nghi và bà quản gia Delorme cũng được cải táng qua nghĩa trang do Công chúa Như Mai tạo lập riêng cho gia đình bà tại Thonac.
Trong suốt thời gian dài, đã có không ít tài liệu phản ánh các chuyến viếng thăm nơi yên nghỉ của vua Hàm Nghi. Tuy nhiên, theo Gérard Chapuis, sẽ là quá thiếu sót khi ông chuẩn bị ấn hành tập sách chuyên đề Hàm Nghi mà chưa được vinh hạnh viếng mộ cựu hoàng. Điều này không thể chậm trễ hơn. Vậy là từ 8 giờ 30, ngày chủ nhật 18-8-2019, Gérard Chapuis bắt đầu chuyến đi. Để từ Marseille (nơi Gérard Chapuis cư trú) đến Thonac, cách trở địa lý phải đi hơn 6 giờ cho 609 km, nên ông quyết định cuộc hành trình từ làng Le Bousquet đến Thonac, gần hơn, 230km (2 giờ 30 phút).
Thonac là một xã ở tỉnh Dordogne thuộc vùng Aquitaine. Số dân cư làng Thonac năm 1931 là 281 người. Dân cư năm 2013 là 267 người. Suốt chặng đường đi, Gérard Chapuis vẫn luôn băn khoăn: Vì sao cựu hoàng Hàm Nghi và cô con gái quyết định mua lâu đài Losse đầu tư khởi đầu sự nghiệp ở nơi hẻo lánh? Khi quyết định mua, họ đã có thông tin về luật ngày 2 tháng 5 năm 1930? Một đạo luật của Pháp, dưới sự thúc đẩy của Touring club, câu lạc bộ du lịch Pháp, được tạo ra vào năm 1890 bởi một nhóm người du lịch thể thao xe đạp/Cyclotourisme với mục tiêu phát triển du lịch, được ban hành để tổ chức lại việc bảo vệ các di tích thiên nhiên và các địa điểm mang tính nghệ thuật, lịch sử, khoa học, huyền thoại hoặc hùng vĩ.
Gérard Chapuis cho rằng, khi độc giả đã cầm trong tay quyển Ông vua bị đày (Le Roi Proscrit) của Marcel GAULTIER viết năm 1940 thì mới thấu hiểu về cách sống trầm tư của Hàm Nghi khi ông bị lưu đày ở Alger; hiểu được tại sao Hàm Nghi bị quyến rũ bởi dòng sông Vézère chảy dưới chân lâu đài Losse. Và một lần nữa, vô tình hay hữu ý, trên trán tường cổng vào lâu đài Losse có ghi lời trích dẫn từ Montaigne, đại văn hào pháp thế kỷ XIV: Le destin fait ce que veut/ L'homme fait ce que peut (Cuộc đời con người chỉ là con rối/ Trong vòng tay định mệnh). Đây có phải chăng là câu nhắn gián tiếp từ cựu hoàng Hàm Nghi sau 41 năm tha hương, mà trong hàng chục lâu đài đã viếng, ông chủ đích chỉ muốn mua lâu đài này khi chợt nhớ lại cuộc bôn ba thuở niên thiếu?
Từ cuối thế kỷ XIX và có thể trước đó, vùng Périgord (tên cũ của tỉnh Dordogne) đã giàu truyền thống về ngành công nghiệp bảo tồn thực phẩm đẳng cấp. Rất gần với mẹ thiên nhiên, vùng này là vùng của quả óc chó, hạt dẻ, ngỗng, có họp chợ để bán đặc sản của vùng này và là vùng đã sản sinh những nghề như nuôi ngỗng, nghề nhồi cho ngỗng ăn, nghề bán hạt và bột thức ăn nuôi gia súc. Giới thượng lưu thời ấy có xu hướng mua lâu đài ở vùng Dordogne, điểm đến trứ danh cho du lịch hay du lịch thể thao xe đạp, mà truyền thuyết cho rằng thiên nhiên ở đây đẹp “như tranh vẽ”. Có lẽ gia đình Hàm Nghi dự đoán chính xác, hai năm sau khi trở thành chủ sở hữu, chính lâu đài Losse cũng được công nhận “Di tích lịch sử” vào ngày 5 tháng 8 năm 1932.
