Nóng bỏng tội phạm buôn bán người
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người trên địa bàn miền núi nói chung, tỉnh Đắc Nông nói riêng diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin cũng như hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận người dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng để đưa ra “mồi nhử” như là xuất khẩu lao động, đi bán hàng thu nhập cao, hay giả vờ tán tỉnh lấy vợ rồi đưa sang nước ngoài bán vào các động mại dâm.
Từ năm 2008 đến nay, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Nông đã phát hiện, triệt phá 6 đường dây lừa gạt buôn bán người, bắt giữ nhiều đối tượng đưa ra xử lý trước pháp luật.
Mới đây nhất, sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, quá trình điều tra, Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với với HNinh (37 tuổi) và Nguyễn Thanh Nhàn (47 tuổi, đều trú xã Quảng Sơn, H. Đắc Glong, Đắc Nông) về hành vi mua bán người. Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận: Từ năm 2012 đến đầu tháng 8-2013, HNinh, Nhàn (sống như vợ chồng với HNinh) cùng với Đàm Quang Hoa (quê Nghệ An, hiện đang bỏ trốn) đã đến các xã vùng sâu, vùng xa của H. Đắc GLong dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ cả tin sang Trung Quốc làm việc với mức thu nhập cao, được lấy chồng giàu sang và hưởng cuộc sống sung sướng.
Tin lời các đối tượng, đã có 5 cô gái trú xã Quảng Sơn nhận lời, bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc với giá 30-40 triệu đồng người... Hầu hết các nạn nhân đều có tuổi đời còn trẻ, khoảng 13-17 tuổi, nhận thức về pháp luật còn hạn chế và hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
Trước đó, ngày 20-8, TAND tỉnh Đắc Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đường dây đưa phụ nữ sang Malaysia bán vào các động mại dâm. Các bị cáo Lưu Thị Ngọc Hiền (1971, trú P. Long Thạch Mỹ, Q.9, TPHCM), Bùi Thị Mai Lan (1972, trú P. Nghĩa Thành, TX Gia Nghĩa, Đắc Nông), Farid Bin Abdullah (1970, quốc tịch Malaysia) và As Na Wy (1989, trú xã Tân Hòa, H. Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) bị VKSND tỉnh truy tố về hành vi “Mua bán người” theo điều 119/BLHS.
Nhóm đối tượng buôn người qua Malaysia bị CA tỉnh Đắc Nông bắt, xử lý. |
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Thị Bích Chi (1990, trú xã Lang Minh, H. Xuân Lộc, Đồng Nai) đã xuất cảnh sang Malaysia và sống như vợ chồng với Farid Bin Abdullah. Farid Bin Abdullah bàn với Chi tìm các cô gái Việt Nam trẻ tuổi, có nhan sắc đưa sang Malaysia rồi đẩy vào các quán bar, khách sạn phục vụ massage hoặc bán dâm. Đầu năm 2012, Chi liên lạc với Lưu Thị Ngọc Hiền bàn bạc và thống nhất khi Hiền tìm được các cô gái Việt Nam thì tập trung tại khách sạn, nhà nghỉ ở TPHCM.
Mỗi cô gái đưa được sang Malaysia, Chi trả cho Hiền 1.300 ringgit (tương đương 8,45 triệu đồng) thông qua Nhí. Sau đó, Hiền bàn bạc với As Na Wy (người sống với Hiền như vợ chồng) để cùng thực hiện hành vi phạm tội. Hiền liên lạc với Đặng Thị Thủy Tiên, Bùi Thị Mai Lan và 3 người ở TPHCM, Bình Phước và Gia Lai để nhờ tìm người, Hiền hứa sẽ trả cho người giới thiệu 2 triệu đồng/người.
