NSƯT Hồng Vân: Tiếng ru giữa lòng thành phố
(Cadn.com.vn) - Hồng Vân là nghệ sĩ chuyên ngâm thơ và hát dân ca ba miền, sinh ra ở Huế trong một gia đình hoàng tộc. Năm 1969, Hồng Vân theo chồng vào Sài Gòn sinh sống rồi cùng Tuyết Hằng, Thu Hà thành lập Tam ca Đông Phương, nổi danh với dòng nhạc dân ca ba miền. Sau năm 1975, Hồng Vân tiếp tục đi hát ở các đoàn Bông Sen, Bông Hồng, Hương Miền Nam... Hồng Vân còn lấn sân sang sân khấu, điện ảnh như đóng vai Thái hậu Từ Cung trong phim truyền hình "Ngọn nến hoàng cung", vai Lý Chiêu Hoàng trong vở chèo "Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng", vai My. Nương trong vở kịch thơ của Hoàng Cầm trong ban Tao Đàn… Hiện, bà đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
NSƯT Hồng Vân. |
Đối thoại với chính mình
NSƯT Hồng Vân bảo, ngày rời nhà chồng hoàng tộc ở Huế bồng con về Quảng Ngãi quê ngoại, hành trang mẹ mang theo là những điệu Nam Ai, Nam Bình. Bà hay hát ru Hồng Vân bằng những câu dân ca ám ảnh đời mẹ: gió đưa bụi chuối sau hè/anh theo vợ bé bỏ bè con thơ... Cô bé Hồng Vân biết ngâm nga từ dạo ấy; cũng biết tóc xõa ngang vai, mơ mộng mắt huyền như bài Lý mười thương. Lớn lên một tí, mẹ cho học nhạc lý, xướng âm với nghệ sĩ Hùng Lân, Lê Thương, Vĩnh Phan... 18 tuổi, cô bé Hồng Vân theo chồng. 19 tuổi, sinh con; 20 tuổi, theo chồng vào Sài Gòn, học trường Văn khoa; rồi gặp Tuyết Hằng, Thu Hà, dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Hùng Lân, Hồ Đăng Tín, Phạm Trọng Cầu, lập nên Tam ca Đông Phương, nổi lên từ phòng trà Đêm Màu Hồng, Maxim's... đến nhạc thâu băng Continental. Tuy nhiên, NSƯT Hồng Vân chia sẻ, cũng từ niềm đam mê âm nhạc và sự nổi tiếng, bà phải chọn ly hôn bởi chồng bà không chia sẻ và thấu hiểu được cuộc sống của người nghệ sĩ.
"Bạn thấy chưa, nếu mình không lấy chồng sớm, không vô Sài Gòn thì răng mình tiếp cận với nghề xướng ca; tất cả do duyên khởi, cả mình gặp bạn đây, cũng là cái duyên", Hồng Vân nói. Nghĩa là, mình không chọn nghề, nghề chẳng chọn mình, mình với nghề được sắp đặt từ vô lượng kiếp, có cái này thì có cái kia, thế thôi. Thế thôi. Nhưng lắm lúc, buồn hơn nỗi buồn, đau hơn nỗi đau; nhìn đời qua đôi mắt hài nhi tóc bạc, đem tiếng dân ca gieo vào lòng thị thành với nhức nhối cơm áo gạo tiền, để, giữa Hồng Vân cay chua trong mắt mọi người và Hồng Vân lãng mạn từ bụng mẹ, dường có một cuộc đối thoại không lời, âm ỉ trong những câu chuyện bằng lời. "Trong phim Ngọn nến hoàng cung, tôi đóng vai thái hậu nên ai cũng xưng tôi bằng ngài; một lần tôi gặp lại vị sư có đóng vai trong phim, tôi chắp tay: thưa thầy, sư bỗng chào tôi: lạy ngài, tôi giật mình"... "một chị sồn sồn cứ xưng mình bằng mẹ, lúc tôi xưng tuổi thật, chị mới a lên: "rứa con già hơn mẹ rồi...".
