Nóng tình trạng buôn bán ngà voi trái phép qua biên giới
Sau thời gian “im hơi, lặng tiếng” do bị lực lượng chức năng tấn công mạnh, đến nay lại tái xuất hiện tình trạng buôn bán ngà voi trái phép qua biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt hơn. Và mặc dù ngà voi là một trong những hàng hóa cấm nhập, xuất khẩu và buôn bán, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng vẫn tìm đủ mọi cách để thực hiện hành vi này. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, các hành vi phạm pháp của các đối tượng này đều bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời.
Lực lượng BĐBP tỉnh Lạng Sơn lấy lời khai đối tượng vận chuyển trái phép ngà voi |
CÕNG NGÀ VOI QUA BIÊN GIỚI
Thời gian qua, đặc biệt là trong vòng tháng 7 và tháng 8-2017, các lực lượng chức năng như CA, Hải quan và BĐBP trên cả nước đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép. Điển hình, 1 giờ ngày 8-7, tại địa bàn xã Quảng Phong, H. Quảng Xương, Thanh Hóa, lực lượng TS Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Phòng CSGT CA tỉnh Thanh Hóa và Đội QLTT số 9 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa kiểm tra xe tải BKS 29C-395.64, do Nguyễn Trường Sơn (1981, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) điều khiển, khi chiếc xe này lưu thông theo hướng TPHCM ra Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện bên trong thùng xe có rất nhiều thùng các-tông chứa toàn ngà voi với tổng trọng lượng 2.748kg. Hiện nay, vụ việc đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa điều tra, làm rõ.
Tiếp đó, 20 giờ 30 ngày 12-7, tại Km11 trên QL1A, thuộc địa phận thôn Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, Đội TTKS số 1 thuộc Phòng CSGT phối hợp với các TS thuộc Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ ô-tô Toyota Camry BKS 30E-720.76 do tài xế Hoàng Minh Vũ (1986, trú TT Đồng Đăng, H. Cao Lộc, Lạng Sơn) điều khiển đang trên đường di chuyển theo hướng Hà Nội - Lạng Sơn. Trên xe còn có thêm 2 đối tượng khác đi cùng là Chu Thị Bích (1969) và Sầm Viết Cương (1968, cùng trú thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, H. Văn Lãng). Khi tổ công tác kiểm tra trong cốp xe thì phát hiện 2 thùng các-tông, bên trong chứa 94 khối hình trụ có kích thước khác nhau và 120 chiếc vòng trang sức màu trắng đục, có tổng trọng lượng 22,7kg. Tại CQĐT, các đối tượng này khai nhận số hàng trên là ngà voi, đang trên đường vận chuyển từ Hà Nội để mang sang Trung Quốc tiêu thụ.
Mới đây nhất, 2 giờ ngày 21-8, tại Cửa khẩu Tân Thanh, H. Văn Lãng, tổ công tác ĐBP Tân Thanh phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt quả tang 2 phụ nữ có hành vi vận chuyển hơn 11kg đồ trang sức làm bằng ngà voi. Qua khai thác nóng, bước đầu các đối tượng khai nhận tên là Hoàng Thị Mỳ (1967, trú xã Tân Thanh) và Nguyễn Thị Pin (1987, trú xã Tân Lang, Văn Lãng). Số trang sức làm bằng ngà voi nói trên được hai đối tượng nhận vận chuyển thuê cho một phụ nữ tên Chinh, khoảng 38 tuổi, ở TP Hà Nội, để lấy tiền công là 200 nhân dân tệ. Nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, sau khi nhận hàng, hai đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mới hết sức tinh vi bằng cách chia nhỏ số sản phẩm là vòng đeo tay được làm từ ngà voi, sau đó cất giấu trong đống quần áo đựng trong túi hành lý mang theo. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén và nắm bắt tình hình địa bàn, lực lượng TS phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời phát hiện, bắt giữ. Những vụ bắt giữ liên tiếp này một lần nữa khẳng định quyết tâm cao của các cơ quan chức năng của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
ĐI TÌM LỜI GIẢI
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Cục Cửa khẩu BĐBP, trong những năm qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam như Hải quan, CA và BĐBP trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ hàng trăm vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép, thu giữ khoảng hơn 10 tấn ngà voi cùng hàng trăm ki-lô-gam đồ trang sức, đồ mỹ nghệ trang trí được làm từ ngà voi. Đặc biệt, chỉ trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ngà voi với số lượng lớn được ngụy trang tinh vi trong những container hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu cảng biển Việt Nam.
Theo điều tra của chúng tôi, 1kg ngà voi hiện có giá trên thị trường ngầm từ khoảng 30-50 triệu đồng và còn tùy theo nguồn gốc, xuất xứ, độ dài, chất lượng của ngà. Ngà voi Châu Á có giá cao hơn các loại ngà voi ở các nước Châu Phi. Bởi vì ở giống voi Châu Á chỉ con đực mới có ngà còn giống voi Châu Phi thì cả con đực và con cái đều có ngà. Bên cạnh đó, ngà voi Châu Á có màu trắng sữa còn ngà voi Châu Phi thường có màu nâu, do vậy không đẹp bằng ngà voi Châu Á nên giá thành cũng thấp hơn. Chính vì vậy, ngà voi Châu Á thường được giới nhà giàu săn lùng để trưng bày nguyên đôi ở trong nhà với giá từ một vài tỷ đến cả chục tỷ đồng. Qua các vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép qua biên giới được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua cho thấy giới tội phạm muốn đưa ngà voi từ Châu Phi về các nước Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản… thường trung chuyển lòng vòng qua vài quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan... nhằm xóa dấu vết của quốc gia có nguồn hàng. Trong chuỗi các quốc gia trung chuyển đó, tội phạm thường chọn Việt Nam bởi vì có vị trí địa lý thuận lợi về cảng biển, hàng không để chuyển hàng đến các quốc gia lân cận tiêu thụ.
Theo Thiếu tướng Lê Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP cho biết, Việt Nam là địa bàn trung chuyển ngà voi và các sản phẩm của động vật hoang dã vào hàng nhất, nhì trên thế giới. Các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc từ các nước Châu Phi, thường đi theo đường biển nếu là khối lượng lớn và các vụ có số lượng nhỏ thì đi qua đường hàng không dưới dạng hành lý ký gửi hoặc theo hình thức gửi quà biếu với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Đối với ngà voi nhập lậu qua đường biển, chủ yếu thường được ngụy trang giấu giữa những hàng hóa chứa trong các container được miễn kiểm tra thủ tục Hải quan (hàng hóa luồng xanh) hoặc không có giá trị lớn, để hạn chế khả năng phát hiện qua công tác soi chiếu. Trên tuyến hàng không, ngà voi được cất giấu trong các đồ vật, ngụy trang trong va-ly, hàng hóa xách tay… chuyển về Sân bay Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện lại có tuyến đường vận chuyển từ các nước ít bị nghi ngờ, hoặc từ những vùng không có động vật hoang dã.
Để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm nói chung và ngà voi nói riêng, lực lượng chống buôn lậu của Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật đồng thời tăng cường nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động tăng cường trao đổi thông tin nghiệp vụ; đầu tư trang bị hệ thống máy soi, hệ thống camera, hệ thống giám sát định vị vệ tinh, chíp giám sát điện tử... để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa.
HOÀNG ANH TRẦN