NSA do thám việc mua máy bay chiến đấu của Đan Mạch?
NSA đã mở hoạt động gián điệp “bất hợp pháp” đối với Đan Mạch bằng cách sử dụng một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo hiện có giữa hai nước để giành chiến thắng thương vụ bán máy bay chiến đấu cho Đan Mạch.
Lính thủy đánh bộ Mỹ với Phi đội máy bay chiến đấu 121, tiến hành tải F-35B Lightning tại Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Yuma, Arizona. Ảnh: US Marines |
Truyền thông Đan Mạch gần đây cáo buộc Mỹ theo dõi chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, cũng như các nhà thầu quốc phòng ở các nước Châu Âu khác, nhằm thu thập thông tin về chương trình máy bay phản lực chiến đấu của họ.
Những tiết lộ, được đăng trực tuyến bởi đài truyền hình dịch vụ công của Đan Mạch (DR) cho thấy, trong cuộc đua giành hợp đồng bán máy bay chiến đấu cho Đan Mạch, máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35 do Mỹ sản xuất cuối cùng đã giành chiến thắng vào tháng 6-2016.
Báo cáo của tờ War Zone trích dẫn các nguồn tin ẩn danh cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nhắm mục tiêu vào Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Đan Mạch và Cty quốc phòng Terma, Cty cũng đóng góp vào chương trình Máy bay chiến đấu F-35. War Zone đưa tin, theo cáo buộc, NSA đã tìm cách thực hiện hoạt động gián điệp bằng cách sử dụng một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo hiện có giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, NSA có thể khai thác các tuyến cáp quang chạy ngang qua Đan Mạch và được lưu trữ bởi Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE).
War Zone đưa tin, một lượng lớn dữ liệu có nguồn gốc từ cáp thông tin liên lạc của Đan Mạch được lưu trữ tại một trung tâm dữ liệu của FE, được xây dựng với sự hỗ trợ của Mỹ, tại Sandagergard trên đảo Amager của Đan Mạch, nơi NSA cũng có quyền tiếp cận. Hoạt động chia sẻ dữ liệu bí mật này không phải là điều bất thường trong cộng đồng tình báo. NSA thường xuyên trao đổi thông tin cấp cao với các cơ quan tương tự trong liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, cũng như các đồng minh thân cận khác, chẳng hạn như Đức và Nhật Bản. Tuy nhiên, theo War Zone, NSA cũng hành động chống lại các đồng minh của mình.
Một nguồn tin nói với DR rằng từ năm 2015 đến 2016, NSA muốn thu thập thông tin về Cty quốc phòng Đan Mạch Terma trong một “cuộc tìm kiếm có mục tiêu” trước quyết định của Đan Mạch về việc mua máy bay chiến đấu mới thay thế phi đội F-16 hiện tại của nước này. Đây là cuộc đua mà F-35 của Mỹ đã giành chiến thắng.
Theo DR, NSA đã sử dụng Xkeyscore, hệ thống dò tìm và phân tích dữ liệu internet toàn cầu, để tìm kiếm thông tin về Terma. Những thông tin mà họ có được bao gồm cả địa chỉ email cá nhân và số điện thoại của nhân viên công ty. Được mô tả chính thức là một phần của “hệ thống thu thập thông tin tình báo về tín hiệu nước ngoài hợp pháp” của NSA, Xkeyscore được hiểu là có thể lấy được thư từ qua email, lịch sử trình duyệt, cuộc trò chuyện và nhật ký cuộc gọi.
Các nguồn tin cũng cho rằng NSA đã sử dụng quyền truy cập vào cáp thông tin liên lạc của Đan Mạch và cơ sở dữ liệu FE để tìm kiếm thông tin liên lạc liên quan đến hai Cty khác là Eurofighter GmbH và Saab, những đối thủ đang chạy đua cung cấp máy bay chiến đấu đa năng Typhoon và Gripen cho Chương trình thay thế F-16 của Đan Mạch. Gripen rút khỏi cuộc đua ở Đan Mạch vào năm 2014, Typhoon vẫn đua cho đến cuối cùng, cùng với F-35 và Boeing F / A-18E Super Hornet.
DR cho biết cho đến nay họ vẫn chưa thể “xác định chính xác thông tin mà NSA đang tìm kiếm, hoặc cách cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng thông tin về các Cty đối thủ”. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nói ở đây là, việc NSA sử dụng các kênh tình báo Mỹ-Đan Mạch để “nghe ngóng” các tổ chức Đan Mạch là bất hợp pháp. Lo ngại về sự vi phạm lòng tin đã dẫn đến việc một người tố giác cung cấp ít nhất hai báo cáo bí mật cho FE.
Các báo cáo của người tố giác được cho là đã cảnh báo ban lãnh đạo FE về những hành vi bất hợp pháp có thể xảy ra trong việc hợp tác tình báo giữa Đan Mạch và Mỹ thông qua việc thu thập thông tin từ các đường cáp internet của Đan Mạch.
Hơn nữa, các báo cáo cảnh báo rằng NSA cũng đang nhắm mục tiêu vào một số “nước láng giềng gần gũi nhất” của Đan Mạch, bao gồm Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển và một số hoạt động gián điệp do NSA thực hiện được đánh giá là “chống lại sở thích và mục tiêu của Đan Mạch”.
AN BÌNH