Tiếng ru giữa lòng thành phố
Bắt chước giọng từng vùng miền, Hồng Vân kể say sưa... Khi đã "tri thiên mệnh", những gì sót lại trong tâm trí đâu phải là chuyện của cát-xê, danh tiếng... mà là những câu chuyện cũng rất đỗi bình dị. Bình dị như tiếng dân ca, khi mắt nhắm, tay khua, môi run...
Cất giọng "...chao ôi em đau bụng lắm ư ừ ư ư... chao ôi em đau bụng lắm lấy gừng cho mau ư ứ ư ư..., bà bảo, vợ nói đau bụng lắm là nũng nịu với chồng đấy, mà đau bụng phải chữa bằng củ gừng, cái củ sau vườn nhà mình"... "Bạn thấy không, những này kia nọ... những mô tê răng rứa... tuy khác âm nhưng cùng chung một nghĩa; giọng Nam, giọng Trung, giọng Bắc khi đã thành dân ca thì đều gieo vào lòng âm thể ngũ cung... Mà câu chữ là lực lượng quân đội, ngâm thơ là tiếng hô xuất trận, vui của giọng xuân, buồn của giọng ai là mệnh lệnh tâm hồn...". Này, bạn nghe, một bài thơ Hoàng Huế viết tặng tôi từ lâu lắm... em hát vào gỗ mục... gỗ mục bèn ra nấm... em hát vào gỗ cứng... gỗ cứng chợt ra hoa... em hát vào lau khô... lau khô xanh thành ruộng... em hát vào suối cạn... suối cạn chảy thành sông...". Hồng Vân say sưa nói, say sưa hát, say sưa ngâm. Từ ngâm sa mạc, tao đàn, lẩy Kiều... Từ ca trù, tuồng, cải lương, chèo, nhã nhạc cung đình... đến những bài "pop song" mang âm hưởng dân ca, kiểu nào cũng ngâm, cũng hát được. Mắt nhắm, tay khua, môi run. Buồn phả theo hơi, vặn mình theo lời, nghe như, thơ với dân ca đã ám vào đời bà... Và ai xui chi cũng không chịu uốn tóc, chỉ thích tóc dài, rồi vận khăn vành hoàng cúc, áo tím với thoa cài tóc, xuyến đeo tay... Và nghĩa là, trọn vẹn nợ duyên tình thì mình với dân ca là một. Là cô gái với khuôn mặt giờ hóa lão xanh xao, nét thanh xuân sót lại mái tóc dài, tóc dài không buộc nổi chân người...
Hiện nay, dù tuổi cao nhưng NSƯT Hồng Vân vẫn đi xe ôm đến hát hàng đêm ở các phòng trà tại TPHCM. Giọng hát của bà vẫn đầy đặn, truyền cảm, tự nhiên và thu hút khán giả. NSƯT Hồng Vân bảo, bà đi hát là để thỏa niềm yêu nhạc, để tự nuôi sống mình mà không phải phụ thuộc vào con cháu. Mỗi khi lên sân khấu, bà đều say đắm.. "...Thỉnh giảng ở nhạc viện, mình rủ học trò ngâm thơ đi, hát dân ca đi, hát dân ca không tốn tiền bản quyền"... "con mình, cháu mình không có trái ổi trái na rụng gói trong lá chuối khô như mình ngày xưa"... "biết kiếm đâu viên kim cương trong sỏi đá khô cằn...". Một ngày, Hồng Vân nhận ra, mình là người duy nhất ở thành phố này cất tiếng ru, tiếng ru không làm thành phố thêm một chút buồn.
"...nấm gỗ mục đã tàn... hoa gỗ cứng đã rụng... ruộng lại thành lau khô... sông lại thành suối cạn... em đã lấy chồng rồi... chỉ hát chồng nghe thôi...". Lời ru ngày nào mẹ ru mình, mình ru con, ru cháu, giờ bà hát như ru chính mình.
...là năm canh chày... thức đủ vừa năm... hỡi chàng... chàng ơi...
Mai Thành Dũng