Hậu vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2:

Nông dân vẫn điêu đứng

Thứ tư, 21/08/2013 09:19

(Cadn.com.vn) - Hơn 2 tháng sau vụ đập thủy điện Ia Krel 2 (tại xã Ia Dom, H. Đức Cơ, Gia Lai) bị vỡ, gây thiệt hại hơn trăm héc-ta cây trồng cùng nhiều tài sản khác của người dân nhưng đến nay chủ đầu tư chưa đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Thực trạng trên đã đẩy hàng chục hộ dân lâm vào cảnh thiếu đói, cả trăm hộ dân khác cũng điêu đứng khi vụ mùa đã bị "lũ" thủy điện "xóa" sạch.

Hậu "lũ": Sắn xanh cây, thối củ

Giữa tháng 8-2013, chúng tôi trở lại xã Ia Dom và ghi nhận khung cảnh nơi đây không khác nhiều so với thời điểm ngay sau đập thủy điện Ia Krel 2 (do Cty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long-Gia Lai- Cty CP CN&TĐ BL-GL) làm chủ đầu tư bị vỡ (Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh). Hàng trăm nghìn mét khối đất đá do "lũ" thủy điện cuốn theo vẫn còn nguyên trên vườn nhà, ruộng rẫy của người dân.

Theo đánh giá của UBND H. Đức Cơ, vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 đã gây thiệt hại hơn 135ha cây trồng (104ha sắn, 16ha lúa, 7,7ha điều) của 143 hộ dân, ngoài ra nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi hoặc hư hại. Hơn 2 tháng qua, 143 hộ thuộc 7 làng: Mook Đen 1, Mook Trêl, Mook Trang, Ó, Bi, Ia Mút và Mook Đen 2 vẫn đang chờ nhận số tiền đền bù thiệt hại hoa màu, tài sản của mình từ chủ dự án thủy điện trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một đồng nào.

Ông Rơ Châm Kin bên rẫy sắn của gia đình đã bị thối rễ sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2.

Dẫn chúng tôi ra rẫy sắn của gia đình, ông Rơ Châm Kin (54 tuổi, làng Mook Đen 1) cho biết, nhà ông có hơn 2ha sắn và lúa nhưng vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình ông. "Sáng nớ, nước đổ về ầm ầm, chúng tôi lo kéo nhau chạy tránh lũ hết, đến khi nước rút mới thấy rẫy sắn bị lấp gần nửa mét đất, đá"- ông Kin kể lại. Bước vào rẫy sắn dù lá đang xanh mướt nhưng khi ông Kin nhổ lên thì những cây sắn chỉ còn vài cọng rễ, "rứa là sắn thối hết rễ rồi, không cho củ được đâu", ông Kin vừa nói vừa lắc đầu.

Thiệt hại nặng nề nhất tại làng Mook Đen 1 là các hộ ông Siu Nhíp và ông Nguyễn Quốc Hải khi gần như toàn bộ rẫy sắn với 3,5ha của mỗi nhà cùng nhiều diện tích cây hoa màu khác đều bị thối rễ. Theo tính toán của các hộ này, nếu không bị thiệt hại chỉ vài tháng nữa thì 1ha sắn khi thu hoạch với thời giá sẽ được từ 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay kể như trắng tay hoàn toàn, cuộc sống gần như bị đảo lộn bởi toàn bộ số tiền của họ đều đã đầu tư vào đây. Vậy mà đến nay số tiền đền bù từ phía Cty CP CN&TĐ BL-GL vẫn chưa đến tay họ, giờ đây nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu đói, khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (giữa) nói: "Giá đền bù cho người dân là cao".

"Tuy rẫy sắn không thu hoạch đem lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng phải bỏ công ra chăm sóc nếu không năm sau cỏ dại mọc kín càng vất vả hơn nữa. Tiền đền bù chưa có nên gia đình tôi phải mang "sổ đỏ" đi cầm cố vay tiền để xoay xở trước mắt đã"- ông Kin nghẹn ngào kể.

Chủ đầu tư "cò kè" tiền đền bù

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đình Kỳ- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Dom cho biết: Dù đã hơn 2 tháng qua nhưng 143 hộ dân (trong đó có 105 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số) vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ phía Cty CN&TĐ BL-GL khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Do đó, xã đã hỗ trợ cho 21 hộ có nguy cơ thiếu đói với 10kg gạo/khẩu. Đồng thời, Thường trực Đảng ủy xã cũng đã đề nghị phía Cty hỗ trợ cho 100 hộ nghèo bị thiệt hại nhằm cứu đói cho người dân. Ngày 26-7, UBND H. Đức Cơ đã có buổi làm việc với Cty CN&TĐ BL-GL và đại diện chính quyền xã Ia Dom nhằm thông qua phương án bồi thường và từ đó huyện đã có văn bản yêu cầu phía Cty bồi thường thiệt hại cho các hộ dân của xã Ia Dom bị ảnh hưởng (kèm theo phương án, đơn giá). Theo đó, tổng giá trị thiệt hại mà phía Cty này phải đền bù cho người dân hơn 1,743 tỷ đồng.

Thống nhất giữa chính quyền địa phương và phía Cty CP CN&TĐ BL-GL là thế và những tưởng người dân sẽ sớm được đền bù, ổn định cuộc sống nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được đồng nào. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Ẩn- Phó Giám đốc Cty CP CN&TĐ BL-GL cho hay: Đơn giá 12 triệu đồng/ha sắn của UBND H. Đức Cơ đưa ra là cao, trong khi chúng tôi đang gặp khó khăn nên đã đề nghị đền bù 9 triệu đồng/ha. Chúng tôi sẽ trực tiếp gặp các hộ dân để thống nhất phương án đền bù với mức giá 9 triệu đồng/ha sắn. Đối với chúng tôi, giờ vài trăm triệu là con số lớn rồi". Ngược lại, qua tìm hiểu từ phía chính quyền xã Ia Dom cũng như người dân bị thiệt hại thì con số đền bù cho 1ha sắn của huyện đã là quá thấp. Bởi đầu tư phân, cây giống, công chăm sóc, thuốc cỏ thì 1ha sắn đã từ 18-20 triệu đồng, đó chưa kể chỉ vài tháng sau thu hoạch đã có khoảng 40 triệu đồng/1ha sắn.

Liệu với đơn giá 9 triệu đồng/ha sắn do phía Cty CP CN&TĐ BL-GL đưa ra có được người dân chấp nhận khi một vụ mùa hàng chục triệu đồng của họ bị "cò kè" thiếu sòng phẳng như vậy? Trong khi đó, vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 đều lỗi hoàn toàn thuộc về phía Cty khi tự ý tích nước mà chưa có một kết quả nghiệm thu nào của các cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: Minh Tân