Nữ cán bộ y tế có tâm

Thứ sáu, 06/11/2020 19:50

Dù không phải địa bàn công tác, nhưng với lòng tận tâm với nghề, hay tin xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp hàng chục người dân ở nóc Ông Đề (xã Trà Leng, H. Nam Trà My, Quảng Nam), chị Phạm Thị Thanh Thái (1979, trú xã Trà Dơn, H. Nam Trà My) - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Dơn cùng các nhân viên của trạm lội bộ gần 15km đường rừng, băng qua hơn 10 điểm sạt lở kịp thời sơ cứu cho các nạn nhân.

Chị Thái lội bộ gần 15km đường rừng, băng qua hơn 10 điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường cứu người ở nóc Ông Đề.

Tiếp cận hiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề, chúng tôi xúc động trước hình ảnh các cán bộ y tế tận tình chăm sóc vết thương cho hàng chục người dân bị vùi lấp đang tập trung tại Trường TH xã Trà Leng. Qua trò chuyện, chúng tôi biết được họ là các cán bộ Trạm Y tế xã Trà Dơn, nghe tin đã bất chấp hiểm nguy băng qua 10 điểm sạt lở đến hiện trường để cứu người. Sơ cứu vết thương cho các nạn nhân xong, một nữ cán bộ y tế mới có thời gian rảnh ngồi nghỉ ngơi. Gương mặt chị hiện rõ sự mệt mỏi. Chúng tôi bước đến mời chị uống ngụm nước và vài chiếc bánh, chị vui vẻ nhận lấy. Chị cười bảo: “Lúc sáng đi vội nên quên mua nước và thức ăn mang theo”.

Hỏi chuyện mới biết chị tên Phạm Thị Thanh Thái, là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Dơn. Khi nghe tin xảy ra vụ sạt lở, chị Thái cùng các đồng nghiệp đã chủ động vào hiện trường để cứu chữa cho các nạn nhân. Chị Thái kể, sáng 29-10, trong lúc dọn dẹp do sạt lở đất đổ tràn vào nhà chị nghe người dân thông tin ở xã Trà Leng xảy ra sạt lở vùi lấp hàng chục người dân. Do sóng điện thoại không có, chị không thể liên lạc được người quen xác minh thông tin đành chạy xe máy vào xã Trà Leng hỏi thăm. Đến cầu Nước Xa, chị thấy lãnh đạo UBND huyện, các lực lượng Quân đội, Công an ở đây rất đông. Chị đến hỏi thì biết thông tin đó là chính xác liền gọi điện cho cấp trên xin vào hiện trường cứu người nhưng mất sóng không liên lạc được.

“Biết thông tin là đúng, tôi liền chạy về nhà lấy các dụng cụ, vật tư y tế. Sau đó, tôi đến Trạm y tế xã thông báo sự việc và vận động 3 cán bộ của trạm đi theo. Chúng tôi gói các loại thuốc, vật tư y tế cần thiết ở trạm, ngoài ra tôi còn ra quầy thuốc mua thêm hơn 20 túi dung dịch nước. Chạy qua cầu Nước Xa được một đoạn thì sạt lở núi làm tắc đường, xe máy không qua được. Thế là chúng tôi quyết định đi bộ băng qua các điểm sạt lở. Hơn 4 giờ cuốc bộ, chúng tôi đã đến khu vực bị sạt lở. Những người bị thương được đưa đến Trường TH Trà Leng cách khu vực bị sạt lở khoảng 100m. Có nhiều người bị thương rất nặng đã ngất xỉu. Nhìn thấy cảnh tượng đó chúng tôi ai cũng đau xót. Cố nén cơn đau, chúng tôi chia nhau sơ cứu vết thương cho các nạn nhân, truyền nước rồi để người dân cõng ra đường lộ đưa đi cấp cứu”, chị Thái kể lại.

 Chị Thái băng bó vết thương cho một chiến sĩ Công an bị thương khi làm nhiệm vụ.

Hoàn thành việc sơ cứu cho nạn nhân, chị Thái cùng đồng nghiệp vẫn túc trực hiện trường để kịp thời sơ cứu những nạn nhân được tìm thấy và các lực lượng chức năng bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Xế chiều, chúng tôi cùng chị Thái bắt đầu rời khỏi hiện trường. Chị trải lòng: “Tôi biết ở xã Trà Leng bị sạt lở nhiều nơi, các cán bộ Trạm Y tế xã Trà Leng sẽ không đủ sức để cứu chữa hết. Việc làm của tôi chưa được cấp trên đồng ý, nếu xảy ra chuyện bất trắc gì sẽ bị kiểm điểm. Nhưng nghĩ đến những người dân bị thương cần được cứu chữa kịp thời, tôi quyết định đi cứu người trước, sau đó sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu cấp trên khiển trách”.

Chị Phạm Thị Thanh Thái được đồng nghiệp nhận xét là người giàu sự nhiệt huyết và có tâm với nghề, năng nổ trong công việc. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, chị Thái về công tác tại Trạm Y tế xã Trà Dơn. Với sự nhiệt huyết và tận tâm của mình, chỉ gần 2 năm công tác chị được cấp trên bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Dơn. Năm 2013, chị tiếp tục học lên Y sĩ Đa khoa và đang học liên thông đại học. Nhiều năm liền chị được UBND H. Nam Trà My và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tặng Giấy khen.

LÊ VƯƠNG