Nữ “Doanh nhân vàng” hầu tòa

Thứ năm, 24/01/2019 20:10

Ngày 22-1, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thị Hương (1958, trú TP Huế, TT-Huế)- Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thuận Thành (viết tắt là HTX Thuận Thành), người được xem là“nữ doanh nhân vàng xứ Huế”cùng các đồng phạm về tội “Kinh doanh trái phép”. Cùng xét xử về tội danh trên còn có các bị cáo từng giữ chức vụ chủ chốt của HTX Thuận Thành, gồm: Phạm Thị Minh Hoa (1973, kế toán trưởng HTX), Võ Lập (1960, Phó Chủ nhiệm HTX), Phạm Hữu Bảo (1958, Phó Chủ nhiệm HTX) và Tôn Nữ Thu Huệ (1958, Thủ quỹ HTX, đều trú TP Huế).

Bị cáo Lê Thị Hương (ngoài cùng, bìa phải) cùng các đồng phạm hầu tòa. 

HTX Thuận Thành được thành lập năm 1998 theo quyết định của UBND TP Huế. Đến năm 2010, HTX Thuận Thành đã 5 lần thay đổi đăng ký kinh doanh gồm các ngành nghề: thương mại dịch vụ, hoạt động đại lý các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ gia công, sản xuất, sửa chữa cơ khí, điện lạnh, điện máy, điện dân dụng, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ ăn uống, sản xuất chế biến hàng lương thực, thực phẩm, vận chuyển hàng hóa bằng xe      ô-tô, hoạt động dạy nghề và nâng cao tay nghề, gia công các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, cung ứng phần mềm và thiết bị điện tử... Đặc biệt, HTX này từng nổi tiếng với việc kinh doanh chuỗi siêu thị Thuận Thành.

Theo HĐXX, HTX Thuận Thành không có ngành nghề kinh doanh tín dụng. Sau khi Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực (ngày 1-1-2011), HTX Thuận Thành không được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TT-Huế cấp giấy phép kinh doanh các hoạt động huy động vốn bằng hình thức phát hành sổ tiết kiệm có thời hạn. Tuy nhiên, do cần nguồn vốn để hoạt động kinh doanh, nên Lê Thị Hương với tư cách là Chủ nhiệm, người đại diện theo pháp luật của HTX đã tự soạn thảo sổ tiết kiệm, ký tên và đóng dấu của HTX Thuận Thành để phát hành sổ tiết kiệm có thời hạn nhằm mục đích huy động vốn trong nhân dân với lãi suất cao hơn so với lãi suất của ngân hàng, nhằm mục đích đưa vào quỹ hoạt động kinh doanh của HTX. Số tiền này được dùng để trả lãi suất và giảm vốn vay của người trước và lấy số vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn dẫn đến thua lỗ, nên mất khả năng thanh khoản và không có tiền để trả lại cho người dân. Trong vụ án này, Lê Thị Hương là người chủ mưu, cầm đầu nên phải chịu trách nhiệm chính. Đối với Phạm Thị Minh Hoa, Tôn Nữ Thu Huệ, Võ Lập và Phạm Hữu Bảo là những người giúp sức, nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.

Cụ thể, từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2013, bị cáo Lê Thị Hương đã phát hành trái phép 117 sổ tiết kiệm, huy động vốn trong nhân dân của 88 trường hợp với tổng số tiền hơn 11,2 tỷ đồng. Phạm Thị Minh Hoa- Kế toán trưởng, Tôn Nữ Thu Huệ- Thủ quỹ, Võ Lập và Phạm Hữu Bảo đều là Phó Chủ nhiệm HTX mặc dù không có sự trao đổi, bàn bạc trong Ban Chủ nhiệm nhưng đã thực hiện theo sự chỉ đạo, ủy quyền của Lê Thị Hương, nên Phạm Thị Minh Hoa đã trực tiếp ký 99 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; Tôn Nữ Thu Huệ trực tiếp ký 92 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; Võ Lập trực tiếp ký phát hành 15 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 894 triệu đồng và Phạm Hữu Bảo trực tiếp ký phát hành 7 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 338 triệu đồng.

Xét thấy hành vi kinh doanh trái phép của các bị cáo có tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, HĐXX TAND tỉnh TT-Huế tuyên phạt bị cáo Hương 9 tháng tù. Các bị cáo: Hoa, Lập, Bảo và Huệ bị phạt từ 3-5 tháng tù treo. Về trách nhiệm dân sự,  sau khi vụ việc xảy ra, HTX Thuận Thành đã nộp cho cơ quan điều tra số tiền 150 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại cho các bị hại. Các bị hại yêu cầu HTX Thuận Thành hoàn trả lại số tiền gốc đã gửi hơn 11 tỷ đồng.  Nhiều bị hại rất bức xúc khi số tiền họ gửi cho HTX Thuận Thành là số tiền tiết kiệm dành dụm phòng khi tuổi già. Tuy nhiên, hiện nay, số tiền này vẫn không được các bị cáo trả lại...

H.LAN