Nóng trong tuần: Tài liệu mật rò rỉ gây chấn động; biến thể XBB.1.16 thống trị các ca COVID-19 ở châu Á
Tài liệu mật bị rò rỉ gây chấn động nước Mỹ
Ngày 7/4, hàng chục bức ảnh về các tài liệu đóng dấu mật của Mỹ đã phát tán rộng rãi trên các nền tảng xã hội - như Twitter, Telegram, Discord và nhiều trang mạng khác.
Theo tờ The Washington Post, các tài liệu trên được phát hành trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 1/3, chứa rất nhiều thông tin về kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine - bao gồm các mốc thời gian đào tạo và cung cấp vũ khí, dữ liệu về chi phí đạn dược, cơ cấu của các đơn vị chiến đấu Ukraine, ước tính tổn thất của Nga và Ukraine. Đồng thời, các tài liệu dường như cũng có thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Israel, Hàn Quốc và Anh.
Hiện nhiều tài liệu đã không còn tồn tại trên các trang mạng như trước đó và giới quan sát cho rằng Chính phủ Mỹ đang nỗ lực để gỡ bỏ những thông tin này.
Ông Chris Meagher, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 10/4 khẳng định vụ rò rỉ các tài liệu quân sự mật của Mỹ gây ra nguy cơ “rất nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia.
Trong diễn biến mới nhất, tối ngày 13/4, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Jack Douglas Teixeira, thành viên lực lượng Vệ binh không quân, tại nhà riêng tại North Dighton, bang Massachusetts, với cáo buộc liên quan tới vụ rò rỉ tài liệu mật qua mạng Internet vài tháng qua.
Hôm sau, Teixeira bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp, với cáo buộc lấy và sao chép thông tin quốc phòng, cố ý lan truyền thông tin “có thể được sử dụng để gây tổn hại cho Mỹ hoặc mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào bên ngoài”. Hành vi vi phạm Đạo luật Gián điệp có mức trừng phạt lên tới 10 năm tù. Teixeira đang bị giam chờ phiên điều trần tiếp theo vào ngày 19/4.
Vụ bắt Teixeira dường như đã chấm dứt bí ẩn kéo dài cả tuần qua mà cả giới chức lẫn những “thám tử Internet” đều cố gắng làm sáng tỏ. Vụ rò rỉ này được xem là một trong những vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2013. Những tài liệu bị rò rỉ đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp không ít khó xử khi thảo luận với các đồng minh và đối tác.
Triều Tiên lần đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn
Ngày 14/4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố nước này vừa thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn mới, nhằm “thúc đẩy triệt để” khả năng phản công hạt nhân của nước này, đồng thời cảnh báo sẽ gây “lo lắng và kinh hoàng tột độ” cho kẻ thù.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh: “Việc phát triển ICBM mới Hwasongpho-18 sẽ cải cách sâu rộng các thành phần răn đe chiến lược của Triều Tiên, đẩy mạnh hiệu quả của bố trí phản công hạt nhân và tạo sự thay đổi về thực tiễn của chiến lược quân sự tấn công”.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo cuộc thử nghiệm tên lửa này.
Hãng tin Reuters cho biết Triều Tiên có thể đã ra mắt ICBM mới nhiên liệu rắn trong một cuộc diễu binh vào tháng 2. Hầu hết tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, do đó cần phải nạp tại địa điểm phóng thông qua một quá trình rất tốn thời gian. Việc sử dụng nhiên liệu rắn có thể tạo thêm điều kiện di dộng hơn cho tên lửa và giảm thời gian chuẩn bị phóng.
Các nhà phân tích cho biết đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn trong tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa. Phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của Triều Tiên, vì nó có thể giúp nước này triển khai tên lửa nhanh hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Triều Tiên đã chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung gần đây giữa Mỹ và Hàn Quốc là leo thang căng thẳng và Bình Nhưỡng trong những tháng qua cũng tăng cường thử vũ khí.
Biến thể phụ của Omicron bùng phát trở lại châu Á
XBB.1.16 – biến thể phụ mới của Omicron, được đặt tên là Arcturus – đang trở thành biến thể thống trị các ca COVID-19 ở châu Á.
Giới chức Bộ Y tế Ấn Độ cho biết biến thể phụ Arcturus là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch hiện nay ở nước này. Ngày 13/4, Ấn Độ đã ghi nhận 10,1 nghìn ca mắc mới, tăng 30% so với số ca bệnh trong ngày 12/4.
Còn tại Singapore, số ca mắc COVID-19 cũng đang tăng trở lại. Các bác sĩ cho biết hầu hết các ca mắc đều nhẹ, đồng thời cho rằng đây là một phần tất yếu của việc chung sống với COVID-19 khi dịch bệnh tại nước này chuyển sang giai đoạn bệnh lưu hành. Bộ Y tế Singapore cảnh báo, các đợt lây nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục xuất hiện, tương tự các bệnh đường hô hấp lưu hành khác như cúm.
Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại trong thời gian gần đây. Ngày 12/4, Hàn Quốc ghi nhận trên 12.000 ca mắc mới và Nhật Bản có gần 10.000 ca.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Arcturus đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia và hiện cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ biến thể phụ này.
Theo WHO, Arcturus có thêm một đột biến trong protein gai, từ đó gia tăng khả năng lây nhiễm và gây bệnh. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản), Arcturus có khả năng lây truyền gần gấp 1,2 lần so với XBB.1.5. Tuy nhiên, hãng tin iNews của Anh cho rằng biến thể phụ này không nghiêm trọng hơn XBB.1.5.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Anh và Bắc Ireland
Ngày 11 - 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm Anh và Bắc Ireland nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận thương mại mới mang tên Khuôn khổ Windsor. Đây cũng là dịp Anh tổ chức kỷ niệm 25 năm Thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” (GFA) được ký kết mang lại hòa bình cho khu vực Bắc Ireland (thuộc Anh).
Tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại thành phố Belfast ở Bắc Ireland, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ hy vọng các thể chế ở Bắc Ireland sẽ được khôi phục càng sớm càng tốt. Hai bên cho rằng lễ kỷ niệm thỏa thuận GFA là thời điểm để đánh giá những tiến bộ mà Bắc Ireland đã đạt được trong 25 năm qua và “cam kết xây dựng một tương lai tươi sáng hơn”.
Ký kết vào ngày 10/4/1998, thỏa thuận GFA đã chấm dứt 3 thập kỷ xung đội tại Bắc Ireland và thiết lập chính quyền chia sẻ quyền lực tại Stormont, bao gồm đại diện của hai cộng đồng theo chủ nghĩa hợp nhất ủng hộ Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh và theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập với Cộng hòa Ireland. Vào thời điểm đó, Chính quyền Mỹ đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán dẫn tới việc ký kết thỏa thuận.
Từng là bên trung gian và đóng vai trò quan trọng góp phần dẫn tới thành công của GFA, Mỹ có tiếng nói quan trọng đối với hòa bình tại Bắc Ireland. Thời gian qua, Washington cũng có nhiều động thái nhằm thúc đẩy duy trì ổn định tại vùng này trong bối cảnh Brexit gây ra những hệ lụy khiến tình trạng căng thẳng gia tăng.
Bởi vậy, theo giới chuyên gia sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Belfast trong chuyến thăm Anh và Bắc Ireland vào thời điểm này không chỉ được xem như sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh Sunak, mà còn tái hiện vai trò trung gian của Mỹ giúp thu hẹp những bất đồng giữa Chính phủ Anh và các đảng phái tại Bắc Ireland.
Theo Báo Tin tức - TTXVN