Nữ cán bộ y tế “gọi đâu có đó”

Thứ hai, 27/02/2023 13:40
Vào nghề với chuyên môn là kỹ thuật viên xét nghiệm, công việc thực tiễn tại Trạm Y tế xã Hòa Phú, H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cùng tình cảm gắn bó sâu nặng với đồng bào Cơ Tu hơn 12 năm qua đã đào tạo chị Nguyễn Thị Trà (1989) trở thành nữ cán bộ y tế cơ sở đa năng, tận tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương. Bất kể là đêm khuya hay những ngày nghỉ, mỗi lần người dân địa phương gặp các vấn đề về sức khỏe, thương tích, chị lập tức có mặt để xử trí hiệu quả các tình huống...
Từ một kỹ thuật viên xét nghiệm, hiện chị Trà là nữ cán bộ y tế cơ sở đa năng và tận tâm trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.
Từ một kỹ thuật viên xét nghiệm, hiện chị Trà là nữ cán bộ y tế cơ sở đa năng và tận tâm trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.

Năm 2011, thành phố Đà Nẵng bắt đầu triển khai Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng miền núi khó khăn, là người con Cơ Tu, chị Trà là một trong những học viên đầu tiên được lựa chọn và theo học y tế tại Trường Cao đẳng Y tế Trung ương 2.

Được xét chọn đi học là một vinh dự nhưng với chị, những khó khăn trong tiếp cận kiến thức lý thuyết, thực hành ngành y là không ít. Nhận thức được xuất phát điểm của mình, cô gái vùng nông thôn tự nhủ phải cố gắng bằng năm bằng mười những gì mình có để khi về lại quê nhà có đủ hành trang cống hiến cho mảnh đất vốn đang chịu nhiều thiệt thòi. “Nhiều người được đi học, sau đó về đi làm tích lũy kinh nghiệm rồi tính đường vươn cao, bay xa hơn. Nhưng chẳng hiểu sao, mỗi lần đặt ống nghe lên ngực bà con, nghe họ trình bày sức khỏe bằng tiếng Cơ Tu, tôi thấy mình không cần đi đâu nữa. Mọi khó khăn ban đầu rồi cũng qua, giờ đã hơn 12 năm rồi. Nhà mình ở đây, cuộc sống mình ở đây, những gì tôi được học và tích lũy trong những năm tháng qua không phải là cao siêu nhưng rất hữu ích”, chị Trà chia sẻ.

Chuyên môn đào tạo là một kỹ thuật viên xét nghiệm, những ngày đầu về đi làm chị cảm thấy buồn tay chân vì gần như “thất nghiệp”. Vậy là chị xin được theo chân các bác sĩ, y sỹ của Trạm thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu người địa phương bị nạn trong khi lao động sản xuất, tham gia giao thông hoặc sinh hoạt hàng ngày. Tạm gác kiến thức xét nghiệm, nữ nhân viên y tế này chủ động đề xuất được đi tham gia các lớp tập huấn về sơ cấp cứu, xử lý sự cố ban đầu cho các tình huống thương tích thường gặp trong đời sống vì thấy đây là nhiệm vụ cần thiết hơn. Được tận mắt chứng kiến, làm cộng sự rồi được cầm tay chỉ việc một vài ca đơn giản ban đầu, chị Trà nhanh chóng thích nghi công việc, làm chủ được các kỹ thuật cơ bản, kịp thời xử lý các sự cố, tai nạn, giúp nạn nhân qua giai đoạn nguy hiểm trước khi được chăm sóc, điều trị tốt hơn. Không phải chuyên môn hóa như ở các cơ sở y tế tuyến trên, công việc tại Trạm Y tế tuyến xã, phường thường là “cân” rất nhiều việc. Cùng với các chương trình mục tiêu dân số, y tế theo nhiệm vụ thường xuyên, chị Trà và các đồng nghiệp xác định “gọi đâu có đó, cần khi nào có mặt khi đó”. Hòa Phú là xã miền núi, địa hình phức tạp với nhiều khe, suối, người dân lại sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt, làm nương rẫy, đi rừng. Trong thực tế cuộc sống, đã xảy ra rất nhiều tai nạn thương tích trong lúc chặt cây làm rẫy, nhiều vụ đuối nước thương tâm. Đường sá xa xôi cách trở, địa hình phức tạp nên mỗi khi gọi xe cấp cứu từ huyện, từ thành phố cũng mất trung bình tầm nửa giờ đồng hồ. Nếu không phản ứng, xử lý kịp thì nạn nhân thường mất đi thời gian vàng để can thiệp, hỗ trợ.

“Những lúc như thế, chúng tôi phải nhanh chóng có mặt bên người dân để hỗ trợ, sơ cấp cứu ban đầu trước khi được hỗ trợ từ tuyến trên. Bất kể là ngày hay đêm, gần hay xa, ngày thường hay lễ tết, bà con đến Trạm được thì tốt, không thì mình phải nhanh chóng lên đường tìm đến tận nhà hay thậm chí là vào trong rừng”, chị Trà chia sẻ. Hầu hết cán bộ của Trạm Y tế xã Hòa Phú đều có nhà ở thành phố hoặc trung tâm huyện, xong ca trực thì về với gia đình. Các sự cố tai nạn, cần chăm sóc sức khỏe ban đầu xảy ra ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ chủ yếu do 3 cán bộ người địa phương cố gắng xử lý. “Tôi có 2 điều thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp là sinh ra và lớn lên ở đây, gần gũi về địa bàn cũng như tình cảm, lại nói cùng tiếng với hầu hết bà con Cơ Tu nên khám bệnh, nghe người dân trình bày cũng dễ dàng. Ngoài giờ hành chính, khi cần thì chúng tôi sẵn sàng chia sẻ công việc cùng nhau với mục tiêu nhanh nhất có thể vì nhân dân”, chị Trà cho biết.

Là nhân viên y tế cơ sở lắm vất vả, may mắn của nữ cán bộ y tế Cơ Tu là chồng chị cũng làm cùng nghề nên cùng nhau chia sẻ được những khó khăn trong công việc. Ông xã chị Trà hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, chế độ công việc cũng phải theo ca trực nên nhiều khi “vợ đi thì chồng về như đuổi bắt trong nhà”. Nhưng đã chọn khoác lên mình chiếc áo blouse rồi, vợ chồng chị quyết tâm phải vượt qua khó khăn để trọn vẹn với nghề. “Khó khăn trong gia đình dần dần rồi cũng thích ứng được, đã chọn nghề này thì không thể có thảnh thơi cho mình. Chỉ mong sao hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư. Khi đó, bà con mình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn thì chính mình cũng bớt trăn trở, bớt vất vả hơn”, chị Trà trải lòng.

Bảo Nam