"Nốt lặng" giữa rừng Sơn Trà...
Những ngày cuối năm, chúng tôi rời xa phố thị ồn ào để lên với núi Sơn Trà, nơi được xem là chốn bình yên mà người dân và du khách, nhất là những người yêu thích thiên nhiên thường ghé tới mỗi khi đến Đà Nẵng. Khác với vẻ ngoài bình yên, khi Sơn Trà là nơi lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia đặt ống kính của mình để "săn" những bức ảnh đẹp, về rất nhiều thể loại, từ "nữ hoàng linh trưởng" Vọoc Chà vá chân nâu đến những loài chim quý hay phong cảnh thiên nhiên hữu tình có một không hai, thì sâu trong núi Sơn Trà, vẫn có những người đang ngày đêm vất vả mưu sinh, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy rình rập... Đường lên Sơn Trà mùa này vắng vẻ hơn, nhất là những chiều mây vần vũ, lạnh se sắt. Theo chân người bạn, là nhiếp ảnh gia, cũng là "thổ địa" vùng đất này, chúng tôi lên Sơn Trà sau khi nhận được sự khẳng định chắc nịch của bạn, rằng "nhìn trời thế thôi chứ không mưa đâu". Tặc lưỡi, mưa thì có sao, trải nghiệm mưa núi Sơn Trà biết đâu lại là kỉ niệm thú vị!
Anh Tiến chỉ vào tảng đá, nơi dòng nước từ trên núi trút xuống, cuốn phăng lán trại và đồ đạc của anh. |
Dọc đường lên Sơn Trà, dấu tích của những trận sạt lở do mưa lớn vẫn còn hiện hữu, cách vài cây số lại có một điểm sạt lở, mặc dù đã được san ủi, thông tuyến nhưng không khó nhận ra lượng đất đá đổ xuống sau những trận mưa rất lớn. Nói về sạt lở, bạn kể cho chúng tôi câu chuyện về cuộc sống và công việc của những "công nhân" thi công công trình đập tràn và bể chứa nước phòng cháy chữa cháy (PCCC) sâu trong núi. Với họ, đợt mưa lớn vừa qua chẳng khác nào cơn ác mộng...
Mặc dù sự việc xảy ra cách đây khoảng 1 tháng nhưng anh Nguyễn Hữu Tiến, trú thôn Gố, xã Za Hung, H. Đông Giang (Quảng Nam) là chủ nhóm công nhân, cũng là người trực tiếp chứng kiến cảnh tượng vẫn chưa hết bàng hoàng. Đêm hôm ấy, anh cùng nhóm công nhân của mình đang ngủ trong lán trại dựng trên những tảng đá bên bờ suối ngay sát công trình xây dựng bể chứa nước PCCC ở Sơn Trà đã suýt bị lũ và đất đá trên đỉnh núi đổ xuống vùi lấp. Anh Tiến cho biết, mình cùng nhóm công nhân, thực ra toàn anh em, chú cháu người đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã Za Hung nhận thi công công trình bể chứa nước PCCC (chủ đầu tư là Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - PV) qua một công ty khác cách đây gần 5 tháng trước. Nói là công nhân, nhưng chỉ là anh đứng ra nhận công trình, sau đó gọi toàn anh em trong xóm đi làm khi nông nhàn. Chẳng có hợp đồng lao động, càng không có ràng buộc pháp lí gì với nhau, duy có điểm chung là tất cả đều... nghèo. Vì thế, mỗi khi nhận được công trình, chủ yếu là ở các vùng núi, vùng rừng sâu, nơi mà máy móc thiết bị khó tiếp cận, đặc biệt là những người ở thành phố "chê" không làm thì anh mới có cơ hội nhận. Với công trình bể chứa nước PCCC ở núi Sơn Trà, anh cũng phải thông qua người bạn giới thiệu nên mới tiếp cận được. Ban đầu, khi mới đến khảo sát địa hình, anh nghĩ chỉ cần trong vòng 1 tháng là sẽ hoàn thành, rồi sau đó sẽ chuyển đến nơi khác. Vừa có công ăn việc làm thường xuyên, vừa có thu nhập cho anh em. Thế nhưng, không như những gì anh nghĩ...
