“Nóng” chuyện sáp nhập ngân hàng
(Cadn.com.vn) - Bảy tháng là thời gian còn lại để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn tất lộ trình Đề án 254 (tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015). Dường như các nhà băng trong diện sáp nhập đang hối hả tính chuyện “hôn nhân”, hình thành nên những ngân hàng (NH) lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trước áp lực lấn chiếm thị phần ngày càng tăng của các NH nước ngoài.
Sacombank và SouthernBank đã được Cục Thanh tra giám sát NHNN |
Bến bờ nào cho các ngân hàng nhỏ ?
Trong vòng loại đầu tiên từ cuối tháng 11-2011 đến tháng 9-2013, 9 nhà băng được tái cấu trúc sau khi chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) được Chính phủ phê duyệt đã chính thức khởi động. Đó là SCB, Ficombank, TinNghiaBank, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank. Sau 2 năm tái cơ cấu, 5 thương hiệu Ficombank, TinNghiaBank, Habubank, Western Bank và TrustBank trong 9 NH nói trên đã không còn trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra, vào tháng 11-2013, thị trường còn chứng kiến một thương vụ hợp nhất tự nguyện giữa DaiABank và HDBank để trở thành một thương hiệu duy nhất HDBank với mục đích nâng cao chất lượng hoạt động.
Bẵng đi một thời gian dài gần 2 năm sau đó, trước sức ép của năm cuối cùng tiến trình tái cấu trúc giai đoạn 1 (2011-2015), một lần nữa, câu chuyện sáp nhập ngân hàng lại “nóng” lên với những cuộc “hôn nhân” diễn ra dồn dập. Thương vụ NH TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) sắp kết thúc. Theo lộ trình, ngày 25-5-2015 tới đây, BIDV và MHB sẽ ký biên bản bàn giao sáp nhập, chính thức “xóa sổ” thương hiệu MHB. Đối với PGBank, lãnh đạo của Vietinbank đã trình cổ đông Đề án sáp nhập NH TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Vietinbank. Được biết, hợp đồng sáp nhập PGBank vào VietinBank đã hoàn thành, dự kiến trong tháng 6-2015, NHNN sẽ chấp thuận về nguyên tắc.
Trước đó, đầu tháng 4-2015, Thống đốc NHNN đã cho phép NH TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào NH Hàng Hải (Maritime Bank). Kế hoạch sáp nhập này đã được các cổ đông của Maritime Bank và MDB thông qua trong năm 2014. Tiếp theo, 2 NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và NH TMCP Phương Nam (SouthernBank) đã được Cục Thanh tra giám sát NHNN thông qua, dự kiến hoàn tất sáp nhập trong tháng 6-2015. 2 NH Đại Dương (OceanBank) và NH Xây dựng cũng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng, “bơm” thêm vốn, giao cho các “ông lớn” là NH TMCP Công thương VN (VietinBank), NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) tham gia quản trị điều hành.
Sáp nhập là xu thế tất yếu
Xu hướng mua bán, sáp nhập và hợp nhất được các NH công bố trong bối cảnh hiện nay là phù hợp với chủ trương của Chính phủ đưa ra trước đó về tái cấu trúc các TCTD. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội), đến thời điểm này, Đề án 254 đang được NHNN thực hiện bài bản nhất, đúng định hướng, theo lộ trình đề ra trong quá trình tái cơ cấu.
Sáp nhập là xu thế tất yếu, nhằm giúp các NH Việt Nam vững vàng trong “sân chơi lớn”, giành thế chủ động trước khi hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ, dịch vụ NH mở cửa hoàn toàn theo các cam kết quốc tế. Trước hết, sáp nhập sẽ giúp các NH tiếp tục tăng cường vốn điều lệ, một trong những chỉ tiêu cơ bản để chứng minh sức mạnh tài chính, căn cứ để tính toán các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động NH. Tuy nhiên, đến nay, vốn điều lệ của các NH Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với các NH trong khu vực và trên thế giới. Đây là một bất lợi lớn đối với các NH trong nước khi hội nhập, đòi hỏi các NH phải có những giải pháp phù hợp để tăng cường năng lực tài chính trước khi bước vào “sân chơi lớn”. Thứ hai, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiến tới ký kết một loạt các Hiệp định thương mại với các nước trên thế giới, yêu cầu đặt ra cho các NH Việt Nam là phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị hoạt động, quản trị rủi ro. Để làm được điều này, các NH phải tăng cường hợp tác, sáp nhập, hợp nhất, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động, tăng khả năng tích lũy, tích tụ để trở nên mạnh mẽ, chiếm được thị phần lớn trước xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế.
Vấn đề được đặt ra, trong quá trình sáp nhập, NH phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, cổ đông và các bên liên quan. Mô hình NH mới phải hoạt động tốt, hiệu quả hơn so với trước khi tái cơ cấu. Bà Nguyễn Thị Hồng (Phó Thống đốc NHNN) nhấn mạnh, quan điểm của NHNN là đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước, tránh đổ vỡ hệ thống. NHNN sẽ theo dõi sát sao diễn biến từng TCTD cũng như toàn hệ thống để có giải pháp phù hợp, cần thiết và hỗ trợ về thanh khoản kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
Thời gian không còn nhiều trước khi kết thúc giai đoạn 1 tái cơ cấu vào cuối năm 2015. Do vậy, với các phương án được chuẩn bị cẩn trọng từ trước, NHNN đang tăng tốc, khẩn trương sáp nhập các NH theo đúng lộ trình, tạo tiền đề cho các TCTD tiếp tục tái cơ cấu giai đoạn 2 (2016 – 2020).
Văn Khoa