Nông dân "làm theo" Bác
(Cadn.com.vn) - "Cán bộ là gốc của phong trào, cán bộ nào, phong trào nấy", câu nói này rất xác thực với nhiều địa phương trên địa bàn H. Hòa Vang (Đà Nẵng) qua 3 năm triển khai Chỉ thị 03 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nếu trước năm 2011, nhiều địa phương còn thụ động, vai trò chủ thể của người dân còn khá mờ nhạt trong xây dựng NTM thì 3 năm sau, bộ mặt nông thôn Hòa Vang đã có nhiều khởi sắc. Những gam màu sáng từ những con đường bê-tông trải dọc ngõ xóm, vươn ra những cánh đồng; mô hình sản xuất đang dần xuất hiện và nhân rộng, tạo thêm nhiều nét tươi tắn, đầy sức sống ở vùng nông thôn ngoại thành này. Kết quả là toàn huyện đã huy động nội lực trong nhân dân với tổng giá trị đóng góp gần 390 tỷ đồng; hiến tặng gần 38.000m2 đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, mở đường GTNT. Từ những kết quả này đã tạo điều kiện cho 2 xã Hòa Tiến và Hòa Châu cán đích xã NTM vào cuối năm 2013, các địa phương khác đều tăng dần số tiêu chí hoàn thành mỗi năm.
Ông Dương Tấn Đạt, Bí thư Đảng bộ xã Hòa Phong cho biết, sự chuyển biến đó thể hiện tính hiệu quả từ việc "làm theo" phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác, nhất là nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động và tiên phong làm trước để mọi người dân đồng tình hưởng ứng theo. Nếu không sâu sát nhân dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân, nếu cán bộ, đảng viên không gương mẫu chấp hành trước thì sẽ khó lòng vận động, thuyết phục người dân đồng tình với chủ trương hiến đất mở đường, xây dựng NTM.
Nông dân Hòa Vang hiến đất làm đường bê-tông. |
Có thể nói, thấm nhuần tấm gương về phong cách của Bác, nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp ủy, chính quyền 11 xã của huyện đã vận dụng sát thực với tình hình thực tế ở địa phương, từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mọi người dân. Tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), việc hiến đất mở đường không chỉ dừng lại hành động hiến một phần diện tích đất vườn để mở rộng mặt đường mà qua công tác tuyên truyền các chuyên đề về học tập và làm theo Bác, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã vốn tôn kính Bác, nay càng thể hiện tấm lòng của người Cơ Tu "ơn Đảng, ơn cụ Hồ"... Ở một góc độ nào đó thì đây cũng chính là suy nghĩ của ông Dương Phú Học (thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên), là địa phương nằm trong vùng di dời, giải tỏa, nhiều người dân không có việc làm. "Làm gì để ổn định cuộc sống sau tái định cư?"... Từ nỗi lo này, ông Học đã vận động 9 gia đình trong thôn thành lập HTX Vận tải-kinh doanh tổng hợp Hòa Liên. Từ khi thành lập, các đầu xe tải của HTX hoạt động thường xuyên, đạt từ 80-90% công suất, hiệu quả tăng gần 50% so với trước đây.
Cũng "làm theo" Bác về phong cách quần chúng, dân chủ và nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên Chi bộ thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) đã thành công bước đầu trong việc vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa trên diện tích 6,5ha. Đây là cánh đồng bắp tập trung vừa thu hoạch xong, người dân đang làm thủ tục nhận tiền từ đơn vị bao tiêu sản phẩm. Với doanh thu từ 2-4 triệu đồng/sào bắp, cao hơn khá nhiều so với trồng lúa làm nhiều hộ dân trong thôn rất phấn khởi. Theo ông Trần Văn Giáo, Bí thư Chi bộ thôn Phú Sơn Nam, nếu cán bộ, đảng viên của xã và thôn không quyết tâm, kiên trì vận động người dân hưởng ứng đề án "Dồn điền đổi thửa"; đồng thời không gương mẫu tiên phong thực hiện thì cây lúa vẫn còn độc canh tại cánh đồng này.
Mặc dù ai cũng hiểu, dồn điền đổi thửa nhằm góp phần từng bước khắc phục tình trạng đất đai manh mún, quy hoạch lại đồng ruộng, hình thành các ô thửa lớn, có hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng thuận lợi để áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập của người nông dân... nhưng khi đưa vào áp dụng lại là chuyện khác. Vì vậy, ngoài thường xuyên họp dân tuyên truyền, giải thích, thì cán bộ, đảng viên của thôn phải luôn được dân tin thì các chủ trương khi đi vào thực tế sẽ dễ triển khai hơn.
"Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn" đã từ lâu không còn là một câu thơ, mà đó thật sự là mạch nguồn cảm xúc cho mỗi người dân nước Việt khi nghĩ về Người. Dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh, tâm hồn, niềm tin, tình yêu thương của toàn dân tộc dành cho Bác không những vẫn vẹn nguyên mà ngày càng đậm đà, sâu sắc hơn. Có lẽ đó là tượng đài lớn nhất, trường tồn nhất mà dân tộc ta đã xây dựng cho Người! Sự tôn kính ấy được cụ thể hóa qua những chương trình hành động, thiết thực nhất làm thăng hoa, lan tỏa khắp cả vùng quê Hòa Vang, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người nông dân.
An Dương