“Nóng” tình trạng lợi dụng thăm dò khoáng sản để khai thác đá trái phép

Thứ hai, 15/08/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, một số doanh nghiệp lợi dụng việc xin phép thăm dò khoáng sản trên địa bàn H. Krông Bông (Đắc Lắc) để khai thác đá trái phép đã khiến người dân bức xúc. Thực trạng khai thác đá “chui” tại nhiều địa phương của H. Krông Bông kéo theo nhiều hệ lụy như hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường, đặc biệt thất thoát tài nguyên...

Hình ảnh khai thác đá trái phép tại một điểm trên địa bàn xã Hòa Sơn vào cuối tháng 7-2016.

Người dân cho hay, tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn H. Krông Bông, đặc biệt là tại xã Hòa Sơn diễn ra suốt thời gian qua và cho đến tận cuối tháng 7-2016 mới có dấu hiệu “tạm lắng”. Để làm rõ những phản ánh của người dân, chiều 12-8, P.V đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND H. Krông Bông Huỳnh Bài và được biết, trên địa bàn H. Krông Bông hiện có 2 khu vực mỏ được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò đá Granite ốp lát cho 4 doanh nghiệp, gồm: Cty Thịnh Gia; Cty Trung Văn; Cty vật liệu xây dựng Krông Bông- Đắc Lắc; Cty Quốc Quy. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác đá.

Cũng theo ông Bài, tình hình hoạt động thăm dò khoáng sản ở một số nơi còn có những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước. Cụ thể, tại khu vực thôn 5, 6 của xã Hòa Sơn được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Trung Văn và Cty vật liệu xây dựng Krông Bông- Đắc Lắc. Trong thời gian triển khai dự án, do chưa thực hiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng nên một người dân đã tiến hành khai thác đá khối tại khu vực trên và trong mỏ đá thuộc thôn 6, xã Hòa Sơn để bán cho các cá nhân ngoài địa bàn. Tương tự, tại khu vực mỏ đá buôn Ngô B (xã Hòa Phong, H. Krông Bông) trong thời gian triển khai thực hiện dự án, do chưa thực hiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng nên một người dân đã tự ý khai thác đá khối, đá chẻ để bán ra thị trường. Bên cạnh đó, trong thời gian tiến hành thăm dò, Cty Quốc Quy lợi dụng việc thăm dò để khai thác đá granite không đúng theo giấy phép nên UBND huyện và Sở TN&MT tỉnh đã phối hợp kiểm tra, lập biên bản và đề nghị UBND tỉnh xử phạt đơn vị này 320 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền huyện cũng đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp khác và tịch thu tang vật, bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước. Cùng với việc xử phạt hành chính, UBND huyện đã tiến hành họp bàn giải pháp và đề ra hướng xử lý, chấn chỉnh tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, ban hành Thông báo số 77/TB-UBND ngày 29-7-2016 yêu cầu UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn nghiêm túc thực hiện các văn bản của UBND huyện, kiểm tra xử lý dứt điểm vi phạm.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thăm dò để khai thác đá trái phép như trên, ông Bài khẳng định: “Do UBND các xã còn buông lỏng quản lý Nhà nước, cũng như công tác phối hợp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm của các cơ quan chuyên môn, lực lượng CAH, UBND cấp xã chưa được chặt chẽ”. Đồng thời, ông Bài cũng cho rằng, công tác quản lý về khoáng sản ở cấp huyện và xã chủ yếu là việc bảo vệ nguồn tài nguyên chưa khai thác nhưng việc quản lý chủ yếu liên quan trực tiếp đến công tác xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, việc xác định hành vi xử phạt cũng như công tác định giá tài sản còn nhiều bất cập... Ngoài ra, do nhu cầu đá làm vật liệu xây dựng lớn nên các cá nhân ở địa phương bất chấp vi phạm để khai thác đá khối, đá chẻ bán ra thị trường. Đặc biệt, một số doanh nghiệp được cấp phép khảo sát, thăm dò không đủ năng lực, lợi dụng giấy phép thăm dò để sang nhượng, chuyển quyền gây nên tình trạng phức tạp tại địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 10-8, UBND huyện đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, giao cho Phòng TN&MT tham mưu củng cố hoặc đề nghị thành lập lại đoàn kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện.

Nguyên Trịnh