Miêu tả về khu mộ của gia đình cựu hoàng, Gérard Chapuis nói: “Rong rêu đã phủ kín các tên được khắc ghi trên mộ phần cựu hoàng Hàm Nghi; chuyện dễ hiểu khi đạo công giáo ở phương Tây chỉ tảo mộ một năm một lần vào ngày lễ các thánh nam nữ (1-11). Không có cớ để trách hậu duệ. Tôi phải đưa tay sờ chữ mới đọc được! Có nhiều chứng cứ cho thấy sự quan tâm đến từ cộng đồng người Việt (nào là bó hoa, chậu hoa chưa kể nhang đèn). Nấm mộ không có vẻ như cô lạnh, nhưng vẫn cô liêu vì xa nơi chôn nhau cắt rốn...”.
Trả lời câu hỏi: “So với các tài liệu những chuyến viếng thăm trước kia (cho đến năm 2002) của Mathilde Tuyết Trần và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khu lăng mộ có sự thay đổi hay sửa chữa nào đáng chú ý không?” Ông Gérard Chapuis cho biết: “Đến hiện nay, lăng mộ của vua Hàm Nghi không được sửa sang gì khác hơn so với thông tin các phản ảnh trước kia. Cảnh quan chung quanh lăng mộ vua Hàm Nghi đến nay cũng không có gì khác. Những ngôi mộ lân cận vẫn được chăm sóc sạch sẽ, khang trang, vì đó là luật, nếu không hậu duệ bị tước quyền và bị tịch thu phần mộ đó cho người khác”.
Về câu hỏi: “Trước kia, có thời gian rộ lên mộ phần của vua Hàm Nghi sẽ được chuyển về Huế, còn đến nay thì sao?”, Gérard Chapuis nói rằng, mới đây hồi tháng 6-2019, ông có gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trò chuyện nhưng không có tin tức nào mới về việc này. Ông bày tỏ: “Uớc mong lòng người đổi thay tích cực, ý trời đưa đường dẫn lối cho cựu hoàng trở về quê cha đất tổ. Chỉ cần đời đời "Ta về ta tắm ao ta" và nụ cười đầu tiên có thể là duy nhất đầy mãn nguyện, mà những thử thách và đau khổ thầm lặng đã xóa từ thuở lên 15, sẽ hiện trên ngự mạo ở chốn hoàng tuyền rợp đầy hoa bỉ ngạn...”.
TRẦN TRUNG SÁNG
Lăng mộ vua Hàm Nghi hết sức đơn sơ, gồm hai khối bê-tông chồng lên nhau. Khối lớn khoảng 4m x 6m, cao 0,6m, chưa kể phần móng chôn sâu dưới đất; khối nhỏ chiều ngang bằng một phần ba khối lớn chồng trên khối lớn ở vị trí trung tâm. Trên mặt bê-tông của khối lớn còn thừa ở bên trái (từ ngoài nhìn vào) gắn tấm bia mang từ Alger sang với dòng chữ: “S.M.Ham Nghi.Hue 1871-Alger 1944. Enpereur d Annam” (Vua Hàm Nghi. Huế 1871-Alger 1944. Hoàng đế nước An Nam). Phần bê-tông bên phải có một tấm đá dùng làm nắp che cho cửa huyệt mộ lăng. Trong huyệt mộ này đã táng 5 người, gồm vua Hàm Nghi; Hoàng phi Marcelle Laloe, 1884-1974 vợ chính thức của vua Hàm Nghi; Nhu May, Princesse dAnnum, 1905-1999; Minh Duc, Prince dAnnum, 1910-1990; Marie Jeanne Delorme, 1852-1941; |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, năm 1999, lần đầu mới gặp Công chúa Như Lý ở Corrèze, bà cho biết: Thực hiện di chúc của vua Hàm Nghi, khi nào hoàn cảnh thuận lợi người con trai của bà là Philippe sẽ đem hài cốt vua Hàm Nghi và bà Vương phi Laloe về Việt Nam. Trong lá thư bà gởi cho ông Xuân sau đó, bà còn dặn thêm: “Sau này khi tôi đã qua đời, mọi sự liên lạc với gia đình của vua Hàm Nghi ở Pháp đều thông qua người con trai của bà”. Và cần lưu ý: “Ở Pháp ý nguyện của gia đình là quan trọng nhất. Chính quyền chỉ có thể can thiệp khi có sự đồng ý của gia đình”. |