Sau khi nhận công trình và bắt tay vào thi công, vì nhiều lý do, chủ yếu là khách quan, khi thì thiếu nguyên vật liệu, khi thì xe đổ bê-tông tươi không đến được công trình (trách nhiệm này thuộc công ty thuê anh thi công), và đặc biệt là thời tiết mưa gió thất thường... nên thời gian thi công kéo dài. Thay vì 1 tháng như dự tính ban đầu thì 4 tháng sau, công trình vẫn chưa hoàn tất. Và chính trong thời điểm này, anh cùng nhóm thợ phải đối mặt với nguy hiểm. Anh kể, đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8-12 vừa qua, sau thời gian dài nghỉ thi công vì không có nguyên vật liệu và mưa lớn liên tục, đang định chờ thêm ít thời gian, nếu còn mưa sẽ cho anh em tạm nghỉ thì không ngờ sự việc kinh hoàng lại xảy ra. Khoảng 3 giờ đêm hôm ấy, khi anh và nhóm thợ đang nằm ngủ trong lán trại dựng bên dòng suối thì bất ngờ từ trên núi cao, dòng nước cuồn cuộn, kéo theo những khối đất đá khổng lồ dồn dập đổ xuống khiến con suối nhỏ trở nên hung dữ, cuốn phăng tất cả, trong đó có lán trại của anh và những người thợ. Khi phát hiện sự việc, cả 5 người chỉ kịp chạy ra khỏi lán ngược về phía núi. Họ thu mình, co ro giữa đêm đông mưa lạnh vì không tìm ra bất cứ thứ gì để che chắn, trong thâm tâm càng bất an hơn khi chứng kiến dòng nước ầm ầm đổ về, tràn khỏi chiếc cống lớn, băng qua đường, cuồn cuộn cao hơn mặt đường hàng mét. Tiếng đất đá sạt lở đổ về ầm ầm khiến ai nấy đều thất kinh.
Sáng ra, cảnh tượng đập vào mắt họ là tất cả tài sản, lán trại đã bị nước cuốn trôi. Số tiền ăn 3 triệu đồng anh Tiến vừa ứng được từ công ty bỏ trong túi quần cũng trôi mất. Gạo ướt, bếp gaz cũng không còn, củi rừng thì ướt, trời càng mưa to không ngớt, không còn cách nào khác, họ đành lấy mấy tấm cốp pha che tạm rồi thu mình trong cơn đói, rét chờ mưa ngớt. Đến 4 giờ chiều, trời bắt đầu tạnh thì cũng là lúc có nhóm du khách nước ngoài đi ngang, biết được sự việc, họ tặng cho anh và nhóm thợ tất cả mì tôm có được để cầm hơi. Mặc dù sự việc sau đó được anh báo về công ty nhưng phải hai ngày sau người của công ty mới lên, cũng chỉ đi tay không và lời hỏi thăm! Sau đó vài ngày, có một số người lên núi chụp ảnh, biết được câu chuyện và hoàn cảnh của nhóm thợ nên đã quyên góp, ủng hộ được một ít lương thực và đồ dùng thiết yếu.
Anh Tiến cho biết, cũng vì hoàn cảnh khó khăn, cần công ăn việc làm nên mới bất đắc dĩ nhận công trình này. Bởi theo anh, những bể chứa ở vị trí đẹp và ít nguy hiểm thì anh không được nhận, chỉ có vị trí này ở suối nước Hố Sâu, không ai nhận nên anh mới có cơ hội đảm trách. Vì ở chỗ xa xôi nhất nên công việc thi công cũng gặp rất nhiều khó khăn. Được biết, anh Tiến nhận khoán phần nhân công xây dựng bể nước này với mức 70 triệu đồng, thi công dự kiến chỉ trong vòng hơn một tháng, thế nhưng công trình kéo dài đến nay đã hơn 4 tháng. Theo anh, vì thời gian kéo dài nên số tiền khoán đó không đủ nuôi ăn cho nhóm thợ chứ chưa nói gì đến việc trả tiền công cho họ. Anh bảo, công ty có hứa là sẽ thanh toán tiền công, tiền ăn cho anh em trong thời gian chờ đợi nguyên vật liệu, tuy nhiên đó cũng chỉ là lời hứa, còn thực tế như thế nào thì hồi sau mới rõ...
Nhìn từ xa, trong cái bình yên, xanh mướt của Sơn Trà, thì sâu trong nó hiện vẫn còn chất chứa những khoảng lặng. Trong câu chuyện của những người thợ xây dựng, như anh Tiến, vì cuộc mưu sinh, anh và nhóm thợ của mình đã phải khổ sở, chấp nhận làm công ở giữa rừng heo hút, tách biệt với thế giới phồn hoa, ồn ào chỉ cách đó vài cây số. Để rồi, ngoài việc phải trải qua sự lo lắng vì chậm trả tiền công, sợ phủi bỏ trách nhiệm, họ còn phải đối mặt nỗi lo lớn hơn, nỗi lo ấy thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của mình!
D.HÙNG