Nồng nàn vang dâu tằm

Thứ sáu, 30/12/2016 10:49

(Cadn.com.vn) - Theo QL9, chúng tôi ngược lên Tân Lâm, Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị). Cách cầu Đầu Mầu khoảng 100m là lối rẽ dẫn vào Di tích lịch sử điểm cao 241 thuộc thôn Tân Phú. Tên gọi gợi nhớ đến một thời chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta những năm trường kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc. Cũng tại nơi đây, vào năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro vào thăm Quảng Trị và dự mít-tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm, vốn là căn cứ hỏa lực mạnh nhất trên hệ thống tuyến phòng thủ Đường 9 của địch mới được ta giải phóng. Vùng đất ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo và trơ trụi bởi chất độc hóa học hủy diệt ấy đã hồi sinh thần kỳ sau những nỗ lực của người dân Quảng Trị. Đồi rú được phủ lên sắc xanh của hồ tiêu, của cao su, vườn chè, mít chạy tít tắp qua làng mạc. Thế nên, vườn dâu tằm trái chín đỏ au, trĩu nặng của vợ chồng ông Trần Văn Quốc lọt giữa bức tranh ấy đã thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng. "15 năm trước, trong một lần ra Nghệ An, tôi thấy nhà anh bạn có mấy cây dâu quả nhiều nên xin vài nhánh hom về trồng chơi. Cũng nghĩ sẽ lấy quả ngâm đường giải khát ngày hè thôi", ông Quốc nhớ lại. Mùa quả đầu tiên, ông còn hái dâu ngâm rượu mời Tết bà con, lối xóm. Ly rượu đậm hương quê khiến ông nảy sinh ý định chiết xuất vang dâu. "Cứ mày mò dần, sẽ tìm thấy bí quyết", ông động viên vợ. Bà Lan ủng hộ quyết định thay đổi vườn tiêu bạc triệu để nhân rộng lên 2.000 cây dâu trên diện tích 2ha. Loại rượu mà ông bà hướng tới là vang dâu được lên men tự nhiên, không qua chế biến hóa học và được chiết xuất thủ công. Nhiều người chậc lưỡi coi đây là sự liều lĩnh hơn là táo bạo bởi kỹ thuật chưa có, vốn liếng, thị trường cũng chỉ mới ở... dự định.

Ông Quốc với sản phẩm vừa chiết xuất.

Thế nhưng, bằng sự sáng tạo và kiên trì, lão nông Trần Văn Quốc và gia đình đã khiến mọi người phải nể phục, xóa tan nghi ngờ. Quá trình chiết xuất một "mẻ" là cả chặng dài dày công, vất vả và kéo dài nhiều tháng trời. Ngay khi sau hái quả, phải ủ lên men ngay trong ngày. Chừng 1 tháng sau, bắt đầu lọc chắt ra rượu rồi tiếp tục thực hiện công đoạn lắng, gạn cho rượu trong, sóng sánh thêm chừng 3 tháng nữa. Khó nhất là cần phải giữ ở nhiệt độ mát, nếu thời tiết hơi "bức" là rượu lại lên men, nổi váng, coi như bỏ. Nói thì đơn giản nhưng thực ra ẩn chứa lắm "công phu" và thể hiện được sự sáng tạo, tìm tòi bí quyết của vợ chồng lão nông để rượu ngày càng ngon hơn, thơm hơn mà vẫn không gắt nồng. "Cứ đến tháng 12 là gia đình phải kêu thêm nhân công để kịp thời thu hoạch để dâu không nhũn. Liền đó là bắt đầu ngâm ủ, chiết rượu cho đến cận Tết sang năm mới tung vào thị trường. Chính vì rứa, rượu mới có độ thơm dịu, đặc biệt", ông Quốc chia sẻ. "Trong một lần tham gia Lễ hội Xuyên Á, gian hàng của gia đình tôi được một số cán bộ đến từ TP Đà Nẵng tham quan và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt, giúp đỡ, hướng dẫn các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu rượu dâu Quốc Khánh", ông Quốc khoe. Năm 2014, rượu dâu Quốc Khánh lọt vào top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của cả nước. Dù vậy, mỗi năm cơ sở của gia đình ông cũng chưa bao giờ sản xuất vượt quá 1.200 lít.

Theo ông Quốc, do cơ sở sản xuất nhỏ nên sử dụng nguyên liệu cho chiết xuất rượu không lớn, vì thế sản lượng quả tươi còn lại vài tấn đều bán lẻ tại vườn. "Thu nhập từ quả tươi cũng khá nhưng chúng tôi muốn tập trung chiết xuất rượu vang. Cơ hội có sẵn đó rồi nên bỏ lỡ thì phí. Thời gian qua, cơ sở đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền H. Cam Lộ, sở ngành Quảng Trị. Tuy nhiên gia đình không có nhiều vốn, rất cần được hỗ trợ để đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này cũng có nghĩa tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con quanh vùng và góp phần giới thiệu quê hương đến với mọi miền", ông Quốc quyết tâm. Chúng tôi cũng hy vọng xuân tới, nhà nhà sẽ có vang dâu tằm của quê hương Quảng Trị.

Bảo Hà