Sau khi thiết lập đường dây, từ tháng 6-10-2012, các đối tượng đã lừa và bán cho Farid Bin Abdullah 16 người (đã đưa trót lọt 14 người sang Malaysia) với tổng số tiền 19.300 ringgit (125,45 triệu đồng). Đây là những cô gái ở TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông và một số tỉnh khác. Ngày 29-10, trong lúc Hiền và As Na Wy đang làm thủ tục xuất cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất để đưa 2 nạn nhân trú TX Gia Nghĩa sang Malaysia bán cho các đối tượng thì bị CA tỉnh Đắc Nông phối hợp với Cục CSHS Bộ CA bắt quả tang, giải cứu 2 nạn nhân.
Căn cứ vào tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo, TAND tỉnh Đắc Nông đã tuyên phạt Farid Bin Abdullah 16 năm tù, Lưu Thị Ngọc Hiền 15 năm tù, As Na Wy 14 năm tù và Bùi Thị Mai Lan 6 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo bị truy thu 79,45 triệu đồng do phạm tội mà có, tịch thu 4.000 ringgit thu giữ trên người As Na Wy khi bị bắt quả tang phạm tội.
Hiện bị can Nguyễn Thị Bích Chi đang bị Cảnh sát Malaysia bắt giữ về hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại, Cơ quan CSĐT đã làm thủ tục dẫn độ về nước. Các bị can Đặng Thị Thủy Tiên, Lê Văn Nhí, sau khi CQĐT khởi tố vụ án đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Sau khi bắt được các bị can này và hoàn tất các thủ tục tố tụng, hồ sơ vụ án sẽ tiếp tục được xử lý.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắc Nông đã có 25 nạn nhân, trong đó có 22 phụ nữ và 3 trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm, đến nay các cơ quan chức năng đã giải cứu được 9 nạn nhân. Cũng trong thời gian đó, cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Nông đã tiến hành khởi tố 7 vụ án với 15 bị can liên quan đến hành vi mua bán người.
Theo thượng tá Bùi Văn Khẩu - Phó trưởng Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Đắc Nông thì thủ đoạn của các đối tượng không có gì mới nhưng đã đánh lừa được không ít cô gái nhẹ dạ cả tin ở những vùng sâu, vùng xa. Đó là các đối tượng lợi dụng sự khó khăn về việc làm cũng như sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân, nhất là các cô gái trẻ để rủ rê đi ra các tỉnh phía Bắc bán hàng lương cao.
Sau đó chúng đưa các nạn nhân bán cho các đối tượng bên kia biên giới. Không những thế, các đối tượng còn đến các xã vùng sâu, vùng xa lừa gạt người dân đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông Nam Á rồi đưa sang Malaysia bán vào các động mại dâm. Đặc biệt, một số đối tượng đến những nơi “thâm sơn cùng cốc” làm quen với các cô gái trẻ, có ngoại hình khá rồi tán tỉnh vờ yêu đương, thậm chí lấy làm vợ rồi rủ đi du lịch, tham quan đưa qua biên giới bán vào các động mại dâm.
Nguyễn Thanh Nhàn và HNinh tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắc Nông. |
Cũng theo Thượng tá Bùi Văn Khẩu, khó khăn lớn nhất đối với việc phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây buôn bán người là do địa bàn tỉnh Đắc Nông rộng, lại cách trở đường sá, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt. Các nạn nhân hầu hết bị bán ra nước ngoài nên thông tin phục vụ cho quá trình điều tra, giải cứu cũng hết sức khó khăn.
Để đấu tranh ngăn chặn với các loại tội phạm buôn bán người, đòi hỏi các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giáo dục trình độ nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là thủ đoạn của bọn buôn người, cũng như nâng cao cảnh giác, không nhẹ dạ mắc lừa khi đối tượng “vẽ” ra cuộc sống sung sướng, thu nhập cao ở bên kia biên giới.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi này. Bên cạnh đó, người dân cần nêu cao cảnh giác, khi tham gia lao động ở nước ngoài phải thông qua các ngành chức năng và chính quyền sở tại, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu tham gia lao động bất hợp pháp ở nước ngoài để chuốc lấy những hậu quả đau lòng.
Hồng Long