Nông dân mới của nông thôn mới

Thứ hai, 08/08/2022 14:30
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân H.Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có sự thay đổi lớn. Nổi bật là mô hình nuôi cá nước ngọt ở các xã Hòa Khương, Hòa Phong với diện tích mặt nước hơn 150ha được chuyển đổi từ những vùng đất bạc màu, trồng cây kém hiệu quả...
Mô hình nuôi cá nước ngọt đã mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân xã Hòa Khương.
Mô hình nuôi cá nước ngọt đã mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân xã Hòa Khương.

Ở xã Hòa Khương, 336 hộ nuôi cá dàn trải trên 10 thôn với tổng diện tích mặt nước 62ha. Nơi đây có hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ, đập Ba-ra An Trạch đi qua nên rất thuận lợi cho công tác nuôi trồng. Năm 2013, nông dân nuôi cá tại xã cũng thành lập Tổ sản xuất, hợp tác tiêu thụ cá nước ngọt nhằm tập trung những hộ dân nuôi cá, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Liễu (thôn Phú Sơn), trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng ông xoay xở đủ kiểu nhưng cuộc sống vẫn cứ bấp bênh. Với bản tính chịu khó học hỏi, từ năm 2012, gia đình ông chuyển sang mô hình nuôi cá nước ngọt vì thấy thích hợp với điều kiện gia đình như diện tích ao nuôi nhỏ, ít vốn, dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, nuôi cá nước ngọt khá đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp; ngày cho ăn 1-2 lần nên không mất nhiều thời gian...

Còn ở các thôn Khương Mỹ, Nam Thành (xã Hòa Phong), do có nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân lại không mấy “mặn mà” bởi công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước gần 20 ha là hướng đi mới cần thiết ở địa phương. “Những nơi không bị nước lũ tràn qua thì có thể nuôi 2 vụ/năm. Trung bình 1 ao nuôi có diện tích 1.500m2 thì mỗi vụ xuất bán gần 1 tấn cá trắng các loại như: trắm cỏ, mè, chim, diêu hồng, thát lát… với giá từ 47 - 52 triệu đồng/tấn. Cũng nhờ nuôi cá nước ngọt mà đời sống của nhiều hộ dân khá giả hẳn lên, có tiền xây nhà mới, sắm sửa vật dụng gia đình và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. So với trồng lúa thì việc nuôi cá nước ngọt nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều”- ông Trần Mãng (thôn Nam Thành) chia sẻ.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP còn xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” cho nhiều hộ dân để từng bước giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, hỗ trợ kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt đã rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí cho biết, thời gian đến, địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình đột phá phù hợp với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Trong đó, người nông dân phải có ý chí vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội, là hiện thân của những nông dân có quyết tâm đổi mới tư duy trong chăn nuôi, sản xuất; sẵn sàng đóng góp công sức, sáng tạo vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững. Và trên hơn hết là tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với hình mẫu nông dân mới của nông thôn mới, đáp ứng tốt cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vy Hậu